Nhận thức được trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, các nghệ nhân không ngừng lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống. Báo Phú Yên ghi nhận ý kiến của các nghệ nhân trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ IX (ngày hội) đang diễn ra tại huyện Sông Hinh.
ÔNG LÊ NHẬT TÂN (56 TUỔI, HUYỆN SÔNG HINH): Phát huy vốn quý của mỗi dân tộc
Tôi có vinh dự được nhiều lần tham gia ngày hội, nhưng mỗi lần đều mang một cảm xúc khác nhau. Lần này, huyện nhà đăng cai tổ chức nên các anh chị em nghệ nhân ở đây đỡ vất vả hơn trong việc đi lại và việc huy động nghệ nhân, diễn viên tham gia cũng thuận lợi hơn. Với tôi, ngày hội luôn là dịp để các đoàn giao lưu văn hóa truyền thống với nhau. Tôi mong muốn những truyền thống vốn có của mỗi dân tộc sẽ được thế hệ sau lưu giữ và phát huy mạnh mẽ. Là một nghệ nhân chuyên thiết kế và xây dựng trại, tôi luôn đi tìm những cái mới lạ nhưng chưa bao giờ bỏ hoàn toàn cái cũ, mà cái mới phải ở trên nền cái truyền thống tốt đẹp. Trại của tôi thường được thiết kế dựa trên nền nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê và cổng trại được làm đơn giản, mộc mạc. Các chất liệu làm trại chủ yếu lấy từ tre, nứa... đều là những vật liệu có sẵn, khơi gợi truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện Sông Hinh.
ÔNG MA NGUN (94 TUỔI, HUYỆN SƠN HÒA): Giới thiệu những nét đẹp văn hóa
Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia vào ngày hội năm nay. Tôi năm nay tuổi đã cao, sức yếu, đến với ngày hội, mục đích chủ yếu là giới thiệu các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào mà mình biết được, trước là để giao lưu, sau là để truyền lại cho thế hệ đi sau có điều kiện tiếp tục lưu giữ. Trong đó, Lễ Cúng nhà mới là nét văn hóa đặc sắc của người đồng bào Ê Đê ở Sơn Hòa. Lễ Cúng nhà mới rất quan trọng, thường lễ cúng này giống như cúng nhà ba năm của người Kinh vậy. Thứ nhất, cây cối được sử dụng hoàn toàn mới và trong lễ cúng bắt buộc phải có heo và ché rượu. Tất các các nghi thức đều được thực hiện theo quy định từ xưa. Ngoài ra, các nghệ nhân người Ê Đê ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) còn mang đến ngày hội những phong tục như: uống rượu cần, đánh cồng chiêng... Đồng thời còn tiếp thu những tinh hoa văn hóa từ các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh để làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống, góp phần giáo dục thế hệ con cháu hướng đến nhiều điều hay, lẽ phải.
BÀ LIỄU THỊ VƯỜN (45 TUỔI, HUYỆN TÂY HÒA): Giao lưu và học hỏi
Các chương trình trong ngày hội được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo, có nội dung đặc sắc, hình thức phong phú, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, có nhiều nét mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân, gắn với công tác quảng bá tiềm năng, thu hút khách du lịch.
Tôi mong muốn ở cấp huyện, ngày hội được tổ chức hàng năm để giúp các nghệ nhân có cơ hội được giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Từ đó, các phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi vùng miền sẽ được lưu truyền rộng rãi. Hy vọng các cấp, ngành có trách nhiệm quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn các truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, với cộng đồng các dân tộc di cư từ miền Bắc khi đến đây định cư lâu dài, việc lưu giữ truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc là rất cần thiết. Tham gia chương tình ngày hội năm nay, tôi và đội văn nghệ thôn Lạc Đạo (xã Sơn Thành Tây) đã mang đến tiết mục hát then với bài hát “Lập xuân” của dân tộc Tày. Tiết mục này được biểu diễn bởi 12 thành viên gồm có 3 tốp: múa, đàn tính và hát.
THIÊN LÝ (ghi)