Làm thế nào để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do ngành VH-TT-DL triển khai ngày càng trở nên thiết thực và phát triển sâu rộng trong nhân dân là vấn đề chủ yếu được bàn thảo tại hội nghị giao ban cụm khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa diễn ra tại Phú Yên.
Một tiết mục biểu diễn tại một hội thi về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức - Ảnh: T.DIỆU |
Danh hiệu Gia đình văn hóa là tiêu chí hàng đầu trong việc thực hiện và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Để đạt được tiêu chí này, các gia đình phải đạt tiêu chuẩn: Gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, Gia đình văn hóa chính là tiêu chí cơ bản thúc đẩy các tiêu chí khác của phong trào nhanh chóng được thực hiện một cách có hiệu quả. Trong 11 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai) tham dự giao ban lần này, Bình Định là địa phương có tỉ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa cao nhất trong khu vực, lên đến 90,47%.
Ông Ngô Đông Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bình Định, cho biết: “Chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tế ở cơ sở mà có kế hoạch hành động chứ không áp đặt cùng một tiêu chí cho tất cả địa phương. Phong trào phải được thực hiện thường xuyên, không bỏ lơ những địa phương đã đạt tiêu chuẩn trước đó. Đặc biệt, cán bộ tham gia phong trào các cấp phải đăng ký chỉ tiêu vận động cụ thể vào kế hoạch công tác. Đó là những việc làm thiết thực thúc đẩy các tiêu chí xây dựng phong trào thực hiện hiệu quả”.
Với tỉ lệ hơn 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 81,6% thôn, buôn khu phố văn hóa; 45,83% Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; vượt hơn 20% chỉ tiêu Trung ương giao, Phú Yên được đánh giá là một trong những đơn vị triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Ban chỉ đạo phong trào đã lồng ghép các chỉ tiêu văn hóa với phong trào Xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiện để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai dễ dàng và sâu rộng, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở đã cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt các nội dung, tiêu chí bình xét danh hiệu thôn, buôn, khu phố văn hóa trên cơ sở nội dung, tiêu chí bình xét thực tế ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, củng cố, phát triển môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Với tỉ lệ đạt 81,82% về Xã chuẩn văn hóa nông thôn mới và 64,44% về Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu 11 tỉnh, thành trong khu vực về các tiêu chí này.
Tại hội nghị cũng ghi nhận các tỉnh: Lâm Đồng dẫn đầu tỉ lệ Làng, thôn, buôn, bản, tổ dân phố văn hóa (86,72%) với cách làm hay là đưa tiêu chí vận động, tuyên truyền thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào hoạt động bình xét và khen thưởng đảng viên ở cơ sở; Quảng Ngãi dẫn đầu tỉ lệ Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (93,24%) với phương pháp các đơn vị này đăng ký bảng điểm thi đua tại Ban chỉ đạo thực hiện phong trào các địa phương.
Từ những cách làm hay trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến nay, các giá trị tiêu biểu trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc hướng đến văn minh đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Với các điểm nhấn là: nêu gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, kịp thời phát hiện, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ các tệ nạn mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu; các thiết chế văn hóa phục vụ cho các sinh hoạt tinh thần được thiết lập và đi vào hoạt động.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã nhấn mạnh ba phương hướng để phong trào được thực hiện thành công và bền vững hơn. Thứ nhất, tùy theo từng địa phương mà linh hoạt trong việc đề ra các tiêu chuẩn, tiêu chí trong thực hiện phong trào chứ không máy móc, rập khuôn. Thứ hai là các ban ngành, đoàn thể phải vào cuộc phối hợp, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện và phát triển phong trào sâu rộng trong nhân dân. Thứ ba là xã hội hóa tạo nguồn kinh phí trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao vì đây là nền tảng văn hóa vững chắc trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân. |
DIỆU ANH