Vừa mới tiễn biệt GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, chiều 3/7, người yêu nhạc vô cùng bất ngờ trước tin nhạc sĩ An Thuyên đột ngột ra đi ở tuổi 66. Thêm một nốt buồn trong chuỗi nốt buồn của giới nhạc sĩ Việt Nam.
Thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên - Ảnh: Internet |
Đối với những người yêu nhạc, tên tuổi của nhạc sĩ An Thuyên gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng, mang những sắc màu, chất liệu khác nhau. Một Neo đậu bến quê da diết tình, được viết sau những trải nghiệm được - mất trong cuộc đời; một Ca dao em và tôi mênh mang và sóng sánh hình ảnh, ý tứ nặng lòng với quê hương; một Huế thương ngọt ngào sâu lắng; một Em chọn lối này tươi vui réo rắt, mang âm hưởng dân ca Thái; một Thơ tình của núi ngọt lịm tình yêu của người lính biên phòng với cô gái bản ở vùng cao; một Chín bậc tình yêu rất duyên, từng làm cho nhiều người lầm tưởng đó là… dân ca vùng Tây Bắc.
An Thuyên là một trong những nhạc sĩ rất thành công khi sáng tác về Bác Hồ. Ca khúc Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác được ông viết trong nước mắt khi mới 24 tuổi, đang là cán bộ tuyên truyền văn hóa ở Nghệ An. Mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác lay động lòng người bởi giai điệu, lời ca dạt dào cảm xúc trong không gian văn hóa của làng quê Nghệ An. Mỗi lần nghe ca khúc này qua tiếng hát của Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, lòng người không khỏi rưng rưng thương nhớ. Trong dòng nhạc đỏ, bên cạnh Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, nhạc sĩ An Thuyên còn ghi dấu ấn với ca khúc Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đối với giới nhạc sĩ, An Thuyên là một hiệu trưởng tài hoa, tâm huyết, có rất nhiều đóng góp vào sự phát triển của Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên có công lớn trong việc phát hiện, đào tạo và chắp cánh cho nhiều tài năng trong lĩnh vực âm nhạc. Ông gắn bó với ngôi trường này từ năm 1992 (khi đó là Trường Nghệ thuật Quân đội) và giữ cương vị hiệu trưởng từ năm 1993 đến khi nghỉ hưu (2009).
Sống trong niềm đam mê âm nhạc và thành công trong sự nghiệp, nhạc sĩ An Thuyên là người hạnh phúc với nghề. Hai người con của ông cũng đi theo con đường nghệ thuật, đó là nhạc sĩ An Hiếu và ca sĩ - biên tập viên Bông Mai, cựu thành viên tam ca Con gái, đang làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam. Người bạn đời của ông là đạo diễn - nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm, một phụ nữ tuyệt vời.
Sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ An Thuyên khiến giới nhạc sĩ và người hâm mộ bàng hoàng, tiếc thương. Được biết, An Thuyên vừa trở về sau chuyến công tác tại Đức. Sáng 3/7, nhạc sĩ đến làm việc tại văn phòng Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (ông được bầu giữ cương vị chủ tịch hiệp hội này). Buổi chiều, trên đường đi làm, nhạc sĩ mệt và choáng do nhồi máu cơ tim. Ông gọi cho ca sĩ Bông Mai và được con gái đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội). Đến 16 giờ 20 cùng ngày, trái tim của nhạc sĩ tài hoa vĩnh viễn ngừng đập.
Nhạc sĩ An Thuyên ra đi, nhưng vẫn còn đó những Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi… mà mỗi khi cất lên lại dâng tràn biết bao cảm xúc. Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của đời sống. Nhạc sĩ tài hoa An Thuyên, dẫu có ra đi thì tác phẩm mãi còn ở lại, sống tiếp với tên tuổi ông trong cuộc đời này.
Thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên có tên khai sinh là Nguyễn An Thuyên, sinh năm 1949 tại Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V.
Từ nhỏ, An Thuyên đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc, mới 11 tuổi đã chơi đàn hay, thổi sáo giỏi. Năm 1967, ông làm việc tại Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội, hai năm sau thì trở thành nhạc công Đoàn Văn công khu IV. Từ năm 1981 đến 1988, An Thuyên được cử đi học tại Nhạc viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc, bậc đại học. Tốt nghiệp, ông làm việc ở Phòng Văn nghệ Quân đội. Năm 1992, ông chuyển về công tác tại Trường Nghệ thuật Quân đội…
Nhạc sĩ An Thuyên đã đoạt nhiều giải thưởng cao, như giải nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985 với ca khúc Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phổ thơ Quang Huy), giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng với hai ca khúc Hành quân lên Tây Bắc (1984) và Thơ tình của núi (1994), giải nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc: Khi xe tăng qua miền quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995), giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc Chín bậc tình yêu (1992).
Không chỉ thành công ở mảng ca khúc, nhạc sĩ An Thuyên còn sáng tác rất nhiều tác phẩm khí nhạc, nhạc phim, nhạc múa và viết nhạc cho hàng chục vở kịch nói, tuồng, chèo… Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc. |
YÊN LAN