Chúng tôi về đất võ trời thơ Bình Định giữa lúc không khí kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1916-2016) của hai thi sĩ ở đất này còn “nóng” trong giới văn chương. Đầu tháng 2 là sinh nhật nhà thơ Xuân Diệu tròn 100 tuổi (2/2), đúng một tháng sau đến nhà thơ Yến Lan (2/3).
Tôi không có may mắn được gặp hầu chuyện hai thi sĩ tiền bối khi còn sống, nhưng là người yêu thơ tôi cảm thấy hình ảnh Xuân Diệu, Yến Lan cũng như những thi sĩ từng gắn bó đất này là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Quách Tấn… thật gần gũi, gần như những áng thơ kỳ diệu của họ luôn ám ảnh tôi, đánh thức tình yêu và vẻ đẹp sự sống trong tôi.
Vào mùa đông năm 1982, lúc đang là học sinh chuyên văn trung học ở Tuy Hòa, một lần tôi được nhìn thấy nhà thơ Xuân Diệu ở gần ga xe lửa. Một bạn học cùng lớp chỉ ông cho tôi. Nhà bạn ấy ở gần nhà một người bà con của nhà thơ Xuân Diệu tại xóm ga và thỉnh thoảng ông vào đây chơi. Tôi đứng xa nhìn ông thoáng qua mà ngỡ như trong mơ được gặp một nhân vật thần thoại. Và tôi ao ước một ngày được nghe ông nói chuyện thơ, nói về những bài thơ tình đầy quyến rũ của ông mà tôi thuộc lòng, nhưng ngày ấy không bao giờ đến. Ông đã vĩnh viễn ra đi ba năm sau đó ở Hà Nội, lúc tôi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông và lỡ “chuyến tàu” Đại học Sư phạm Quy Nhơn.
Còn nhà thơ Yến Lan, tôi chỉ được gặp qua… điện thoại. Biết thi sĩ lão thành lui về quê nhà ẩn dật và “chuyên trị” thơ tứ tuyệt, tôi dự định ra Bình Định thực hiện một cuộc phỏng vấn ông. Vào mùa xuân năm 1995, tôi đã chuẩn bị sẵn bảng câu hỏi, chờ ngày lên đường. Nhưng rồi có việc gấp đột xuất, tôi không thể đi được, đành nhờ anh Đào Đức Tuấn từ Tuy Hòa mang câu hỏi ra Bình Định gặp ông. Sau đó, tôi gọi điện ra cho nhà thơ Yến Lan hỏi bổ sung một số vấn đề, rồi đăng bài phỏng vấn trên báo, ký tên chung tôi và Đào Đức Tuấn thực hiện. Nhiều lần tôi gọi điện hỏi thăm ông và hẹn ra Bình Định hầu chuyện thi sĩ nhưng cũng không thành.
Khi nghe tin nhà thơ Yến Lan qua đời vào tháng 10/1998, tôi rất hối tiếc và cảm thấy mình có lỗi. Hơn hai tháng sau, tôi đã bay ra Quy Nhơn, được nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng cùng một số bạn thơ đưa lên thị trấn Bình Định thắp hương cho nhà thơ Yến Lan ở nhà riêng. Trong chuyến đi này, tôi cũng được bạn thơ đưa đến thăm nhà lưu niệm của nhà soạn tuồng Đào Tấn, nhà thơ Xuân Diệu và lên dâng hương mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử lúc ấy còn nằm cô đơn trên ngọn đồi hoang vu nhìn xuống Gành Ráng ngày đêm sóng vỗ ở phố biển Quy Nhơn.
Vào năm 2012, nhân hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử, tôi cùng anh Đào Đức Tuấn kịp ra Quy Nhơn đúng lúc diễn ra những nghi lễ tưởng niệm bậc tài hoa bạc mệnh. Nhiều nhà thơ hậu bối nổi danh như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Vũ Thuật, Bằng Việt, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Đông Trình, Văn Công Hùng, Lê Khánh Mai… từ khắp nơi về nghiêng mình trước thi hào tiền bối.
Còn lần này, 100 năm ngày sinh của hai nhà thơ Xuân Diệu và Yến Lan, tôi ra muộn hơn, nhưng vẫn cảm nhận được tình yêu mà hậu thế dành cho hai ông. Một sự ngẫu nhiên, khách sạn nơi tôi ở nằm trên con đường mang tên Xuân Diệu ven biển trữ tình như thơ ông. Không phải là con đường lớn nhưng có lẽ đây là một trong những con đường đẹp và lãng mạn nhất TP Quy Nhơn. Từ tầng thượng khách sạn có thể nhìn xuyên suốt con đường Xuân Diệu và phóng tầm mắt bao quát một vùng biển xanh thơ mộng. Có thể đây cũng là một sự lựa chọn tinh tế mà người Bình Định quê ngoại dành cho “Ông hoàng thơ tình”!
Buổi sáng đầu tiên đến Quy Nhơn, chúng tôi lên thăm mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử và vòng quanh khu du lịch Gành Ráng. Ngôi mộ thi sĩ được xây dựng khang trang trong một không gian nhiều hoa cỏ tre trúc như trong thơ ông, thường xuyên có người đến viếng, đặt nhiều hoa tươi. Sau bao thăng trầm, sự nghiệp thi ca của ông đã được trả về đúng giá trị, và tình yêu cuộc đời dành cho thi nhân mãi tươi xanh như hoa lá vây quanh ông.
Buổi chiều, chúng tôi được nhà văn Trần Quang Khanh và nhà thơ Mai Thìn đưa lên TX An Nhơn dâng hương nhà thơ Yến Lan. Những tấm biển kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông vẫn còn mới tinh. Nhiều đoàn khách cũng vừa về đây tưởng nhớ tác giả Bến My Lăng. Sau khi lên tầng thượng ngôi nhà thắp hương cho nhà thơ Yến Lan, chúng tôi được cô con gái út của ông mời ăn những loại chè ngon do chị nấu bán trước nhà. Tôi chợt nhớ ngôi nhà của bà Mộng Cầm, người yêu nhà thơ Hàn Mặc Tử, bây giờ cũng thành quán chè nổi tiếng ở Phan Thiết!
Ngôi nhà cấp bốn của nhà thơ Yến Lan đã được con cháu xây dựng thành nhà cao tầng và tầng thứ 4 trên cùng để dành thờ vợ chồng ông, lưu giữ những kỷ vật của thi sĩ. Nhà nằm đối diện với chợ, cạnh ngôi chùa dưới bóng cổ thụ từng gắn bó nhiều kỷ niệm với nhà thơ Yến Lan nhưng về sau chùa đã bị phá bỏ để xây trụ sở của thị trấn. Nhà thơ Mai Thìn kể với tôi về ngôi chùa cổ trong nỗi nuối tiếc khôn nguôi.
Ngôi chùa cổ bị phá bỏ nhưng may còn bến Trường Thi bên dòng sông Cửa Tiền mà nhà thơ Yến Lan dệt nên Bến My Lăng bất tử, chỉ có cây cầu tre lắt lẻo bắc qua sông ngày xưa giờ đã được thay bằng cầu mới xi măng. Chùa bị phá nhưng bến sông vẫn còn vì sông chưa bị lấp. Nhờ đó, bên dòng sông tạo nên Bến My Lăng huyền thoại, chúng tôi đã có một buổi chiều ngắm hoàng hôn trên sông chờ trăng lên, nâng ly rượu Bàu Đá trong tình bạn thơ ấm áp với những món ăn đặc sản của quê hương nhà thơ Yến Lan. Bên kia sông, một chiếc thuyền của ai đó cắm sào bên hàng tre mờ sương mang vẻ đẹp kỳ ảo như thơ ông từng viết: “Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu...”.
Có lẽ ngày xưa các cao nhân trong Bàn Thành tứ hữu là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan và có lúc đón thêm Xuân Diệu, Bích Khê hay Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Nguyễn Vỹ… cũng có những hoàng hôn lãng mạn trong tình bạn thơ bên dòng Cửa Tiền với bến Trường Thi uống rượu ngâm thơ. Xứ đất võ trời thơ Bình Định luôn đẹp và quyến rũ như tứ thơ bất chợt. Người đi trước biết liên tài, yêu quý, nâng niu nhau để cùng sáng tạo nên những áng thơ vượt thời gian. Người đi sau, tại sao không?
PHAN HOÀNG