Hoa sen - một hình tượng có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với người Việt Nam. Là Quốc hoa, hoa sen biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ, vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng… Nói đến hoa sen, chúng ta nghĩ ngay đến Bác Hồ. Mỗi khi ngắm hoa sen, ta lại nhớ đến Người, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Hoa sen được xem là một loại hoa có cốt cách phi thường và thanh cao khi “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Khắp đất nước Việt Nam chúng ta đâu đâu cũng có hoa sen. Mùa này, hoa sen đua nhau nở, dâng cho đời hương sắc nhẹ nhàng lại có sức lan tỏa tuyệt vời. Từ lâu, hoa sen được dùng để liên tưởng đến hình tượng của Bác. Một sự so sánh tuyệt vời, bởi hoa sen hội tụ các yếu tố vừa đời thường lại vừa cao quý, tựa như con người bình dị và thanh tao của Bác vậy.
Trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hình ảnh hoa sen được rất nhiều người đưa lên sân khấu. Những bài hát, điệu múa ngợi ca Bác Hồ dường như chẳng thể thiếu hình ảnh hoa sen. Nghệ sĩ Hoàng Hường, Trưởng Phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Bác là vị lãnh tụ mà từ lâu nay, tất cả người dân Việt Nam, kể cả người dân các nước đều tôn kính. Kể cả những bài hát, điệu nhạc hay điệu múa riêng để dâng lên Bác đều có hình tượng hoa sen, cánh sen. Những chương trình trong ngày lễ, ngày hội của non sông đều có hình tượng hoa sen”.
Tìm hiểu về loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc Việt, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc vì sao hình tượng Bác Hồ thường gắn với hoa sen. Với những ai từng được gặp Bác, dường như những cảm xúc ấn tượng ấy càng sâu đậm hơn. Ông Nguyễn Đắc Tấn, một cựu chiến binh ở TP Tuy Hòa, vinh dự với 2 lần gặp Bác. Năm 1957, trước ngày diễn ra lễ duyệt binh mừng Ngày Quốc khánh 2/9, đến giờ, ông vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi gặp Bác. Khi ai cũng đang hướng về cổng chính để đón Bác đến thăm, thì Bác lại đi ra từ nhà bếp của đơn vị. Hỏi thăm từ việc ăn việc ngủ, việc tập luyện trong thời tiết nóng bức thì có đủ nước uống không, Bác ân cần như người cha chăm con vậy. Giờ đây, ngồi ngắm hoa nhớ Bác, ông lại tự hào thêm một lần kể chuyện giây phút gặp Người. “Khi nhìn ảnh Bác Hồ, nói đến Bác và nhìn bình hoa sen thì tôi lại nhớ về Bác. Đúng là “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Cái ấn tượng ấy không bao giờ quên khi tôi được đến 2 lần gặp Bác. Cộng với những lần đi viếng lăng Bác, khu di tích của Bác, đầm sen thơm ngào ngạt. Còn khi đến thăm quê Bác ở Kim Liên thì ở trước cổng cũng có đầm sen, tạo nên một cái gì đó rất hấp dẫn và mang tính chất tâm linh. Tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng. Thế nên khi nhìn thấy hoa sen, tôi lại nhớ đến Bác, hình ảnh ấy cứ hòa quyện với nhau”.
Bà Nguyễn Thị Tâm, quê ở Thái Bình, nơi trồng rất nhiều hoa sen, rất hào hứng khi bàn về loài hoa đặc biệt này. Nhờ hấp thụ được thanh khí và hương thơm của đất trời nên toàn bộ các bộ phận của cây sen đều được sử dụng làm các bài thuốc cổ truyền bổ ích. Khi là cô giáo dạy học ở Thái Bình, nhiều lần bà kể chuyện về Bác cho học trò nghe bên đầm sen. Đến khi làm dâu đất Phú, bà vẫn rất yêu thích hoa sen. Giờ đây, vào tuổi xế chiều, là phật tử, dường như sen càng gần gũi với bà hơn. Vào mùa sen nở, hôm nào mua được bó hoa sen hay xin được vài đóa sen ở chùa, bà nâng niu chưng lên bàn thờ. Bao nhiêu năm qua, ảnh Bác Hồ luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Người ta ví Bác Hồ với sen, bởi vì bông sen đẹp và thanh lịch nên khi nhìn thấy sen, chúng ta lại nhớ đến Bác. Mùa hè đến, sen nở nhiều, tôi hay đi đến hồ sen để thư giãn. Hương vị của sen quyến rũ lòng người lắm. Từ hương sắc đến ý nghĩa của nó đều rất đặc biệt. Các gia đình dùng sen để thắp hương cúng tổ tiên”.
Bác Hồ của chúng ta đã sinh ra và lớn lên từ làng Sen. Hoa sen và Bác, Bác và hoa sen dường như đã gắn kết mật thiết tự bao giờ.
HOÀNG THY