Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sáng tác văn học không phải là hoạt động chủ yếu nhưng đã để lại cho dân tộc nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Văn chính luận của Người có nhiều thể loại khác nhau như: Lời hịch, lời kêu gọi, tuyên ngôn, báo cáo chính trị, các bài xã luận, bình luận trên báo chí, phát thanh và truyền hình, nói chuyện thời sự… đã mở đầu cho dòng văn học chính luận tiên tiến của giai cấp vô sản nước ta, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của văn chính luận hiện đại.
HẤP DẪN, TRUYỀN CẢM MẠNH MẼ
Văn chính luận thường bàn về những vấn đề chính trị, những vấn đề thời sự nóng hổi trong cuộc sống, được nhiều người quan tâm. Do vậy, người viết phải vận dụng những quy luật, những khái niệm, thuật ngữ khoa học chính trị. Ngôn từ chính luận không chỉ có chức năng thông tin một cách khách quan mà còn được cân nhắc kỹ càng, thể hiện đường lối, quan điểm, thái độ chính trị rõ ràng của người viết, người nói một cách công khai, dứt khoát, không che giấu, úp mở. |
Trong Tuyên ngôn độc lập, Người viết: “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy, hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.
Từ những luận cứ sắc bén đó, Bác đã lột trần âm mưu xâm lược của thực dân Pháp luôn được chúng che đậy dưới các chiêu bài: “bảo hộ”, “khai hóa”…, vạch trần sự cấu kết của thực dân Pháp và phát xít Nhật; đồng thời cho thấy thực dân Pháp “bảo hộ” Việt Nam bằng cách bán nước ta cho phát xít Nhật. Bác dùng ngôn từ chính luận để đánh vào kẻ thù xâm lược về chính trị, tư tưởng, qua đó tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân ta đấu tranh vì độc lập, tự do. Bắt đầu từ các luận cứ gồm các sự kiện, dẫn chứng cụ thể từ thực tế cuộc sống, chiến đấu và công tác hàng ngày, Bác đưa ra kết luận làm lập luận vững chắc, mạnh mẽ, có sức thuyết phục cao.
Văn chính luận đòi hỏi phải có lý lẽ, lập luận chặt chẽ với những luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, mạch lạc. Do đó, trong văn chính luận của mình, Bác thường sử dụng nhiều từ ngữ liên kết như: và, với, hoặc, tuy, nhưng, để, mà, do đó, bởi vậy… để tăng sức thuyết phục, tạo cho văn bản chính luận chặt chẽ, lô gíc và dễ đi vào lòng người. Chẳng hạn, khi bàn về đạo đức của người cách mạng, Bác viết: “Nói tóm lại: tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại. Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét người tài giỏi hơn mình, ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những người vô tài bất lực nhưng khéo nịnh hót, a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài, có đức hay bàn ngay thẳng. Như thế thì sao tránh khỏi hỏng việc”.
Văn chính luận muốn gây hiệu quả cao thì phải có sức hấp dẫn và truyền cảm mạnh mẽ. Ngoài giá trị lập luận, văn bản chính luận còn thể hiện giá trị ở giọng văn hùng hồn, tha thiết, bộc lộ sự nhiệt tình của người viết. Đặc biệt, trong các cuộc tranh luận, diễn thuyết thì ngữ điệu, giọng nói, ngôn ngữ cơ thể được coi là phương tiện quan trọng hỗ trợ cho lý lẽ ngôn từ.
Để khẳng định ý chí kiên cường, bất khuất, kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do, Người viết: “Một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay. Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.
Đây là những dẫn chứng xác đáng được tổng kết từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là lời tuyên bố hùng hồn, mạnh mẽ của Bác đối với mọi người. Cách lặp cấu trúc, lặp từ ngữ thể hiện người viết muốn nhấn mạnh đến tinh thần dũng cảm, kiên cường, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam. Tất cả những điều đó đủ căn cứ để kết luận dân tộc Việt Nam phải được hưởng thành quả xứng đáng, đó là “phải được tự do”, “phải được độc lập”. Thái độ tuyên bố hùng hồn, mạnh mẽ, lý lẽ đanh thép, chắc chắn của người viết tạo sức hấp dẫn, truyền cảm mạnh mẽ đến người nghe, người đọc.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng,
tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời khẳng định đanh thép ấy được Bác đặt ở cuối bản Tuyên ngôn độc lập đã có sức lay động lòng người mạnh mẽ. Nó được sắp xếp theo luân lý thông thường trong suy nghĩ của đông đảo quần chúng nhân dân cho nên rất dễ dàng xuyên thấu vào nhận thức của họ.
THẮP SÁNG NGỌN LỬA ĐẤU TRANH
Văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc từ những năm hai mươi của thế kỷ XX bắt đầu bằng tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp và sau đó là hàng loạt bài báo in trên các tờ báo: Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền, Thư tín quốc tế, Sự thật, Tiếng còi… Trong giai đoạn này, Người đã dùng ngòi bút của mình để tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp đối với nhân dân Đông Dương và các thuộc địa khác. Điều đó giúp thức tỉnh nhân dân các nước Đông Dương và thuộc địa đứng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc.
Năm 1925, Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc đã nói lên tiếng nói chung của các dân tộc bị áp bức và phơi bày bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Bản án chế độ thực dân Pháp là cuốn sách tổng hòa tất cả tri thức chính trị, triết học, xã hội, lịch sử, văn học và kinh nghiệm thực tiễn của Người đánh vào chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương cũng như ở các nước thuộc địa khác trên thế giới. Đây là tác phẩm văn học lớn trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam.
Với ngòi bút sắc bén của mình, Người tấn công trực diện vào kẻ thù với mục đích giải phóng dân tộc. Qua những áng văn chính luận giai đoạn này, ta thấy rõ Người đã vạch trần bộ mặt thực của bọn thực dân, tìm ra con đường đi cho dân tộc, đồng thời thắp sáng ngọn lửa đấu tranh của những người cùng khổ.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên cương vị là Chủ tịch nước, Bác đã lãnh đạo toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Văn chính luận của Người từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bắt đầu bằng văn kiện lịch sử vô giá: Tuyên ngôn độc lập. Tuyên ngôn độc lập đã mở ra giai đoạn Hồ Chí Minh trong lịch sử văn thơ Việt Nam hiện đại. Đây là một văn kiện đánh dấu một bước ngoặt lớn của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Tiếp theo là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân đứng lên cầm vũ khí giết giặc, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước…”.
Rồi Bác Hồ cũng đã viết Di chúc để căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và gửi lời chào bạn bè quốc tế trước lúc đi xa.
Ngoài ra, Người còn viết hàng trăm bài diễn văn, kêu gọi, phát biểu, báo chí… để truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, nhưng cũng có khi là những lời động viên, căn dặn chân thành, gần gũi.
HỒ CHÍ MINH - BẬC THẦY TRONG VIỆC SỬ DỤNG NGÔN NGỮ
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đều cho rằng, Hồ Chí Minh là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc rèn luyện cách nói, cách viết như rèn luyện một thứ vũ khí để đấu tranh cách mạng.
Với tình yêu dân tộc, yêu tiếng mẹ đẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng học hỏi, sáng tạo, phát huy và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Người thấy rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với sự tồn vong của một dân tộc và khẳng định: “Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp”. Chính vì thế, cách nói, cách viết trong văn chính luận của Người luôn ngắn gọn mà đầy đủ, dễ hiểu mà sâu sắc, hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện một trí tuệ anh minh, một thế giới quan và nhân sinh quan độc đáo, một quan điểm sâu sắc và toàn diện về ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ.
Từ ngữ mà Bác thường dùng là những từ ngữ giàu hình ảnh, có chọn lọc, phù hợp với ngữ cảnh cụ thể. Các từ được đặt đúng lúc, đúng chỗ làm cho câu văn mạch lạc, rõ ràng, lo gíc và đạt dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Trong các tác phẩm văn chính luận của mình, Người sử dụng rất thành công các đơn vị ngôn ngữ dân gian như thành ngữ, tục ngữ. Các đơn vị ngôn ngữ này có tính gọt giũa, chứa đựng nội dung súc tích, là kết tinh của trí tuệ quần chúng. Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ làm cho câu viết, câu nói của Người vừa trở nên dễ hiểu, vừa có tính khái quát cao và mang đậm bản sắc dân tộc. Ngoài ra, Bác còn sử dụng hệ thống từ trái nghĩa, từ phiên âm, sử dụng nghệ thuật lẩy Kiều nhằm tố cáo tội ác của kẻ thù, vạch trần những luận điệu xảo trá của bọn xâm lược, thức tỉnh đồng bào vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong nghệ thuật đặt câu, số lượng câu đơn được Người sử dụng nhiều trong văn bản chính luận của mình. Câu đơn có số lượng từ ít, nội dung dễ hiểu nên đọc vào ai cũng có thể nắm bắt được nội dung và Người muốn thể hiện một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, Bác còn sử dụng câu đơn đặc biệt, câu ghép đẳng lập, câu ghép chính phụ, câu phức làm cho bài viết của mình thêm đa dạng, phong phú và chuyển tải lượng thông tin cao.
Để thuyết phục người nghe, người đọc, Bác sử dụng các kiểu cấu trúc như: diễn dịch, quy nạp, móc xích, lặp lại, nghi vấn để tạo cho lập luận chặt chẽ, rõ ràng, mạch lạc, lo gíc, do đó tính thuyết phục rất cao.
Trong sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, văn chương là thứ vũ khí sắc bén để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng, trong đó văn chính luận đóng vai trò trọng yếu. Để phát huy được hiệu quả của thể loại văn chính luận, Người quan tâm đặc biệt đến việc sử dụng ngôn ngữ. Bác có một phong cách viết rất riêng, rất đặc sắc. Đó là cách viết chữ ít nhưng ý sâu, so sánh rất cụ thể, lập luận sắc bén, chặt chẽ và kết luận chính xác. |
MINH NGUYỆT