Thứ Năm, 10/10/2024 07:25 SA
Về thôn Long Phụng xem hát tuồng
Thứ Ba, 15/03/2016 14:00 CH

Đến hẹn lại lên, người dân lại nô nức về Đền thờ Lương Văn Chánh ở thôn Long Phụng, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) đón xem nghệ thuật tuồng truyền thống nhân dịp lễ hội. Những v tuồng cổ làm khán giả cao niên thích thú, còn người trẻ thì chưa mấy ấn tượng.

 

Một cảnh diễn trong vở tuồng “Tam hùng kiệt” - Ảnh: T.DIỆU

 

KHÁN GIẢ CAO NIÊN HÀO HỨNG

 

Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh năm 2016 diễn ra từ ngày 11-14/3. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tuồng diễn ra trong các đêm 12 và 13/3. Ngoài vở tuồng “Tam hùng kiệt”, các diễn viên tuồng còn biểu diễn các vở “Tình yêu và khát vọng” (tác giả Phạm Ngọc Sơn), “Mộc Quế Anh dâng cây” (đồng tác giả Nghệ sĩ Nhân dân Quang Tấn và Bạch Trà).

Khi sân khấu còn chưa kịp sáng đèn thì những người cao niên gần xa hay tin có đám hát tuồng đã tranh thủ đến sớm và chọn cho mình một chỗ ngồi thuận tiện. Họ kiên nhẫn chờ đợi trong niềm hân hoan. Có lẽ chỉ có loại hình nghệ thuật tuồng cổ mới mang đến niềm vui dường ấy cho khán giả cao niên.

 

Đêm mở màn, các diễn viên đến từ CLB Nghệ thuật Tuồng truyền thống 10/5 (Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Phú Hòa) biểu diễn vở tuồng “Tam hùng kiệt” của tác giả Đào Tấn.

 

Vở tuồng “Tam hùng kiệt” kể câu chuyện xoay quanh mối lương duyên trời định giữa công chúa Kim Hương, công chúa Giáng Hương và phò mã Thiên Tường. Công chúa Kim Hương của nước Tống Trào bị gian thần hãm hại, giết chết. Chồng nàng là phò mã Thiên Tường cũng bị lưu lạc đến nước Phiên Ban. Thiên Tường nghĩ vợ đã chết nên kết hôn cùng công chúa Phiên Ban là Giáng Hương. Ngọc Hoàng thương tình sai địa phủ hoàn hồn để công chúa Kim Hương trở về dương gian tiếp tục mối lương duyên cùng phò mã Thiên Tường. Công chúa Kim Hương khi đi tìm chồng cũng lạc đến nước Phiên Ban và gặp được công chúa Giáng Hương.

 

Nhờ sự bao dung độ lượng của công chúa Giáng Hương nên Kim Hương mới gặp lại phò mã Thiên Tường. Khi hiểu ra sự thật về chuyện tình éo le của hai nàng công chúa với Thiên Tường, đức vua nước Phiên Ban là Giáng Ngọc Thiên Vương đã tác hợp lương duyên cho công chúa Giáng Hương, công chúa Kim Hương với phò mã Thiên Tường và cả ba trở về nước Tống Trào. Diệm Thiên Hùng, con trai của Diệm Cửu Công (một lão quan của nước Tống Trào) theo bọn nịnh gian cầu vinh bán nước. Cửu Công xin công chúa Kim Hương cho ông huy động binh mã điều binh khiển tướng tiến đánh Thiên Hùng. Sau khi bại trận, Thiên Hùng bị Cửu Công xử tử nhưng nhờ hồng phúc của Kim Hương nên Thiên Hùng được tha chết, từ bỏ ý định phản quốc.

 

Bà Lê ThịThanh, một người dân thôn Long Phụng, cho biết: “Tôi thích nhất là cảnh công chúa Kim Hương, Giáng Hương và phò mã Thiên Tường gặp nhau. Họ vừa ghen tuông vừa nhường nhịn nhau, lại ứng xử chuẩn mực, nên tôi cảm thấy vừa vui và vừa xúc động”. Còn bà Bùi Thị Cúc ở thôn Phụng Tường 2, cho biết: “Hồi còn trẻ, tôi ghiền coi hát tuồng lắm, nghe có đám hát tuồng ở đâu cũng đi coi. Tôi mê sao cái cách ca ra bộ của hát tuồng. Và tôi vẫn còn thấm thía cái hay của các tuồng “Phạm Công Cúc Hoa”, “Sơn Hậu”, “Chung Vô Diệm”. Đây là lần đầu tiên tôi coi vở “Tam hùng kiệt”. Vở tuồng kết thúc có hậu, phản ánh đạo lý trung - nghĩa - tình trọn vẹn, có giá trị giáo dục sâu sắc”.

 

NGƯỜI TRẺ THỜ Ơ

 

Những bậc cao niên thì chăm chú xem ca diễn. Người ngồi bên trống chầu đánh trống dồn dập, đến đoạn diễn hay phấn khích quá, quăng thẻ lên sân khấu khen thưởng tạo động lực cho diễn viên càng ca diễn hăng say. Chị Đặng Thị Tuyết, một người dân thôn Long Phụng, cho biết: “Tôi đi chơi hội sẵn có hát tuồng ghé lại xem. Đây là lần đầu tiên tôi xem một vở tuồng trên sân khấu. Tôi ấn tượng về nghệ thuật trang điểm, trang phục, cách ca ra bộ rất thú vị của nghệ thuật hát tuồng, nhưng không thể hiểu hết nội dung”.

 

Nhóm khán giả trẻ tuổi háo hức lúc ban đầu nhanh chóng rã đám, chỉ còn nhóm khán giả cao niên say mê thưởng thức. Điều dễ thấy là khán giả trẻ không thường xuyên tiếp xúc với loại hình nghệ thuật tuồng nên tỏ vẻ thờ ơ. Mặt khác, chất lượng diễn viên không đồng đều; các thiết bị âm thanh thường xuyên gặp sự cố gây ảnh hưởng không nhỏ đến cách hát, tâm lý của diễn viên và cảm xúc của người thưởng thức.

 

Diễn viên Lê Văn Hởi, CLB Nghệ thuật Tuồng truyền thống 10/5, cho hay: “Chúng tôi không phải lànhững diễn viên chuyên nghiệp và mỗi người đều có công việc mưu sinh khác nhau. Chỉ khi đến mùa xuân, chúng tôi mới tập hợp lại cùng nhau luyện tập và phục vụ bà con. Vì vậy, các thành viên trong CLB không có nhiều điều kiện để nâng cao kỹ năng ca diễn”.

 

Theo ông Lê Văn Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Phú Hòa, các thành viên của CLB Nghệ thuật Tuồng truyền thống 10/5 hoạt động trên tinh thần bỏ công sức và niềm đam mê là chính. Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển CLB còn hạn hẹp. Trong đợt biểu diễn lần này, trung tâm đãvận động nguồn kinh phí hỗ trợ từ các đơn vị trong thôn xóm. “Xã hội hóa” kinh phí dành cho hoạt động phát triển nghệ thuật hát tuồng cũng sẽ là hướng phát triển CLB trong tương lai.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek