Thứ Hai, 14/10/2024 05:22 SA
Từ phổ thông, giản dị trong văn chính luận Hồ Chí Minh
Thứ Bảy, 03/09/2016 07:00 SA

Hát múa ca ngợi Bác Hồ - Ảnh: MINH NGUYỆT

Trong sự nghiệp cách mạng và sáng tác văn chương của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thông qua cách lựa chọn, sử dụng từ ngữ nhằm nâng cao hiệu quả của sự diễn đạt bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình. Từ ngữ Người dùng trong văn chính luận luôn trong sáng, giản dị, gần gũi và thiết thực. Đó là lời ăn, tiếng nói hàng ngày của quần chúng nhân dân lao động được đặt đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc nên dễ hiểu, dễ nhớ.

 

Dùng từ quen thuộc, gần gũi

 

Trong văn chính luận, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc dùng từ phổ thông, giản dị. Đó là thứ ngôn ngữ dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Từ những bức thư gửi cho các cháu thiếu nhi, cán bộ, đồng bào trong nước và ngoài nước cho đến những bài diễn văn, báo cáo chính trị, bài nói chuyện…, ở tác phẩm nào, Người cũng lựa chọn những từ quen thuộc, gần gũi nhất với quần chúng.

 

Sở dĩ Bác sử dụng lớp từ phổ thông, giản dị nhiều là để giúp cho người tiếp nhận dễ đọc, dễ hiểu. Đại bộ phận nhân dân ta lúc bấy giờ phải chung sức cùng cả dân tộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nên vốn từ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, từ ngữ Bác dùng trong các tác phẩm là những từ gần gũi, phổ biến trong quần chúng nhân dân có thể biểu đạt được những khái niệm, lý lẽ đanh thép để đấu tranh trực diện với kẻ thù.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Không chỉ trong những bài nói chuyện với cán bộ và quần chúng nhân dân lao động mà ngay cả áng văn bất hủ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngôn ngữ của Người cũng chính là tiếng nói của nhân dân lao động:

 

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

 

Từ “đồng bào” Bác dùng rất hay. Tự nó đã khơi dậy trong lòng người đọc, người nghe những tình cảm của những con người cùng một giống nòi, cùng một Tổ quốc, cùng một dân tộc, chung một huyết thống. Từ nay, những con người cùng chung ấy đã thoát khỏi kiếp nô lệ, dân ta đã được tự do và độc lập.

 

Tiếng Việt của nhân dân lao động đã đi vào Tuyên ngôn độc lập - một bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc hết sức tự nhiên, rất gần gũi, chân thành, dễ hiểu và không kém phần trang trọng. Cùng với tuyên bố nền độc lập của nước nhà, Tuyên ngôn độc lập được viết bằng văn Việt, lời Việt cũng chính là lời tuyên bố vị trí độc lập của tiếng Việt trên trường quốc tế. Nước nhà độc lập, ngôn ngữ cũng phải độc lập. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bản tuyên ngôn độc lập được viết bằng sự vay mượn tiếng Hán của cha ông ta trước đây.

 

Hồn của dân tộc, ngôn ngữ dân tộc đã thấm sâu và chảy vào trong ký ức của Người và tuôn trào qua ngọn bút tự khi nào. Vì lẽ ấy, chúng ta cũng không có gì quá ngạc nhiên khi thấy Bác sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân một cách nhuần nhụy trong những áng văn giàu tính chính luận của mình. Không chỉ tuyên ngôn độc lập, chúng ta còn phải quyết giữ vững nền độc lập đã giành được bằng máu xương của dân tộc mình. Bác đã từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác viết:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!”…

 

Khi Tổ quốc trong cơn nguy biến, đất nước lâm nguy, từ “đồng bào” lại vang lên trong áng văn chính luận của Người. Vì đồng bào và phải dựa vào đồng bào. Tư tưởng chiến tranh nhân dân được Người diễn đạt bằng chính ngôn ngữ của nhân dân, ai ai cũng hiểu: cứu nước và giữ nước là sự nghiệp của toàn dân. Kháng chiến toàn quốc thắng lợi không phải bằng sức mạnh của vũ lực mà chính bằng sức mạnh của toàn dân!

 

 

Các bạn trẻ xem những bài viết của Bác Hồ được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

 

Trăn trở với từng con chữ

 

Không chỉ với bản khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hay là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập ấy mà có thể nói, suốt đời Bác luôn trăn trở với từng con chữ trong từng văn bản. Bởi Người luôn ý thức rằng, ngôn ngữ là vũ khí tuyên truyền sắc bén, là công cụ để đấu tranh giải phóng dân tộc, là phương tiện ngoại giao và là phương tiện gửi gắm tình cảm chân thành giữa lãnh tụ với nhân dân. “Cả một đời vì nước vì non”, trước lúc đi xa Bác để lại một bản Di chúc thật cảm động và chân thành với ngôn từ giản dị nhưng súc tích. Đọc bản thảo Di chúc của Người và so sánh với bản chính, chúng ta nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực trong sự cân nhắc, lựa chọn từ ngữ. Lúc đầu Người viết:

 

“Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

 

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm viếng và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta” (bản thảo).

 

Sau đó Bác chữa lại:

 

“Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

 

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta” (bản chính).

 

Bác đã có sự cân nhắc, lựa chọn giữa các cặp từ: thăm hỏi/ chúc mừng, thăm viếng/ thăm. Việc lựa chọn và dùng từ không chỉ phải chính xác về mặt âm thanh và ý nghĩa, diễn tả đúng các hoạt động mà đối với văn bản chính luận, việc dùng từ còn giúp người viết thể hiện chính xác quan điểm và lập trường tư tưởng của mình. Trước khi dặn dò những công việc cụ thể, Bác thật thanh thản và chủ động khi viết mấy dòng này trong bản Di chúc của mình để lại cho muôn đời sau:

 

“Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng tiền bối khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bạn bè xa gần khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột” (bản thảo).

 

Trong bản chính Bác chỉ thay đổi một từ:

 

“Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin…” (bản chính).

 

Trong đoạn này, Bác đã thay từ phải bằng từ sẽ. Phải là động từ tình thái mang nghĩa bắt buộc, bị động, với nét nghĩa “không thể khác” dù chủ thể của hành động có muốn khác đi chăng nữa. Điều này còn thể hiện sự bi quan, ủy mị trước sự ra đi. Từ sẽ không mang nghĩa thụ động ấy mà là dấu hiệu chỉ dẫn sự việc sẽ xảy ra trong tương lai với sự chủ động của chủ thể hành động. Bác đã nhận thức được việc ra đi gặp các bậc tiền nhân là điều tất yếu xảy đến. Bác đã thật chủ động “để sẵn mấy lời này” và nhận thức rõ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Đỗ Phủ). Dù biết rằng sinh tử là quy luật nghiệt ngã của muôn đời nhưng với tuổi “cổ lai hy” ấy, Bác vẫn minh mẫn, sáng suốt cân nhắc, lựa chọn từng từ ngữ trong bản Di chúc gắn với muôn vàn tình thương yêu của Người để lại cho toàn dân tộc trước lúc đi xa thì quả là xưa nay hiếm!

 

Ngoài ra, ở một số tác phẩm khác, Bác cũng sử dụng có hiệu quả lớp từ phổ thông, giản dị giúp người đọc dễ nhận ra được ý nghĩa mà Bác muốn thể hiện. Trong Sửa đổi lối làm việc, Người viết: “Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào… Việc nào dễ thì tranh lấy cho mình, việc nào khó thì đùn cho người khác. Gặp nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”.

 

Những từ: xa hoa, tiêu xài bừa bãi, xoay, tranh lấy, đùn, trốn tránh là những từ phổ thông, giản dị, gần gũi với quần chúng nhân dân mà ta khó tìm được những từ nào khác thay thế.

 

Yêu cầu đầu tiên của việc dùng từ là phải đúng với âm thanh (cái biểu đạt) và ý nghĩa (cái được biểu đạt) của từ. Hai mặt này gắn bó chặt chẽ với nhau như hai mặt của một tờ giấy. Vì thế, khi hình thức ngữ âm của từ thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi ý nghĩa của từ. Chính vì lẽ ấy, khi đứng trước một trục liên tưởng bao gồm một dãy các từ đồng nghĩa hay gần nghĩa, chúng ta buộc phải lựa chọn và chỉ có thể lựa chọn được một từ đắt giá.

 

Vấn đề lựa chọn này phụ thuộc rất lớn vào khả năng vận dụng ngôn ngữ, vốn hiểu biết và cả văn hóa của người sử dụng quyết định. Bài học về việc lựa chọn và dùng từ của Bác cần được ghi nhớ: Tiếng Việt không thiếu từ mà vấn đề là người dùng phải am hiểu đời sống của ngôn ngữ thì từ được dùng sẽ phát huy hiệu quả, giúp người viết biểu đạt sự trong sáng ý tưởng của mình và tạo điều kiện cho người nhận tin tiếp thu tư tưởng của người phát tin một cách hiệu quả.

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek