Những ngày tháng cuối hạ năm 2015, giới hoạt động âm nhạc dường như không quan tâm đến thời tiết khó chịu, nóng gay gắt trên 3 miền đất nước mà quan tâm, tiếc thương trước sự ra đi của GS.TS Trần Văn Khê - bậc thầy trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền Việt Nam và 2 cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân. 18 giờ chiều 3/7, tôi đang lục tìm các bài hát, tài liệu liên quan đến các nhạc sĩ vừa thành người thiên cổ, tự mình tưởng nhớ các bậc tiền bối thì nghe tin nhạc sĩ An Thuyên qua đời.
Nhạc sĩ An Thuyên là thành viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V (1995-2000), Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VI (2000-2005), Phó chủ tịch thường trực, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII (2005-2010). Nhạc sĩ luôn tìm sân chơi mới, khơi gợi sự sáng tạo. Các cuộc thi ca hát đã khẳng định thương hiệu thường có tên thầy trong BTC. Thầy là người khởi xướng cụm từ “dân gian đương đại” nói về một dòng nhạc mới, đã thịnh hành trong những năm 2000 đến nay. |
Trong bàng hoàng, tôi gọi điện ra Hà Nội hỏi thăm một vài nhạc sĩ thân quen nhưng chưa ai biết tin này, và tôi thầm mong tin dữ trên chỉ là sự nhầm lẫn. Tôi mang ơn nhạc sĩ An Thuyên rất nhiều. Mới hôm qua, chúng tôi vừa thống nhất sẽ mời nhạc sĩ An Thuyên viết tác phẩm để Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tập luyện, tham gia cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc sắp đến.
Tôi gặp thầy - nhạc sĩ An Thuyên vào năm 1998, khi đến Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội tìm hiểu cách đào tạo (mà tôi nghe là rất mới lúc đó) để gửi diễn viên của Sao Biển đi học. Thấy tôi rụt rè đứng lấp ló ngoài cửa Phòng Đào tạo, trong lúc đi qua, nhạc sĩ hỏi: “Em ở đâu, muốn gặp ai?”. Tôi biết nhạc sĩ là hiệu trưởng trường này, nên rất mừng: “Dạ, em ở Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển tỉnh Phú Yên”. Nghe nói vậy, nhạc sĩ vỗ nhẹ vai tôi, bảo: “Đi về phòng thầy”.
Tại phòng hiệu trưởng, nhạc sĩ tiếp và nói chuyện với tôi bằng giọng nói ôn tồn, nhẹ nhàng, gần gũi như một người thầy nói với đứa học trò, như người anh nói với đứa em. Nhạc sĩ hỏi thăm tình hình hoạt động của đoàn và bảo: Làm quản lý một đơn vị nghệ thuật ở một tỉnh xa tít miền Trung, còn nhiều khó khăn thì phải cố gắng lên, hãy tạo sức mạnh tại chỗ, chú ý lực lượng sáng tác, hòa âm, phối khí và nhất là biên đạo, tìm một vài giọng ca chủ lực… Nếu làm được điều đó thì em sẽ thành công, thầy sẽ giúp cho việc đào tạo.
Nghe lời thầy, Sao Biển đã gửi Nguyễn Hữu Từ, Lê Mỹ Như, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, K’So Y Thư theo học tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Và thầy đã hết lòng giúp đỡ. Giờ thì những học trò đó đã thành danh. Nghệ sĩ ưu tú - biên đạo Hữu Từ ngang dọc khắp Bắc - Nam với các chương trình lớn, tỉnh Phú Yên đã đề xuất xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; Lê Mỹ Như sáng danh với giải Sao Mai và Sao Mai - Điểm hẹn; Mỹ Hạnh giờ là một biên tập viên âm nhạc tốt của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên; K’So Y Thư là thủ lĩnh nhóm nhạc Drai’Tăng ở Sông Hinh với giọng ca rực lửa và nhiều tác phẩm đầy bản sắc.
Năm 2002, Sao Biển tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thầy An Thuyên làm giám khảo. Trong chương trình có bài hát Vọng phu của nhạc sĩ Tấn Phát và hai bản nhạc múa của nhạc sĩ Thanh Hải. Khi thi diễn xong, ra ngoài thầy gặp và hỏi tôi: Các tác giả đó là người của đơn vị hay nhạc sĩ ở ngoài? Tôi kêu Tấn Phát và Thanh Hải lại, giới thiệu luôn với thầy. Thầy bảo hai em viết khá lắm, cảm xúc lắm, thầy sẽ giúp cho hai em ra học tại Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội.
Thầy An Thuyên là vậy, luôn đi tìm những người có tố chất đưa về trường để đào tạo, lúc tìm người ở giải Sao Mai, lúc tìm người ở các liên hoan, hội thi, hội diễn… về đào tạo bằng nhiều cách, gắn học với hành. Thầy nắm bắt những gì xã hội cần ở nghệ thuật ca múa nhạc là trường thầy đào tạo. Trong những cuộc thi ca múa nhạc tầm quốc gia, quốc tế những năm qua, các giải thưởng lớn đều có người của trường. Thầy là người có công đầu trong việc đưa Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Quân đội gần giải thể lên cao đẳng rồi lên đại học, trở thành một ngôi trường danh tiếng. Tôi nghĩ tất cả học sinh, sinh viên trưởng thành từ Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội ai cũng mang ơn thầy.
Trong danh mục chương trình biểu diễn của Sao Biển có rất nhiều ca khúc của thầy. Tác phẩm múa Trăng tháp Nhạn mà thầy viết nhạc đã được biểu diễn trên 500 lần, hợp xướng Chào mùa xuân thênh thang Việt Nam, Mẹ Việt Nam anh hùng… thường xuyên được biểu diễn trong các ngày lễ lớn. Và cứ mỗi lần MC giới thiệu các ca khúc Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Huế thương, Khúc hát ru người mẹ lính, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Du xuân… là người xem đã vỗ tay, bất luận sau đó ai hát, hát hay hát dở thế nào!
Hữu Từ là người đã kết nối tình cảm tôi với thầy, vì thầy thường gọi điện cho tôi sắp xếp thời gian để Hữu Từ đi dàn dựng các chương trình giúp, một năm cũng vài ba lần, nên tôi với thầy càng gần gũi hơn. Năm 2005, tôi in một tập nhạc riêng - tập ca khúc Bâng khuâng đò ơi. Tôi nhờ thầy “đỡ đầu”, viết lời giới thiệu. Xem bản thảo xong, thầy trả lời “được”. Đến khi tập nhạc được in xong, tôi vui mừng ngắm nghía, xem lại các tác phẩm của mình, xem lại lời giới thiệu thì thấy thầy quá động viên tôi, viết những điều mà tôi nghĩ là còn lâu nữa mình mới phấn đấu đạt được.
Nhớ có lần Sao Biển diễn ở Hà Nội, tôi đến trường thăm thầy An Thuyên. Thầy nói rất nhỏ như để hai người nghe, rằng thầy vừa được phong hàm thiếu tướng, là nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm ấy và được bầu vào ban chấp hành đảng bộ khối, một bộ phận trong Tổng cục Chính trị, thầy vui lắm. Có lần đến nhà thầy, vừa bước vào phòng, tôi choáng ngợp trước bộ sưu tập máy hát cổ của thầy. Toàn là máy hát quay đĩa than từ thập kỷ 60 trở về trước, với gần trăm chiếc loa kèn lớn nhỏ. Hóa ra ngoài công việc bộn bề, thầy có một thú vui là sưu tập máy hát cổ. Năm ngoái, kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển ra Hà Nội biểu diễn. Tôi đến Khu du lịch Bảo Sơn để thăm thầy, lúc này thầy đang giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Thầy không được khỏe, tiếng nói như nhỏ lại nhưng điện thoại thì reo liên hồi. Thấy thầy có nhiều việc người ta cần, tôi mừng thầm, về hưu như thầy thì vui quá, chỉ mong sao thầy có sức khỏe để làm việc.
Chiều 3/7, nghe tin thầy đã về cõi thiên thu, tôi ghi lại những kỷ niệm nhỏ này để tưởng nhớ thầy…
Phú Yên, đêm 3/7/2015.
Nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ CAO HỮU NHẠC