Thứ Hai, 14/10/2024 05:17 SA
Tôi đi dạy
Thứ Bảy, 17/09/2016 09:48 SA

Minh họa: PV

Thi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm xong, tôi khấp kha khấp khởi nghĩ tới cái viễn cảnh mình được làm cô giáo, mực thước trong bộ áo dài và tươi cười khi mấy em nhỏ ríu rít khoanh tay “Em chào cô!”. Đêm nào tôi cũng mơ thấy mình được mặc áo dài màu thanh thiên, thướt tha ngồi trên con Wave S mới tậu, lả lướt tới trường. Tôi sướng đến nỗi nằm ngủ mà miệng cứ chúm chím cười, có khi còn hồn nhiên cười thành tiếng rồi… tỉnh ngủ luôn.

 

Đang rất lạc quan về một tương lai xán lạn thì hỡi ôi, ngày đi nhận bằng… giỏi cũng nhận luôn cái thông báo “khuyến mãi”: Trường đào tạo theo chỉ tiêu từng huyện nhưng bây giờ, do tình hình chung là các huyện không thiếu chỉ tiêu nên các em tự tìm nhiệm sở! Lúc mới nghe tin đó, thú thực là có phần hoang mang nhưng tôi tươi tỉnh lại liền, vì nghĩ, hay đây cũng là ý trời, chắc là số phận đã tặng mình cơ hội để thực hiện hoài bão làm cô giáo vùng cao rồi. Tôi về, trình bày mọi chuyện với mẹ rồi rón rén xin lên núi dạy, mẹ quạt cho một trận nên thân. Mẹ sợ thân gái đơn chiếc loay hoay chỗ thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc, muỗi rừng và sốt rét, da dẻ bủng beo, rồi thành bà cô già chết khô trên núi… Mẹ hù một trận quyết liệt nhưng tôi vẫn không thấy nhằm nhò. Bạn bè tổ chức họp hành rất khẩn trương, phần lớn đồng tình theo phương án nộp hồ sơ tại địa phương rồi chờ bổ nhiệm. Tôi với Thảo thì âm thầm chọn cách khác.

 

Kế hoạch đã lên, vậy là an tâm xúc tiến. Trưa hôm sau, tôi cút kít đạp xe qua nhà Thảo, nàng lấy chiếc xe cối cũ kỹ, ì ạch thồ tôi và hai cái hồ sơ, è è băng qua mấy con dốc lên tận huyện miền núi Sông Hinh nộp hồ sơ. Đứng trước cửa Phòng GD-ĐT huyện, tôi tròn mắt chữ O mồm chữ Ô. Ôi chao, cơ quan giáo dục của huyện là một căn phòng cấp bốn cũ kỹ. Thú thực, tôi thèm đi dạy trên núi vì tôi ngưỡng mộ mỹ từ “cô giáo vùng cao” chứ trong cái đầu nhỏ bé của cô nàng lớn lên từ đồng ruộng, tôi chưa bao giờ hình dung ra quang cảnh đìu hiu xơ xác của vùng núi hồi ấy.

 

Thảo về trường bán trú trên thị trấn, còn tôi nhận quyết định công tác tại Trường THCS Sơn Giang. Tôi không biết xã Sơn Giang nằm chỗ nào bèn âm thầm đi thăm dò. Bác Tám hồi trước ẩn mình trên Sông Hinh mấy năm thồ cây, đãi vàng bảo: Đó là vùng kinh tế mới, tên nguyên thủy là Nhiễu Giang. Dân di cư chủ yếu là các tỉnh phía bắc, có cả người dân tộc thiểu số nữa, họ giống nhau ở chỗ là tất cả đều rất… rất nghèo. Phần còn lại là dân Nha Trang, chủ yếu có tiền án tiền sự nên bị “đày” ra…

 

Hành trình đi tìm trường của tôi là một tấn “bi hài kịch”. Áo xống đẹp đẽ, nhờ anh Hai chở đi nhận nhiệm sở. Tâm trạng vừa phấn khởi hồi hộp vừa nôn nao lo sợ. Ngày hôm ấy trời ửng nắng rất đẹp vậy mà vừa qua khỏi địa phận của huyện nhà, xe mới ló qua Sơn Giang được 3 cây số thì phải leo xuống trả tiền cho người ta khiêng xe qua bờ tràn. Nghe bảo đêm hôm mưa to quá, mưa rừng nên nước khách tràn xuống đường rất mạnh, đoạn có bờ tràn thì nước rất dữ nên phải khiêng xe. Một chàng trai người Ê Đê trêu: “Ê cô giáo, tao cõng cô qua luôn nhen!?”. Ôi trời, đang mướt mồ hôi vì mệt nhưng tôi lại run rét với câu đùa ấy - dù vậy tôi vẫn lấy cái “oai” của một cô giáo, cười đáp lễ rất phải đạo rồi đu vai anh Hai qua tràn. Từ chỗ ấy, phải khiêng xe qua ba bờ tràn nữa, băng qua một đoạn đường dài vắng vẻ chỉ cơ man là sắn với mía rồi bươn lên một con dốc dựng đứng, tôi mới tới được trường.

 

Lúc hỏi thăm trường nằm chỗ nào, tôi phát… hoảng vì được một người dân địa phương giới thiệu nguyên là cái kho cũ bỏ hoang được sửa lại nằm trên đồi Phương Sơn. Tìm ra ngọn đồi rồi, lại phải bươn lên một cái dốc dựng đứng mới lên được sân trường. Ngôi trường tồi tàn, ọp ẹp, dây leo bám rậm vách phòng học. Trường được 4 lớp. Thầy hiệu trưởng đưa tôi đến khu nội trú. Trời ơi! Mục nát. Tạm bợ. Chắp vá. Chẳng khác chi căn lều trú tạm của dân sơn tràng - vốn là cái trạm y tế bỏ hoang.

 

Tôi được chia ở với hai chị giáo viên khác của trường, hai chị đi dạy từ cái thời sinh viên sư phạm theo sự phân công của sở. Chiếc giường đơn cho hai cô giáo đã quá nhỏ, giờ thêm cô nàng “hột mít” tôi nữa nên đành phải lên trường khiêng hai cái ghế dài học sinh về kê vào cho có chỗ ngủ. Nằm ngủ phải ngay đơ như cây… cơ, chỉ cần cựa qua là trúng cạnh ghế liền, đau muốn gãy lưng luôn nên cứ cố mà nằm bất động. Về đấy ở, mọi sinh hoạt đều thực hiện rất “dã chiến”. Tắm rửa ra suối. Nước sinh hoạt cũng ra suối thồ về. Đi vệ sinh ư? Cứ chịu khó bươn ra đồi (hướng nào cũng được) cách chừng trăm mét! Ấy là nói ban ngày, chớ ban đêm mấy cô giáo chúng tôi lỡ bất tử có “nhu cầu” thì chỉ có nước xách đèn pin sang khu nội trú nam, muối mặt mà năn nỉ các anh đi… “hộ tống”!...

 

Buổi tối, tôi còn phải đi dạy phổ cập. Đường đi gồ ghề, đêm đen đặc, sợ ma chút chết song vì nhiệm vụ cũng phải làm. Học sinh đến trường thì mười đứa hết tám lôi thôi lếch thếch. Tóc tai bù xù, áo quần nhem nhuốc, đứng từ xa đã nghe mùi khét của nắng. Trường nghèo, dân nghèo, học trò không có điều kiện học tập, nên các em bỏ học giữa chừng nhiều, cả dạy chính quy lẫn dạy phổ cập ban đêm, dạy hè… Hụt hẫng, thất vọng, ngỡ ngàng khi đối mặt cùng thực tế - quá khác so với những gì cô sinh viên sư phạm từng tâm huyết ấp ủ, hình dung lúc mới ra trường. Tôi lên lớp ngày ngày như nghĩa vụ bắt buộc, dạy bằng trách nhiệm của một người làm công ăn lương hơn là tâm thế của một người thầy yêu nghề mến trẻ. Nhiều khi khổ, buồn, muốn… trốn về xuôi quách!…

 

* * *

 

Rồi một buổi sáng, bình thường như bao buổi sáng khác ở khu nội trú, tôi ngủ muộn, dậy mở cửa đã thấy cậu học trò ngồi thu lu tự lúc nào trước hiên nhà. Cậu bảo đến sớm nhưng không dám gọi sợ phá giấc ngủ cô. Tay cậu ôm bó rau muống to. Cậu rụt rè bảo: Rau vườn nhà, tươi lắm, em đem cho cô nấu canh…

 

Rồi có hôm tôi bệnh, lại học trò khác mang tới nội trú trái cam nhà, nhỏ xíu và khô đét, rồi trái đu đủ chín. Mùa mía thì là những cây mía xanh, các em đem ra suối chà thật sạch và đem tới tặng cô. Chưa hết, những ngày lễ, quà các em tặng là những bó bông cỏ được sắp và bó thật đẹp, có em kết thành vòng, đeo vào cổ cô giáo…

 

Đó quả thật là những khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc. Nó giúp tôi vơi nỗi buồn khó khăn, thiếu thốn. Nó khiến tôi ngày càng gần gũi, yêu thương các em hơn. Nhớ nhất là có lần tôi đi dạy trong tình trạng sức khỏe “có vấn đề”. Dạy đâu được nửa học kỳ, tôi thấy mình không ổn nên đành tái khám rồi nhập viện. Vậy mà có em học trò “bắt” ba mẹ chở xuống tận bệnh viện thăm cô. Em đặt ở đầu giường tôi một hộp to những con sếu. Em bảo đó là cả lớp thắt để cầu mong cô mau khỏe mạnh…

 

…Giờ đã xa rồi - cái ý tưởng bỏ lớp bỏ trường, bỏ những đứa học trò vùng cao lam lũ để “trốn chạy” về xuôi. Tình cảm quyến luyến, yêu thương của những em học trò nhiều thế hệ, cộng với những kỷ niệm đẹp với bạn bè, đồng nghiệp một thời đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, đã thành những sợi dây mềm mà vô cùng chắc “buộc chân” tôi lại với ngôi trường vùng cao, với những học trò “xóm núi”...

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek