Thứ Ba, 15/10/2024 05:13 SA
Cách nào để quản lý nhạc sống
Thứ Năm, 27/08/2015 08:10 SA

Hát nhạc sống tại phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) - Ảnh: P.LỘC

UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Chỉ thị 09 về việc tăng cường quản lý hoạt động hát nhạc sống trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này định hướng giúp các địa phương thống nhất biện pháp quản lý; đồng thời cũng nhận được sự đồng tình của người dân về tình trạng một số điểm hát nhạc sống thái quá gây xáo trộn sinh hoạt bình thường.

 

Hát nhạc sống thực chất là một loại hình sinh hoạt văn nghệ quần chúng đã có từ lâu. Trước năm 1975, tại thị trấn La Hai từng có những nhóm hát nhạc sống là con em của các chủ hiệu buôn lớn, họ tự bỏ tiền đóng góp có giá trị hàng chục cây vàng để mua sắm thiết bị: âm ly, trống, đàn điện, máy nổ… để thỏa mãn nhu cầu ca hát. Nhóm nhạc sống này, sau ngày giải phóng đã trở thành lực lượng nòng cốt cho việc duy trì và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng của huyện Đồng Xuân và lan truyền cho tới tận ngày nay. Bản chất hát nhạc sống là tốt, là nhu cầu chính đáng và cần thiết góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân thêm phong phú, lành mạnh. Điều đó thật ý nghĩa và thiết thực khi hoạt động hát nhạc sống góp phần đáp ứng nhu cầu, nhất là cho lớp trẻ muốn tự bộc lộ khả năng ca hát.

 

KHÓC CƯỜI NHẠC SỐNG

 

Tôi từng chứng kiến một tình huống “kẻ khóc người cười”. Hai nhà sống chung một dải đường, cách nhau độ vài chục mét; một nhà đang tổ chức tiệc cưới, nhà bên có việc buồn đang lo hậu sự cho người vừa tạ thế. Sự việc ngẫu nhiên nhưng nhiều người vẫn có cảm giác ngậm ngùi khi phải nghe một mớ âm thanh từ tiệc cưới làm náo động, lấn át nỗi bi thương của tiếng kèn đám ma.

 

Một lần về quê dự tiệc cưới, ngồi bên cụ 75 tuổi, tôi nghe ông tỉ tê than phiền: “Ngày trước đi dự cưới là dịp mình được gặp lại bà con họ hàng, bạn bè xa gần để mà thăm hỏi, gửi gắm tình cảm. Bây giờ đi dự cưới như bổn phận, ai đến đây cũng như người “có miệng ăn mà không có miệng nói” vì nhạc nhùng đì đùng hừng hực”.

 

Như đã nói trên, hát nhạc sống cũng như karaoke gia đình thuộc loại hình văn nghệ quần chúng không nằm trong các định chế quản lý văn hóa. Xử phạt vi phạm chủ yếu là dùng biện pháp xử lý hành chính. Để quản lý nó vào môi trường trật tự văn hóa, hiện tại còn thiếu những văn bản pháp quy để điều chỉnh.

 

Có người cho rằng, nhạc sống là một hoạt động tự phát, đến một lúc nào đó sẽ bão hòa “tự sinh, tự diệt” chứ cần gì phải kiểm tra quản lý. Cũng có ý kiến phân bua, cơ quan chức năng chưa đủ sức tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí thì cứ “thả cửa” cho dân tự tổ chức, việc gì phải ngăn chặn cấm đoán.

 

Đồng ý, chúng ta không nên cấm đoán hoặc nghiêm ngặt khi người dân có nhu cầu hát nhạc sống. Nhưng cũng không buông xuôi, bỏ mặc trước sự “náo loạn” gây phiền toái, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường sống trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, tăng cường quản lý hoạt động nhạc sống là cần thiết nhằm giải quyết nỗi bức xúc, phiền hà cho người dân.

 

Thanh niên thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, hát nhạc sống trong buổi phát động xây dựng thôn văn hóa - Ảnh: M.M.TÂM

 

CHÍNH QUYềN CƠ SỞ vào CUỘC

 

Chỉ thị 09 đã đặt ra với ngành chức năng và các địa phương các yêu cầu quản lý bao gồm: Sử dụng ca khúc, độ ồn, giờ giấc và biểu hiện phi văn hóa khi tổ chức hát nhạc sống. Đồng thời yêu cầu Đội Kiểm tra liên ngành 814 (Đội Kiểm tra văn hóa) của các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động hát nhạc sống thuộc địa bàn.

 

Về quản lý độ ồn, nhiều ý kiến cho rằng, cái này có phần rầy rà, phương tiện kiểm tra là của ngành khoa học công nghệ và đo lường chất lượng, cần có cán bộ chuyên môn sử dụng để xác định chứng cứ và mức độ vi phạm. Nhạc sống tiệc cưới tại nhà hàng khách sạn là việc chẳng ảnh hưởng ai. Vấn đề kiểm tra độ ồn ở đây là hoạt động nhạc sống tổ chức tại nhà. Hiện nay, hầu hết dịch vụ cho thuê hát nhạc sống đều sử dụng dàn âm thanh có công suất loa, âm ly trên 1.000W. Khi hoạt động, âm thanh phát ra nhà cách nhau năm bảy trăm mét còn nghe, không cần tới phương tiện đo thì ai cũng biết nó vượt xa độ ồn tối đa cho phép (theo Quy chuẩn QGVN). Đo độ ồn, quy định giờ giấc ở đây chuẩn nhất có lẽ là sự chấp nhận của hàng xóm láng giềng.

 

Hát nhạc sống là hoạt động diễn ra ở cơ sở, từ ngõ ngách thôn xóm, khu phố. Những vi phạm thái quá của hát nhạc sống phần lớn thuộc phạm vi quản lý trật tự và an toàn xã hội. Do đó, lực lượng quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm không ai có thể gần gũi và sâu sát hơn bằng chính quyền xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, khu phố. Chính quyền cấp trên và ngành chức năng chỉ có thể quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn một cách bao quát trong chừng mực nhất định chứ không thể làm thay những công việc cụ thể có tính chất thường xuyên, liên tục thuộc chức năng thẩm quyền cấp cơ sở. Hát nhạc sống do ai tổ chức, hát ở đâu, chấp hành quy định như thế nào… phải do từng thôn, buôn, khu phố quản lý và chịu trách nhiệm.

 

Từ Chỉ thị 09 của UBND tỉnh, các địa phương cụ thể hóa quy định về nội dung, giờ giấc, phương thức hoạt động hát nhạc sống; khuyến khích các tập thể và cá nhân tổ chức hát nhạc sống thành lập theo tổ, đội, nhóm dưới hình thức câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng thôn, buôn, khu phố....

 

ĐƯA NHẠC SỐNG VÀO SINH HOẠT NỀ NẾP, LÀNH MẠNH

 

Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: “Sau khi có Chỉ thị 09 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động hát nhạc sống trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT-DL đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân về việc hát nhạc sống theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra hoạt động này trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, ngành cũng đang chủ trì phối hợp, lấy ý kiến từ các ngành liên quan, hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố công tác quản lý, xử lý hoạt động hát nhạc sống, nhất là hoạt động hát nhạc sống tự phát tại địa phương. Hát nhạc sống là nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần chính đáng của nhân dân, tuy nhiên hoạt động này cần được đưa vào nề nếp, trở thành sinh hoạt tinh thần lành mạnh, bổ ích.

 

T.DIỆU (ghi)

 

MẠNH MINH TÂM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek