Thứ Ba, 21/01/2025 01:54 SA
Nghe sông Ba kể chuyện…
Thứ Ba, 15/09/2015 14:00 CH

Một cảnh trong tác phẩm thơ múa “Mẹ phù sa” - Ảnh: Y.LAN

Với Trầm tích sông Ba, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển khắc họa bằng âm nhạc và nghệ thuật múa những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất, con người Phú Yên. Chương trình nghệ thuật đặc sắc này sẽ tranh tài với các đơn vị bạn tại cuộc thi Nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 năm 2015.

 

Diễn ra từ ngày 10 đến 19/9, cuộc thi Nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 năm 2015 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) tổ chức, thu hút 21 đơn vị nghệ thuật công lập tham gia. Cuộc thi nhằm đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập trong cả nước, đồng thời tôn vinh các tập thể, cá nhân có những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Lễ bế mạc, trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào tối 19/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sáng mai (16/9), Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển biểu diễn chương trình nghệ thuật Trầm tích sông Ba tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong cuộc thi Nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 năm 2015. Nhiều năm qua, đoàn Sao Biển bao phen “đem chuông đi đánh xứ người” và thành công rực rỡ. Song kể từ khi được nâng lên vị thế mới, đây là lần đầu tiên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đi thi. Hơn nữa, trong các đơn vị nghệ thuật công lập tham gia cuộc tranh tài lần này, đơn vị nào cũng có thế mạnh riêng; nhiều đơn vị đầu tư rất công phu, hoành tráng. Bởi vậy, áp lực đặt lên vai Ban giám đốc nhà hát và anh em nghệ sĩ, diễn viên không nhỏ chút nào. Tuy nhiên, với Trầm tích sông Ba, họ có quyền tự tin và hy vọng.

 

Mở đầu chương trình nghệ thuật, tiếng đàn lời ca đưa người xem về với Tây Nguyên hùng vĩ - nơi mạch nguồn sông Ba được chắt lọc giữa trùng điệp núi rừng.

 

 Bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô (tỉnh Kon Tum), ở độ cao hơn 1.500m, sông Ba phóng khoáng buông mình qua những vùng đất của sử thi, của không gian văn hóa cồng chiêng nổi tiếng. Hơi thở Tây Nguyên rạo rực trong chương I - Mạch nguồn, với tiết mục hát múa Đại ngàn hùng thiêng (âm nhạc: Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hải, biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Hữu Từ, biểu diễn: tập thể nhà hát), tam ca nam Ayun - E’ba - Sông Ba (sáng tác: Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc, phối khí: Xuân Huy, biểu diễn: Tất Đạt, Sô Chăm Huy, Y Viêng) và tiết mục múa Trầm tích (âm nhạc: Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hải, biên đạo: Minh Hiếu, biểu diễn: đội múa Sao Biển).

 

Chia tay đại ngàn, sông Ba “giấu kín cuộc hành trình gian truân giữa lòng Trường Sơn, trang trải phù sa đắp bồi châu thổ. Sông êm đềm trôi giữa màu xanh bạt ngàn cây trái, qua xóm làng thao thức tiếng gà khuya…”. Hành trình của sông Ba trên vùng đất Phú Yên, tắm mát những cánh đồng thẳng cánh cò bay được khắc họa bằng âm nhạc và nghệ thuật múa trong chương II - Phù sa. Điểm nhấn ở chương này chính là tác phẩm thơ múa Mẹ phù sa (âm nhạc: Mạnh Tiến, biên đạo: Hữu Từ, Văn Hiền, biểu diễn: Minh Hiếu và dàn múa). Theo nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc, Giám đốc nhà hát, đây là lần đầu tiên nhà hát dựng thơ múa. Tác phẩm cho thấy chuyên môn của anh em nghệ sĩ và cũng là tiết mục để nhà hát “ăn nói” với các đơn vị bạn.

 

Bên cạnh thơ múa, một “đặc sản” mà Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển mang đến cuộc thi là hòa tấu đàn đá - kèn đá - trống Dòng chảy, do Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hải sáng tác và biểu diễn.

 

Cũng trong chương này, ca sĩ Thanh Vân tiếp tục cho thấy sự tinh tế của mình khi thể hiện ca khúc mới toanh Hạn của nhạc sĩ Tấn Phát. Mang chất tuồng và có kịch tính, Hạn - với bản phối của Xuân Huy và tiếng hát Thanh Vân - mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc.

 

Trong chương trình nghệ thuật Trầm tích sông Ba, gió Tuy Hòa - “cái gió chuyên cần và phóng túng” xuất hiện khá lãng mạn ở chương Phù sa, khi ca sĩ Quang Thơm cùng tốp nam nữ hát Ơi cái gió Tuy Hòa (sáng tác: Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Quang, ý thơ: Trần Mai Ninh, phối khí: Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hải), rồi thổi bùng lên mạnh mẽ khi ca sĩ Lê Mỹ Như cất tiếng hát Gió Tuy Hòa (sáng tác: Nhạc sĩ, Nhà giáo ưu tú Đức Trịnh, phối khí: Xuân Phương), mở đầu chương III - Biển mẹ.

 

Đi qua cửa Đà Diễn, sông Ba hòa vào biển cả bao la. Sông lắng nghe ngư dân từ những chuyến biển trở về; những xóm chài xôn xao mùa cá. Bên cạnh ca khúc mang hơi hướng Chăm do Lê Mỹ Như thể hiện, chương Biển mẹ còn có tiết mục múa Bóng tròn (âm nhạc: Xuân Huy, biên đạo: Hữu Từ, biểu diễn: tốp múa), đơn ca nam Thuyền thúng (sáng tác: Phú Văn, phối khí: Hoàng Anh, biểu diễn: Minh Khương). Chương trình khép lại bằng tiết mục hát múa đầy màu sắc Biển trời quê hương (sáng tác và phối khí: Thanh Hải, biên đạo: Hữu Từ, biểu diễn: tập thể nhà hát).

 

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc cho biết, ông đã trăn trở rất nhiều khi tìm ý tưởng để xây dựng chương trình nghệ thuật này. Khi ý tưởng bật ra, ông liền gọi điện chia sẻ với Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ - lúc ấy đang ở Hải Phòng. Và ông “trải” ý tưởng lên kịch bản. Trong vòng hơn một tháng, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, hậu đài ở Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tất bật tập luyện, với sự hỗ trợ của ca sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Đức Long - người đã có 40 năm hoạt động nghệ thuật, 25 năm giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và biên đạo Văn Hiền. “Đoạt giải hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, riêng tôi thấy mừng với những gì mà anh em đã làm được trong chương trình này” - nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc chia sẻ.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek