Rất nhiều vấn đề nóng bỏng của văn học được bàn thảo tại Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX, vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9 đến 11/7. Và các nhà văn kỳ vọng sẽ có một sự thay đổi đột phá từ dấu mốc quan trọng này.
Tại đại hội lần này, nhiều vấn đề về chuyên môn được đưa ra thảo luận để khuyến khích các hội viên sáng tác. “Ngoài đề tài nổi bật là viết về chủ quyền lãnh thổ của đất nước thì phải có những tác phẩm văn học chất lượng về xây dựng nhân cách con người. Tôi nghĩ với văn học, đó là đề tài xuyên suốt của mọi thời đại” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Ngoài ra, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn cho biết, mảng đề tài văn học về nông thôn cũng sẽ được hội khuyến khích, động viên các nhà văn sáng tác nhiều hơn nữa. “Thực ra, những vấn đề của nông thôn cũng đã thường xuyên được hội khuyến khích chứ không chỉ thông qua một đại hội hay những hội thảo cụ thể. Bởi nền văn hóa Việt Nam có cái gốc là văn hóa làng. Nếu chúng ta không gìn giữ và làm lan tỏa nó như một sự sống của văn hóa dân tộc thì chúng ta sẽ thất bại trong mọi lĩnh vực khác. Bản thân mỗi nhà văn đã tự ý thức vấn đề này, Hội Nhà văn chỉ động viên và tạo ra những điều kiện tốt nhất có thể để nhà văn thực hiện sứ mệnh của mình” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Điều mà rất nhiều nhà văn đang mong mỏi là cần trẻ hóa đội ngũ hội viên, đồng thời thay đổi cách kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Theo nhà văn Di Li, việc kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam rất khác thường, không giống như các hội nghề nghiệp văn học nghệ thuật khác và cũng không giống các hội nhà văn ở các nước. Ở nước ngoài, việc kết nạp cực kỳ dễ dàng, chỉ cần đủ tiêu chí là có thể trở thành hội viên, còn ở Hội Nhà văn Việt Nam lại khác. Tiêu chí của Hội Nhà văn là đã có hai tác phẩm được in thành sách, đạt được một giải thưởng mới chỉ là đủ điều kiện để “có tên trong hồ sơ”. Còn để được kết nạp thì phải qua khâu xét duyệt của Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Và như vậy, việc nộp đơn tham gia vào Hội Nhà văn đã khiến các nhà văn cảm thấy khó khăn, chờ đợi như kiểu được “ban ơn”, thậm chí dễ xảy ra tình trạng tiêu cực.
Theo nhà văn Nguyễn Hiếu, nhìn lại nhiệm kỳ của Đại hội VIII, nhà văn cảm nhận được những nỗ lực của Ban chấp hành hội khi muốn quảng bá văn học Việt Nam từ cánh đồng chật hẹp tới bạn đọc thế giới. Tuy nhiên theo nhà văn Nguyễn Hiếu, không ít tác phẩm được giải thưởng còn mang nặng chất cơ cấu mà bỏ qua chất lượng. Những yếu tố thương mại vẫn tác động vào chốn thâm nghiêm của văn chương. Trong lĩnh vực đầu tư sáng tác cũng nặng sự dàn trải mà thiếu đi trọng tâm và sự đánh giá thỏa đáng cho những cây bút sáng tạo đích thực.
Hội Nhà văn Việt Nam có 1.042 hội viên. Đại hội lần này có 542 đại biểu của 13 đoàn đến từ khắp các vùng miền đất nước tham dự. Chiều 11/7, đại hội đã bỏ phiếu bầu Ban chấp hành khóa IX Hội Nhà văn Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020) từ danh sách 38 nhà văn, nhà thơ được đề cử. Kết quả, đại hội bầu được 6 nhà văn đạt số phiếu quá bán trúng cử vào Ban chấp hành, gồm: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Khuất Quang Thụy và nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch hội.
N.LAN (tổng hợp)