22 năm gắn bó với nghề báo, với bao tháng ngày “lên rừng xuống biển”, lao theo dòng thời sự, theo tiếng gọi của những phận người, nhà báo Lưu Phong có nhiều bút ký - phóng sự neo vào lòng bạn đọc. Anh vừa ra mắt liên tiếp hai tập sách, xem như đánh dấu một chặng đường nhọc nhằn song cũng đầy hứng khởi với nghề.
1. Làm quen với nhiếp ảnh, rồi viết báo cộng tác với Báo Phú Yên. Không thẻ hành nghề, không xe máy, chỉ có cái máy ảnh cũ, xe đạp cũ làm bạn, Anh vẫn tháng ngày hào hứng đi và viết. Nhiều tác phẩm của một cây bút không chuyên quê ở Hòa Thành (huyện Đông Hòa) lọt vào “mắt xanh” của nhà báo - nhà văn Tô Phương, Tổng biên tập Báo Phú Yên lúc bấy giờ. Ông Tô Phương cử phóng viên đi tìm “tay” cộng tác viên. Năm 1993, Nguyễn Thế Phong gia nhập làng báo và trở thành cây bút sung sức ở tòa soạn báo của Đảng bộ tỉnh với bút danh Nguyên Lưu, Lưu Phong.
Phụ trách mảng kinh tế, có những bài điều tra thu hút sự chú ý song dường như thế mạnh thực sự của Lưu Phong là mảng đề tài xã hội. Phóng sự về các nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân tai nạn giao thông, về những phận người trắc ẩn, về cuộc sống của dân ở xóm Trường (huyện Đồng Xuân) sau trận lũ kinh hoàng... gieo vào lòng bạn đọc những khoảng lặng rưng rưng. Với anh, viết báo không đơn giản là đi, gặp, ghi chép thông tin rồi trải chúng lên bản thảo. Quan trọng hơn, nhà báo cần quan sát, phân tích và cảm nhận nỗi đau, sự mất mát của nhân vật bằng trái tim mình. Lưu Phong làm được điều đó nên những tác phẩm báo chí về đời sống xã hội của anh được bạn đọc nhớ.
Năm 2005, để chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân chất độc da cam và tự nhắc mình là một người cầm máy, Lưu Phong tổ chức triển lãm ảnh cá nhân tại Nhà văn hóa Diên Hồng. Hơn 60 tác phẩm tái hiện hơn 60 phận người lay lắt trong tật nguyền, cùng nỗi thống khổ mà nhiều khi chính người trong cuộc cũng không cảm nhận hết. “Tôi bước đi trong một chiều “mưa Đồng Cọ” và đã chứng kiến sự thật biết bao gia đình đang phải gánh chịu những nỗi đau vô hạn, chứng kiến những đứa trẻ bất hạnh bị tật nguyền “vô tri, vô giác”, đứa trước cười, đứa sau cười, cào cấu đời cha, bấu víu đời mẹ, đau cả một đời không xoa dịu được...” - Lưu Phong chia sẻ. Với triển lãm này, Lưu Phong quyên góp được khoảng 150 triệu đồng trao cho Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Phú Yên. Đó là tấm lòng của một nhà báo.
Năm 2008, lần đầu tiên Lưu Phong ra Trường Sa. Trước đại dương mênh mông đến choáng ngợp, trước những người lính kiên cường ngày đêm bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông, Lưu Phong thấy mình thật nhỏ bé. Sau này, anh thổ lộ: “Chuyến đi Trường Sa đã làm suy nghĩ của tôi thay đổi rất nhiều, chứ không sống khép mình nơi phố xá chật hẹp… Và đó là chuyến đi đáng nhớ nhất trong 22 năm gắn bó với nghề báo”. Từng có 5 năm làm phóng viên Báo Lao Động - cái nôi để từ đó nhiều cây bút phóng sự lừng lẫy tỏa sáng, Lưu Phong tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho nghề cầm bút của mình. Đây cũng là khoảng thời gian anh đi nhiều nhất, viết sung sức nhất về nhiều đề tài xã hội ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Vì hoàn cảnh gia đình, đầu năm 2015, Lưu Phong “trở về mái nhà xưa” Báo Phú Yên, làm biên tập viên ở Phòng Thư ký tòa soạn. Tạm gác lại các chuyến đi, anh làm quen với những ngày trực báo kéo dài đến tận đêm, mệt phờ. Công việc “bếp núc” ở tòa soạn vừa mới mẻ vừa nhiều áp lực, nỗi nhớ những chuyến đi lắm lúc cũng ùa về. Nhưng rồi các trang báo “cuốn” anh vào, hăm hở. Lưu Phong là vậy, với công việc anh luôn dốc sức, hết lòng.
Bìa hai tập sách Hoa thiêng trên biển và 360o... trải lòng |
2. Sau 22 năm gắn bó với nghề, nhà báo Lưu Phong vừa giới thiệu với bạn đọc hai tập phóng sự - bút ký: Hoa thiêng trên biển và 360o... trải lòng. Có thể nói hai tập sách này đánh dấu chặng đường nhọc nhằn song cũng đầy hứng khởi của cây bút sinh năm 1971.
Hoa thiêng trên biển “chào đời” trước, gồm 18 phóng sự - bút ký về biển đảo; một số tác phẩm được thực hiện công phu, nhiều kỳ như Thân thương Trường Sa, Thám hiểm lòng đại dương, Bơi… theo cá ngừ đại dương, Đau lòng biển lắm giã cào ơi... Trong lời giới thiệu, nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp viết: “Bước chân của nhà báo trẻ năng động, ưa tìm tòi khám phá đã đưa Lưu Phong qua các làng chài sầm uất, rợp mát bóng dừa xanh, với những căn nhà ngói đỏ thoáng mát, đầy đủ tiện nghi nhưng cũng không ít những xóm nghèo, nhà tôn tạm bợ trên những triền cát phả hơi nóng hầm hập. Và cũng chính ở những miền đất thân thương ấy, nhà báo Lưu Phong đã có điều kiện tiếp xúc với những phận người “ăn sóng nói gió”, chân chất, bình dị (Về già đánh cá chơi vơi, Hai anh em Ronbinson...), trò chuyện với những ngư dân vừa thoát chết trở về từ khơi xa sau trận cuồng phong và trăn trở, chia sẻ với những thân phận, hoàn cảnh đáng thương cần được cảm thông, giúp đỡ (Long đong đời ngư phủ, Nghiệt ngã và nhiều nỗi đau... trước biển, Bốn ngàn ngày sống lay lắt trước biển, Sống trong... sợ hãi ở Bãi Lách...). Lưu Phong đến với biển đảo không phải theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, mà anh muốn trải nghiệm những gì các ngư dân đang trải...”. Hoa thiêng trên biển là tập sách gói trọn tình yêu cùng những trăn trở của Lưu Phong về biển đảo.
Chưa đầy một tuần sau khi Hoa thiêng trên biển ra mắt bạn đọc, nhà báo Lưu Phong có tập phóng sự - bút ký thứ hai 360o... trải lòng. Với 2 phần: 360o… trải lòng và Dòng thời gian và những lát cắt phận người, tập sách đầy đặn này giới thiệu hơn 40 phóng sự - bút ký đa dạng đề tài, là sự tái hiện các chuyến đi khắp dải đất Nam Trung Bộ trong hơn 2 thập kỷ làm báo. 360o... trải lòng với 360 trang sách, tác giả trải lòng: “Đi... Chiều Phan Rang. Sáng Tuy Hòa. Đua cùng thời gian. Lạc bước tháng ngày qua miền nắng “gió chuyên cần mà phóng túng”. Cùng Hát với những thôn nữ khi lên khỏi... bờ ruộng! Về quê mình rong ruổi với vợ chồng tiến sĩ Peter Shmutz (Thụy Sĩ) thầm lặng trải lòng Làm việc thiện cũng hạnh phúc như tình yêu. Về chợ đêm với Người mẹ già nhặt rác nuôi ba con mù. Thức cùng lão bà bên Gánh hàng rong oằn nỗi niềm nhân thế. Chờ “đón bão” ở vùng “ốc đảo Phước Giang”. Lang bạt chốn thâm sơn để giải mã “Ma trận” trên bãi vàng Hòn Cồ… Nghề báo, nghề... đi... Nghề báo vô cùng hạnh phúc khi được đi, được kể về những chuyến đi của mình”.
Có thể nói 360o... trải lòng là những lát cắt cuộc sống muôn màu muôn vẻ, những phận người được tái hiện bởi một cây bút dễ rung cảm và ưu tư trước nỗi buồn nhân thế (Gánh hàng rong oằn nỗi niềm nhân thế…). Đọc tập phóng sự - bút ký này của Lưu Phong, độc giả hiểu hơn về con người anh.
“Nhìn lại chặng đường 22 năm làm nghề, điều tôi hài lòng nhất là được đi và được trải nghiệm nhiều. Điều đó làm mình “lớn” - nhà báo Lưu Phong chia sẻ.
PHƯƠNG TRÀ