Thứ Hai, 14/10/2024 21:18 CH
Mùa bay
Kỳ 1: “Hải âu” tung cánh
Thứ Bảy, 21/05/2016 14:00 CH

Đầu xuân. Vào mùa chim én bay, cũng là mùa Trung đoàn Không quân 910 (Trường Sĩ quan Không quân) tập trung cho công tác huấn luyện phi công. Đây là khoảng thời gian có thời tiết tốt nhất trong năm, thuận lợi để học viên phi công học lái máy bay, thỏa mãn ước mơ chinh phục bầu trời. Tuy nhiên, để thực sự làm chủ bầu trời, làm chủ những cánh chim sắt này, các học viên phi công phải thực sự khổ luyện. 

 

Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường (trái) và thiếu tướng Nguyễn Tử Bình tặng hoa và quà chúc mừng hai phi công trẻ Lê Chí Cường và Nguyễn Văn Thuận - Ảnh: X.HIẾU
Trên thế giới, theo tính toán của các nhà chuyên môn, để đào tạo được một phi công chiến đấu phải chi phí khoảng 1 triệu đô la Mỹ. Còn ở Việt Nam, người ta đã đi đến đúc kết: Giá trị của một phi công được tính bởi số vàng cân nặng bằng trọng lượng cơ thể của người đó.

Từ năm 2003 đến nay, người dân TP Tuy Hòa và các huyện Đông Hòa, Phú Hòa… đã quen với hình ảnh những cánh “hải âu” (tên gọi thân mật của máy bay L-39) bay lượn trên bầu trời vùng biển Phú Yên và đồng lúa Tuy Hòa, nhất là thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 5 - khoảng thời gian có thời tiết tốt nhất trong năm. Thời gian này, vào mỗi buổi sáng, khi bà con nông dân còn chưa ra đồng, bầu trời trên những cánh đồng lúa đã rộn rã tiếng động cơ của những con chim sắt.

 

KHỞI ĐẦU NAN

 

Tranh thủ khoảng thời gian đẹp nhất trong năm ở vùng trời, vùng biển có “cái gió chuyên cần và phóng túng”, “gió đi ngang đi dọc”, Trung đoàn Không quân 910 đã tổ chức huấn luyện bay cho học viên phi công khóa 41-L39.

 

5 giờ 20. Nắng mai trải nhẹ và gió cũng thổi nhè nhẹ. Sóng biển vỗ vào bờ rào rạt. Trên sân bay Tuy Hòa, từng chiếc, từng chiếc L-39 lăn bánh ra đường băng. Chỉ trong vài phút lấy đà, những con chim sắt nhổm mình cất khỏi mặt đất vút lên trời xanh…

 

Đại tá Phan Đăng Thạnh, Chính ủy Trung đoàn - một trong những người đầu tiên có mặt từ ngày đơn vị về đứng chân ở sân bay Tuy Hòa, cho biết: “Trung đoàn Không quân 910 - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân có bề dày truyền thống gần 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Nhiệm vụ chính trị của đơn vị là đào tạo phi công quân sự bậc đại học cho Tổ quốc. Qua hơn 76 khóa, hàng ngàn phi công được đào tạo từ cơ bản đến chuyển loại, nâng cao, có thể lái được các loại máy bay hiện đại”.

 

Theo đại tá Phan Đăng Thạnh, muốn trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, cùng với đảm bảo về tiêu chuẩn chính trị, học vấn, sức khỏe là yếu tố rất quan trọng. Đó là, phải bảo đảm về chiều cao, cân nặng, ngoại hình… và phải qua hai vòng sơ tuyển. Nhiều chi tiết tưởng như nhỏ nhặt nhưng cũng có thể bị loại ngay từ đầu, như chỉ cần một cái răng có vấn đề, mũi có triệu chứng xoang là…đành ngậm ngùi chia tay ước mơ chinh phục trời xanh. Ở vòng hai, quy trình kiểm tra sức khỏe còn khắt khe hơn. Ngoài hàng trăm danh mục về 12 bộ dây thần kinh, các loại chuyên khoa nội, ngoại, chụp, chiếu, soi… thí sinh còn phải ngồi ghế quay (như đang bay lượn) với vận tốc 30 vòng/phút trong thời gian 3 phút để kiểm tra cơ quan chức năng tiền đình. Người nào không chịu đựng nổi như ngất xỉu hoặc bị nôn sẽ bị loại. Nếu qua được hai lần kiểm tra sức khỏe nghĩa là thí sinh có đủ điều kiện dự thi. Tuy nhiên, thi đậu trở thành học viên của Trường sĩ quan Không quân rồi cũng mới “đặt được một chân” vào khoang lái máy bay.

 

Thượng tá Lại Công Hoan, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910 cũng là một trong những người có mặt ngay từ khi trung đoàn chuyển từ sân bay Nha Trang (Khánh Hòa) ra sân bay Tuy Hòa năm 2003. Nhắc lại những ngày đầu đặt chân đến với nơi ở mới đầy nắng và gió này, anh chia sẻ: “Thời gian đầu, do chưa quen với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nắng gió như hoang dại nên sau bữa ăn, nhiều người chướng hơi đầy bụng, cứ nằm vật ra mà thở. Thi thoảng có người bị chảy máu cam… Cũng bởi chưa nắm bắt được quy luật của thời tiết ở đây nên có thời gian, đơn vị phải đưa học viên vào huấn luyện ở sân bay Nha Trang và Ninh Thuận. Nhưng trước quyết tâm và sức chịu đựng dẻo dai của những người lính dám chinh phục cả bầu trời, cái khó, cái khổ đã lùi bước. Liên tục trong 8 năm qua, Trung đoàn Không quân 910 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn bay tuyệt đối. Học viên tốt nghiệp đều đạt loại khá trở lên”. Theo thượng tá Lại Công Hoan, mỗi khóa đào tạo học viên trở thành phi công là 4-5 năm. Trong thời gian này, học viên phải trải qua những bài học, bài tập thể lực đặc biệt, chấp hành giờ giấc kỷ luật hết sức nghiêm khắc. Trong đó, 2 năm đầu chỉ rèn luyện thể lực, học chính trị và chương trình đại cương bậc đại học; bước sang năm thứ 3, các học viên mới tập bay, từ đơn giản đến phức tạp. “Không ít trường hợp (20-30%) học viên đã qua năm thứ tư, nhưng vì không thể bay với nhiều động tác nhào lộn, phức tạp nên bị loại, phải chuyển sang học các ngành khác, như sĩ quan dẫn đường, sĩ quan tác huấn…”, thượng tá Lại Công Hoan cho biết.

 

“Hải âu” L-39 tung cánh trên bầu trời Tuy Hòa - Ảnh: X.HIẾU

 

BAY ĐƠN

 

So với các khóa trước, học viên phi công khóa 41 L-39 của Trung đoàn Không quân 910 có số lượng đông nhất, gấp đôi các khóa 32, 33… Sau ban bay Xuân thắng lợi vào mùng 7 Tết Nguyên đán, tranh thủ thời gian có thời tiết thuận lợi , đơn vị tập trung tổ chức huấn luyện thực hành bay cho các học viên. Thời gian này, học viên phi công đã ngồi vào buồng lái điều khiển máy bay nhưng luôn có thầy ngồi phía sau hướng dẫn, nhắc nhở từng động tác, nhất là lúc cất cánh và hạ cánh. Bước vào tháng 3 (âm lịch), khoảng thời gian thời tiết đẹp nhất trong năm, cũng là lúc “đủ lông đủ cánh”, đơn vị tổ chức thả bay đơn cho học viên. “Đối với một đơn vị đào tạo phi công, giai đoạn thả đơn học viên vòng kín là vô cùng quan trọng, có tính quyết định đến sự nghiệp của mỗi học viên phi công, đồng thời khẳng định sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên trong toàn đơn vị. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để các học viên tiếp tục huấn luyện các bài bay ởđềcương cao hơn”, trung tá Dương Xuân Thắng, Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn, cho biết.

 

Như những con chim nhỏ từ lâu được chim mẹ chăm sóc, dắt dìu, hướng dẫn từng động tác vỗ cánh, nay sắp được tự mình tung cánh chinh phục không gian bao la, bay trên bầu trời của Tổ quốc, học viên nào cũng hồi hộp chờ đợi thời điểm đặc biệt này. Hai học viên xuất sắc nhất của khóa 41 trong quá trình học tập được chọn thả bay đơn đầu tiên là thượng sĩ Lê Chí Cường (số hiệu 59) và thượng sĩ Nguyễn Văn Thuận (số hiệu 82).

 

6 giờ 15. Trực ban khí tượng báo cáo: “Trời ít mây, gió nhẹ, tầm nhìn 9-10km, thời tiết đủ điều kiện bay huấn luyện. Kỹ thuật hàng không, thông tin, kỹ thuật bảo đảm sân bay và các mặt khác đều tốt, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch”.

 

Sau khi trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện thả bay đơn, lệnh của chỉ huy bay đanh gọn và dứt khoát: “6 giờ 20 phút cất cánh huấn luyện”. Các máy bay đậu ở vị trí sẵn sàng lần lượt nổ máy theo lệnh của chỉ huy bay. Học viên mang số hiệu 59 ra tiếp nhận máy bay và tự tin bước vào bên trong buồng lái. Công tác chuẩn bị xong. Chỉ huy bay ra lệnh cho học viên 59 tiến về phía đường băng.

 

- “59 tăng hết ga, kiểm tra động cơ”.

 

Bầu trời vẫn yên ả trong ánh nắng ban mai, tầm nhìn tốt, gió nhẹ.

 

- “Kiểm tra động cơ tốt, xin cất cánh”, 59 báo cáo.

 

-“Cất cánh 59”. Cả sân bay im lặng, hàng trăm đôi mắt chăm chú dõi theo chiếc máy bay L-39 đang lăn nhanh rồi từ từ rời khỏi đường băng vút lên bầu trời xanh.

 

Ba phút trôi qua, mọi người vẫn không rời mắt khỏi chiếc “hải âu” càng lúc càng nhỏ dần. Trong chốc lát, máy bay đã đến vòng 3, phi công báo cáo: “59 vòng 3 càng thả tốt”. Giọng chỉ huy bay vẫn vang lên đều đều: “59 chú ý, tốc độ gió 3m/giây, độ cao, thời cơ vòng 4 vào hạ cánh, thu ga về 85%, kiểm tra hướng, đỡ nhẹ cần lái”. 59 tiếp tục báo cáo: “Tất cả tốt, hạ cánh”. Hơi thở mọi người trên sân bay như dồn dập hơn. “Tám mét”. “Từ từ thu ga”. “Một mét”. “Thu hết ga”. “Tốt rồi, 59”, giọng người chỉ huy cất, hạ cánh vang lên. Máy bay gần chạm đất, cả sân bay như nín thở cùng dõi theo học viên 59 lần đầu tự mình thực hiện động tác hạ cánh. Khi cả ba càng đã tiếp đất nhẹ nhàng, máy bay lăn chậm trên đường băng, cả sân bay như vỡ òa vì vui mừng, mọi người cùng vỗ tay tán thưởng. Chỉ huy trung đoàn và nhiều cán bộ, giáo viên theo dõi chuyến bay tràn ra nơi chiếc máy bay vừa dừng lại trên đường băng bắt tay chúc mừng học viên 59.

 

Tiếp đó, chuyến bay của học viên Nguyễn Văn Thuận, số hiệu 82 cũng thành công như mong đợi trong niềm hân hoan của mọi người, hứa hẹn cả mùa bay thắng lợi. Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng và thiếu tướng Nguyễn Tử Bình - Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân đã ra sân bay tặng hoa, quà và chụp ảnh lưu niệm cùng hai học viên 59 - Lê Chí Cường và 82 - Nguyễn Văn Thuận. Đại tá Vũ Đức Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân dành lời khen cho hai phi công trẻ này vỏn vẹn chỉ mấy từ: “Cất, hạ cánh rất đẹp!”.

 

Trong niềm vui vì đã hoàn thành thả bay đơn với kết quả xuất sắc, thượng sĩ Lê Chí Cường bộc bạch: “Trở thành phi công quân sự, đó là ước mơ cháy bỏng của tôi từ khi còn là học sinh phổ thông. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu, tôi vẫn cố gắng vượt qua và ra sức học tập, rèn luyện thật tốt. Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, trung đoàn, giáo viên hướng dẫn và của toàn đơn vị”. Còn Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Đây mới chỉ là bước đầu. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành phi công giỏi, sẵn sàng bảo vệ bình yên bầu trời của Tổ quốc thân yêu”.

 

Kỳ cuối: Tình yêu bất tận

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek