Thứ Tư, 16/10/2024 01:31 SA
Nhạc sĩ Krajan Dick: Thao thức với âm nhạc Tây Nguyên
Chủ Nhật, 12/07/2015 14:00 CH

Được sinh ra và lớn lên nơi đại ngàn, hòa hơi thở của mình vào hơi thở đại ngàn, người con của xã Lát (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) miệt mài sáng tạo, đưa hồn núi - tình đời và hồn đất - tình người vào các tác phẩm âm nhạc. Không những thế, anh còn lặng lẽ sưu tầm, góp phần gìn giữ âm nhạc dân gian của các tộc người ở Tây Nguyên trước những thử thách khắc nghiệt của thời gian. Anh là nhạc sĩ Krajan Dick.

 

Nhạc sĩ Krajan Dick (bên phải) và em trai - Krajan K’Druynhs - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

* Thưa nhạc sĩ, sau khi đưa tiếng hát của mình đến với công chúng khắp nơi, anh bắt đầu sáng tác ca khúc, với những giai điệu, lời ca nồng nàn hơi thở đại ngàn. Đâu là nguồn cảm hứng lớn của anh trên con đường sáng tạo?

 

- Trong thời gian làm ca sĩ biểu diễn, tôi có dịp về với các buôn làng xa xôi, quan sát nhịp thở cuộc sống và tình cảm của những con người sống với núi rừng. Qua các chương trình biểu diễn được thể hiện bằng ngôn ngữ địa phương, qua các tác phẩm được sưu tầm từ dân ca bản địa và hiệu ứng tình cảm thân thương của họ dành cho, tôi chợt nhận ra mình có trách nhiệm đi theo con đường nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác âm nhạc. Và âm nhạc đó phải thật sự gần gũi, thân quen với đồng bào, với những người quanh tôi và với chính tôi.

 

Tìm hiểu các di sản văn hóa nghệ thuật bản địa, tôi chợt nhận ra: Thế giới vạn vật trong tâm thức của cộng đồng tộc người Tây Nguyên đều có hồn và hình thành rõ nét tư duy quyện sinh giữa con người, thiên nhiên, vạn vật và cả góc vũ trụ nơi đây. Từ đó, tôi đặt ra cho mình tiêu chí về nội dung tác phẩm phải đề cập đến: Hồn núi - tình đời và hồn đất - tình người.

 

Tĩnh lặng tìm về với quá khứ, nghiền ngẫm về “hồn phách” của vạn vật trong thiên nhiên, vũ trụ và bao kiếp người, ta nhận ra mình thật nhỏ bé, kiếp người thật ngắn ngủi, từ đó biết yêu, biết quý “hồn đất trời” mình đang đứng và biết trân trọng tình người với thiên nhiên, vạn vật. Tất cả đã như là nguồn mạch cảm hứng, là ý thức trách nhiệm, cũng là tình cảm và nỗi trăn trở thầm lặng của tôi.

 

Nhạc sĩ Krajan Dick có tên đầy đủ là Krajan K’Dick, người Lạch, sinh năm 1962 ở cao nguyên Langbian, hiện sống tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Nhạc sĩ Krajan Dick là ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng cao của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với các ca khúc: Men tình xuân, Nồng nàn cao nguyên, Cánh sóng và chuyện tình, Lời suối gọi, Sim Kring, Tìm, Chào mimosa, Hồn thiêng Chư Yang Sing…, đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc dân gian có giá trị.

* Có những nhạc sĩ đã rất thành công khi khai thác chất nhạc Tây Nguyên, như Nguyễn Cường, Y Phôn Ksor, Mạnh Trí… Anh muốn đi theo con đường của họ hay là tìm một lối riêng?

 

- Đó là những tên tuổi rất nổi tiếng và đã gặt hái nhiều thành công trên lĩnh vực âm nhạc, trên con đường đánh thức những giai điệu núi rừng Tây Nguyên, đưa đến với công chúng và bạn bè gần xa. Tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ, trân trọng.

 

Có những điểm chung trong lối tư duy về hồn đất hồn người nơi đây, tuy nhiên mỗi người luôn có sự lựa chọn khác nhau. Với tôi, chặng đường gập ghềnh và nhiều cam go hơn trong bước đi tìm về hồn cốt của nghệ thuật bản địa ngày càng phai nhạt và mất đi.

 

Nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên còn rất nhiều tiềm ẩn. Mỗi tộc người, dù nhỏ, đều có những mảnh trời, mảnh đời riêng mà ở đó, bản sắc riêng không hề ít ỏi, giá trị nghệ thuật và nhân văn không hề nhỏ bé.

 

Tôi đã dành nhiều thời gian để góp phần nhỏ bé của mình gìn giữ âm nhạc dân gian cho cộng đồng nơi tôi sinh ra và lớn lên.

 

* Được biết anh đã đến nhiều buôn làng, sưu tầm các bài dân ca/ca dao của đồng bào K’Ho. Ngoài nỗi lo vốn quý dân gian có nguy cơ mai một, việc làm này của anh còn có lý do nào khác, thưa nhạc sĩ?

 

- Có hai lý do để tôi dành thời gian sưu tầm. Thứ nhất là vì tình cảm, trách nhiệm của tôi đối với âm nhạc và âm nhạc dân gian của các tộc người Tây Nguyên. Thứ hai là xuất phát từ truyền thống gia đình. Cha tôi là người hiểu biết khá nhiều về văn hóa nghệ thuật của bộ tộc. Ông cũng là trí thức bản địa đóng góp cho sự nghiệp giáo dục phổ thông và là dịch giả các công trình giáo dục cộng đồng bằng tiếng bản địa. Tôi có trách nhiệm đóng góp âm nhạc cho cộng đồng ấy.

 

* Nhìn lại chặng đường đã đi qua, điều gì khiến anh hài lòng nhất trong “mối duyên” với âm nhạc?

 

- Chặng đường âm nhạc của tôi gặp nhiều khó khăn. Thành công đến với tôi không nhiều, tôi chỉ có niềm vui khi làm xong vài tác phẩm, được bạn bè truyền nhau hoặc đề nghị tặng cho họ. Một số tác phẩm dân gian sưu tầm hoặc phục dựng… được những người lớn tuổi của cộng đồng đồng cảm và hưởng ứng. Một số tác phẩm được giải cao của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành trung ương.

 

Đặc biệt, tôi đang làm việc để hoàn thành một bộ hơn 150 tác phẩm mang âm hưởng dân gian, sẽ hoàn thành vào năm 2016. Ngoài ra, tôi nhận được những tín hiệu vui nhỏ bé từ các nỗ lực vượt khó khăn.

 

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek