Chủ Nhật, 12/01/2025 11:04 SA
Gìn giữ sắc màu thổ cẩm
Thứ Năm, 10/03/2016 14:56 CH

Hơn 10 năm trước, khi đến thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), tôi thật sự ấn tượng với những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Ba Na, Chăm H’roi nơi này. Chúng được dệt và trang trí bằng những hoa văn tinh xảo, được kết cườm khá cầu kỳ để nhấn ở cổ, vai; phía trước ngực lại có những chuỗi hạt cườm dễ thương. Trên chuỗi hạt có gắn lục lạc, phát ra tiếng leng keng vui tai theo từng bước chân thiếu nữ miền sơn cước.

 

Bà So Thị Nghiệp dệt thổ cẩm - Ảnh: Y.LAN

 

Trong số những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm do người xưa truyền lại, tôi nhớ gương mặt vẫn còn lưu nét đẹp dù mái tóc đã nhuốm sương của bà So Thị Nghiệp. Đó là một người đàn bà yêu khung dệt và cần mẫn với nghề dệt mẹ truyền con nối. Hơn 10 năm sau gặp lại, tôi nhận ra lưng bà đã còng hơn trước, bước đi chậm hơn trước, song đôi bàn tay hằn dấu thời gian vẫn chưa rời khung dệt. Mỉm cười hiền hậu, bà So Thị Nghiệp kể: “Bà được mẹ bày cách dệt thổ cẩm từ lúc 14, 15 tuổi. Hồi đó dệt vải nhọc công lắm, phải trồng cây bông để lấy sợi rồi lấy vỏ cây rừng nhuộm màu, sau đó mới dệt”.

 

Bà Nghiệp bầu bạn với khung dệt từ thời thiếu nữ, càng dệt càng thích công việc tỉ mẩn, đòi hỏi sự khéo léo này. Và không chỉ có bà, một số phụ nữ trong làng cũng rất trân trọng nghề mẹ truyền con nối cho đến khi ngọn lửa chiến tranh bùng lên dữ dội. Dân làng tản lên rừng, lên núi chạy giặc chống càn. Sợi không có, khung dệt cũng không! Khi đó, nỗi nhớ khung dệt chìm lấp trong vô vàn thiếu thốn, kham khổ và hiểm nguy dưới đạn bom khói lửa.

 

Một thời gian sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, nghề dệt thổ cẩm dần được khôi phục. Và khi không còn canh cánh lo cái ăn, cái mặc sẽ được để ý đến nhiều hơn, nhất là trong những dịp buôn làng vào hội. Khi đó, cánh đàn ông uy nghi trong trang phục truyền thống, hòa tiếng cồng chiêng; cánh phụ nữ rực rỡ váy áo, tiếng lục lạc leng keng khi vòng xoang xoay quanh ngọn lửa.

 

Bà Nghiệp nói rằng sau này, cánh phụ nữ không còn phải vất vả trồng bông kéo sợi rồi nhuộm màu sợi vải. Họ chỉ việc mua sợi đã được nhuộm màu công nghiệp của người Kinh, đem về dệt. Việc dệt thổ cẩm đã đơn giản hơn trước. Thế nhưng, để có một tấm áo cho thiếu nữ, người dệt phải mất 2 tháng trời cặm cụi bên khung. “Mình phải dệt từng sợi, từng sợi rồi bắt bông, tốn công lắm đó”, bà Nghiệp cho biết.

 

Để tấm thổ cẩm trở nên đẹp đẽ, sinh động, người dệt phải “bắt bông”. Đó là sự kết hợp một cách khéo léo các sợi có sắc màu khác nhau, dọc ngang trên khung dệt. Hoa văn thổ cẩm khá đa dạng. Đó là hình ảnh cách điệu của ngọn núi, dòng sông, muông thú… - những gì rất gần gũi, thân thuộc với đồng bào ở buôn làng. Muốn dệt tấm thổ cẩm có hoa văn đẹp, sắc sảo thì phải học hỏi từ những nghệ nhân lớn tuổi, “có nghề”. “Coi người ta làm đẹp thì bắt chước, có người học 2-3 ngày mới làm được chứ không phải dễ dàng đâu. Bắt bông đẹp cũng phải có hoa tay”, bà Nghiệp nói.

 

Theo lời người phụ nữ 75 tuổi này, dệt thổ cẩm rất nhọc công, nhưng làm xong thì vui lắm, bởi đó là sản phẩm từ đôi tay, đôi mắt của chính mình. Và quan trọng hơn cả là giữ nghề. “Không dệt thì sẽ mất đi nghề truyền thống”, bà Nghiệp nói.

 

Những nghệ nhân lớp trước ngày càng cao tuổi, muốn giữ nghề thì phải truyền nghề cho lớp trẻ. Có người hào hứng học, có người không. Họ thích mua vải công nghiệp, thích mua đồ may sẵn. Vậy còn khi đến lễ hội thì sao? Vậy còn niềm tự hào về những bộ trang phục truyền thống độc đáo khi đội cồng chiêng, múa xoang của làng vô TP Hồ Chí Minh, ra Hà Nội biểu diễn trước đông đảo khán giả? Những thiếu nữ hiểu được điều đó thì cần mẫn học nghề. Vừa cặm cụi bên khung dệt, chị La Lan Thị Kẽm ở Xí Thoại, cho biết: “Hồi trước, khi mới lớn lên, tôi được mẹ dạy cách dệt thổ cẩm. Sau này, vì nhiều lý do, tôi không đụng tới khung dệt và quên nghề truyền thống này. Khi lễ hội đâm trâu ở Xuân Lãnh được khôi phục, tôi được bà Nghiệp và một người khác dạy lại cách dệt thổ cẩm. Những người lớn tuổi ở đây sợ mất nghề truyền thống của người xưa”.

 

Bà Nghiệp kể rằng, đến nay, bà đã tham gia truyền nghề cho cả chục phụ nữ trẻ trong làng. Và từ tâm huyết của những nghệ nhân cao tuổi như bà Nghiệp, khung dệt được lớp trẻ giữ gìn, nghề dệt thổ cẩm được lớp trẻ quan tâm để mỗi khi buôn làng rộn vang tiếng cồng chiêng trong mùa lễ hội hoặc đón du khách từ xa đến, những bộ trang phục truyền thống đẹp đẽ của đồng bào Ba Na, Chăm H’roi nơi đây luôn khiến những người từ dưới xuôi lên phải xuýt xoa. Sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số lấp lánh trong từng “tác phẩm” thổ cẩm. Và sản phẩm từ khung dệt ở Xí Thoại đã đến với một số buôn làng trong tỉnh.

 

Chạm vào tấm thổ cẩm rực rỡ trên khung dệt của bà Nghiệp, tôi không khỏi tò mò, hỏi tấm vải này nếu bán ra thì được bao nhiêu. “Tấm này là 2 cái áo, dệt chừng 4 tháng mới xong, nếu bán thì 3 triệu đồng”, bà Nghiệp cho biết. Số tiền đó rõ ràng chẳng thấm vào đâu so với công sức mà người dệt bỏ ra. Nghe tôi nói điều đó, bà Nghiệp mỉm cười hiền khô: “Ừ, không đủ công dệt. Nhưng muốn đủ công thì tình cảm còn ở chỗ nào?”.

 

Thì ra, trong từng tấm thổ cẩm, những nghệ nhân như bà Nghiệp đã dệt vào đó tình cảm, tấm lòng mình đối với nghề mẹ truyền con nối. Và quan trọng nhất là mong muốn giữ nghề, giữ một phần sắc màu văn hóa của dân tộc mình cho con cháu sau này.

 

Xã Xuân Lãnh hiện có khoảng 10 nghệ nhân dệt thổ cẩm. Họ là những người truyền nghề, truyền niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc cho lớp con cháu nên cần có chế độ đãi ngộ để khích lệ họ. Và điều quan trọng là cần tìm đầu ra cho thổ cẩm, muốn vậy cần có dự án gắn kết các tour du lịch.

 

Ông Phạm Trung Chánh,

Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek