Được khởi xướng bởi TS Nghệ thuật - PGS Olga Zotova và họa sĩ Bùi Văn Quang, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Khánh Hòa, triển lãm là hoạt động giao lưu mỹ thuật đầy ý nghĩa, diễn ra hàng năm giữa họa sĩ hai nước Việt - Nga.
Họa sĩ Trần Quyết Thắng và họa sĩ Filatov Alexey bên một tác phẩm của F. Alexey tại tiệc chiêu đãi của ngài Tổng lãnh sự - Ảnh: L.TRẦN |
NHỮNG CÁI “BẮT TAY” CỦA ĐỒNG NGHIỆP, BẠN BÈ
Triển lãm Mỹ thuật Việt - Nga “Handshake together” lần thứ 5 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, giới thiệu 80 tác phẩm hội họa và đồ họa của 5 họa sĩ Nga và 11 họa sĩ Việt Nam. Về tiêu chí chọn tác giả tham dự triển lãm lần này, PGS Olga Zotova, Trưởng đoàn họa sĩ Nga, cho biết: 5 họa sĩ Nga đều là những người xuất sắc của mỹ thuật Nga khu vực Viễn Đông. Họa sĩ Konstantin Kuzminvkh, Nghệ sĩ Danh dự Nga, Chủ tịch Hội Các họa sĩ Liên bang Nga khu vực Viễn Đông, chia sẻ: “Chúng tôi mang đến đây không chỉ là những bức tranh về đất nước, con người Nga, mà còn mang theo cả tình yêu quê hương và niềm đam mê nghệ thuật của mình…”. Trưởng đoàn Việt Nam - họa sĩ Bùi Văn Quang nói: Lần này, chúng tôi giới thiệu đến triển lãm tác phẩm của 9 họa sĩ tiêu biểu ở khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên và 2 họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh. Đây là những họa sĩ có phong độ tốt, từng tham gia nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế, từng đoạt nhiều giải thưởng.
Để chuẩn bị cho triển lãm, từ đầu tháng 3, các họa sĩ Việt Nam và Liên bang Nga đã có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Trong lần gặp mặt đầu tiên, họa sĩ hai đoàn bắt tay, chào hỏi bằng một loại ngôn ngữ tổng hợp (pha trộn 3 thứ tiếng Anh, Việt, Nga) song mọi người cũng nhanh chóng hiểu nhau và cùng giúp nhau căng tranh. Hai họa sĩ Filatov Alexey và Trần Quyết Thắng tự tìm đến nhau và trao đổi vì khi nhìn thấy tác phẩm, hai người đều thích phong cách tạo hình của nhau. Điều thú vị là cả hai trạc tuổi nhau và có ngoại hình khá giống nhau.
Lễ khai mạc triển lãm được tổ chức khá trang trọng với sự tham dự của ngài Alexey Vladimirovich Popov, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP Hồ Chí Minh và bà Maria Mizonova, Tham tán Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP Hồ Chí Minh; phía Việt Nam có nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Ca Lê Thắng, đại diện Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết một thông tin thú vị: “Triển lãm này đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận và là triển lãm có số người tham dự khai mạc đông nhất từ trước tới nay tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh”. Trong chương trình còn có lễ tiếp nhận tặng vật của đoàn họa sĩ Liên bang Nga tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, gồm bức tranh sơn dầu City on Amur của họa sĩ Khrustov Vladimir - người được mệnh danh là Ilya Repin (một danh họa người Nga chuyên về phong cảnh, thế kỷ XIX) của vùng Viễn Đông Nga đương đại và tranh sơn dầu Red Star Medal của họa sĩ Kuzminvkh Konstantin - Chủ tịch Hội Các họa sĩ Liên bang Nga vùng Viễn Đông. Nhân buổi lễ này, họa sĩ Kuzminvkh Konstantin trao cho họa sĩ Bùi Văn Quang bằng chứng nhận giải nhất cuộc thi mỹ thuật ở khu vực Viễn Đông Liên bang Nga được tổ chức tại TP Vladivostok năm 2014, với sự tham gia của các họa sĩ đến từ 4 quốc gia là Liên bang Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam.
NHỮNG CÁI “BẮT TAY” BÊN LỀ TRIỂN LÃM
Để tổ chức thành công triển lãm và chương trình giao lưu cho đoàn các họa sĩ hai nước, Ban tổ chức đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của các tổ chức, cá nhân và tập thể. Đầu tiên phải kể đến sự ủng hộ nhiệt tình của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, kế đến là các bạn cựu sinh viên MGIMO tại TP Hồ Chí Minh (du học sinh Việt Nam Trường đại học Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va). Các bạn đã tổ chức tiệc chiêu đãi tại quán Cục Gạch vào buổi tối ngày đầu tiên các họa sĩ tham gia triển lãm lần này gặp nhau. Từ lần giao lưu này, các họa sĩ thêm hiểu nhau hơn. Tình cảm đó tiếp tục phát triển khi họ có một ngày vẽ ngoài trời tại Long An. Buổi vẽ dã ngoại được thực hiện trong khuôn viên “nhà nghỉ cuối tuần” của gia đình ông bà Nguyễn Ngọc Nghĩa và Phan Thị Kim Dung, bạn thân của họa sĩ Bùi Văn Quang, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 40km. Xuống xe, sau khi chào hỏi chủ nhà, các họa sĩ Nga liền tỏa ra bày đồ nghề, vẽ hối hả. Họ tỏ ra đặc biệt thích thú trước khung cảnh còn giữ được vẻ hoang sơ dân dã (khuôn viên rộng 80.000m2 với hơn 45.000m2 mặt nước). Họ vẽ miệt mài, đến khi tắt nắng mới chịu dừng để ra về.
Họa sĩ hai nước tham gia triển lãm còn có chuyến giao lưu 3 ngày với các họa sĩ đang dự trại sáng tác ở Vũng Tàu. Và tại Văn phòng phía Nam của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Phan Gia Hương cùng cán bộ Hội đã có buổi tiếp đoàn. Bà Phan Gia Hương thay mặt Hội tặng quà cho các họa sĩ Liên bang Nga.
MƠ VỀ NHỮNG CÁI “BẮT TAY” TẠI PHÚ YÊN
Tham dự triển lãm, được biết họa sĩ Trần Quyết Thắng là người Phú Yên, một số họa sĩ ở Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã đến giao lưu và cho biết: Hội có kế hoạch tổ chức trại sáng tác mỹ thuật tại Phú Yên vào khoảng tháng 4 sắp tới, với sự hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh này. Chắc chắn rằng đó sẽ là dịp để các họa sĩ TP Hồ Chí Minh và Phú Yên “bắt tay” cùng nhau.
Và từ đầu năm 2016, thay mặt giới mỹ thuật Phú Yên, họa sĩ Trần Quyết Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Phú Yên, đã gửi đến GS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phương Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Du lịch Sao Việt, Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh, dự thảo một dự án mang tên “Trại sáng tác mỹ thuật thường niên Phú Yên - Việt Nam”. Và nếu dự án được thực hiện, chúng ta hoàn toàn có thể mơ rằng: một ngày nào đó, hàng năm, trên những nẻo đường của vùng đất “hoa vàng, cỏ xanh” này sẽ in thêm những dấu chân của các họa sĩ, các nhà điêu khắc đương đại của thế giới. Khi đó, ngoài những du khách đến vì môi trường, vì văn hóa, Phú Yên sẽ chào đón và “bắt tay” với những vị khách hết sức đặc thù - du lịch mỹ thuật.
LOAN TRẦN