Thứ Sáu, 24/01/2025 01:17 SA
Có một quê hương âm thầm chảy trong thơ Giang Nam
Thứ Năm, 02/07/2015 08:00 SA

Nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng - Ảnh: T.TRỰC

Nhà thơ Giang Nam nổi tiếng với thi phẩm Quê hương từ những năm 1960. Đến nay, Giang Nam đã có hơn 60 năm trọn tình với nàng thơ. Thơ Giang Nam vẫn mãi day dứt nồng nàn.

 

Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 2/2/1929 tại Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ông đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến cứu nước. Giang Nam từng giữ chức vụ Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Nhiều năm liền ông là Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh. Nhà thơ đã nhận Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001. Sau khi về hưu đến nay, Giang Nam sống tại nhà riêng ở số 46 Yersin, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

TỪ KHÁNH HÒA YÊU THƯƠNG

 

Giang Nam bắt đầu sáng tác thơ vào năm 1946. Khởi bút đầu đời là những câu ca dao viết về quê hương Ninh Hòa, nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Những câu thơ tuy đơn giản nhưng thể hiện được tình yêu quê hương của một người thanh niên 17 tuổi sớm bước vào con đường cách mạng. Năm 1948, Giang Nam chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng và cống hiến trọn đời mình cho đất nước. Một điều trùng khớp như mối nhân duyên là Giang Nam làm thơ cùng lúc với làm cách mạng, ông được xem là một trong những nhà thơ tiêu biểu của chiến trường Nam Trung Bộ.

 

Trước năm 1975, khác với một số cây bút viết về quê hương nổi tiếng như Hữu Loan, Vũ Cao, Tế Hanh, Lê Anh Xuân; quê hương trong thơ Giang Nam chính là vùng đất Khánh Hòa đậm nét, yêu thương. Đó là quê cha đất tổ, quê mẹ dấu yêu, nơi có rẫy lúa, nương khoai bên “Dòng Krông-nô nước phù sa cuốn đỏ”; nơi từng in kỷ niệm với “Con mương nước, gốc dừa xiêm, chiếc cầu tre gập ghềnh như sắp đổ”... Bức tranh quê đó đầy ắp màu sắc, ánh sáng và âm thanh khiến những ai từng đọc thơ Giang Nam đều rưng rưng một nỗi làng quê. Quê hương trong thơ Giang Nam còn in dấu những địa danh như: Phú Cốc, Vạn Giã, cầu Sông Cạn, sông Đồng Bò, dòng Cù Huân, đỉnh Ổ Gà, hòn Dữ, hòn Hèo, hòn Lớn, hòn Tre, Đá Bàn, Cửa Bé... Ở đó có cảnh đẹp biển Nha Trang bên “dòng thùy dương sóng vỗ rất hiền”.

 

Từ sau tháng 7/1954, Giang Nam được bố trí ở lại miền Nam đến sau ngày đất nước giải phóng. Dù thoát ly tham gia kháng chiến nhưng trái tim Giang Nam vẫn thao thức hướng về quê hương. Ngày rời xa quê, Giang Nam xúc động: Quê hương ơi, tạm biệt - Ta đi đây thôi nhé, ta đi đây! - Nhớ thương nhiều, từ bến nước đồi cây - Từ khung cửa, mảnh trời, từ góc vườn, đám bí” (Đi để trở về). Nhà thơ Vũ Nho từng phát biểu: “Con người bao giờ cũng có nhu cầu tình cảm, gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi miền đất đã hóa tâm hồn”. Có lẽ vì vậy mà trên suốt đường công tác, Giang Nam vẫn giữ cho mình một góc nhỏ quê hương.

 

ĐẾN HAI MIỀN NAM - BẮC

 

Ngoài vùng đất Khánh Hòa, hình ảnh quê hương trong thơ Giang Nam còn là tiền tuyến miền Nam, nơi nhà thơ gắn bó gần nửa cuộc đời. Chính không gian và bối cảnh chiến trường Nam Bộ đã giúp Giang Nam thể hiện tình yêu quê hương đất nước của mình trong thơ toàn diện và sâu sắc hơn. Các địa danh như Sài Gòn, Củ Chi, Long An, Bến Lức, Bến Tre, Cà Mau, Cửu Long, Thới Lai, Thạnh Phú… xuất hiện nhiều trong các tập thơ. Trong số những “vùng đất nhớ”, “dòng sông nhớ”, dòng sông Vàm Cỏ đã tạo cho nhà thơ có nhiều ấn tượng đẹp với những vần thơ khỏe, vui tươi và giàu sức sống: Ôi Vàm Cỏ, dòng sông bất khuất - Như Thu Bồn, như Cửu Long giang - Hai mươi năm, hai lần kháng chiến - Vẫn khỏe vui tưới mát cánh đồng (Qua sông Vàm Cỏ)...

 

Ngoài những địa danh, quê hương Nam Bộ, trong thơ Giang Nam còn là những con người chiến đấu kiên trung. Năm 1964, khi một đêm vượt Cửu Long giang đặt chân lên mảnh đất Bến Tre anh hùng, Giang Nam viết: Bến Tre ơi, Bến Tre - Quê hương chung của những người chiến đấu - Phú Túc, Thới Lai, Mỏ Cày, Thạnh Phú - Những tên xóm thôn mãi mãi sáng ngời (Đất anh hùng)…

 

Đọc thơ Giang Nam ta thấy không hề có hình ảnh của cá nhân, một quê hương riêng lẻ nào mà tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất nhà thơ đều dành trọn cả cho quê hương đất nước. Giang Nam đãdâng đời những thi phẩm mà người Nam Bộ nói riêng, người trong cả nước nói chung đều cảm nhận được và mến yêu.

 

Viết về miền Bắc, trước hết Giang Nam thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn của mình, của đồng bào miền Nam đối với dân quân ở miền Bắc kính yêu. Có thể đó là những chàng trai, cô gái dân công đã “giao lại mẹ, em ruộng mùa cày dở”, những đồng chí hải quân, pháo binh, công nhân ở ngoài kia phải “Súng khoác vai, ba lô nặng lên đường” theo tiếng gọi của tiền tuyến, phải “thức mấy trăm đêm”, phải “làm việc bằng hai” để toàn tâm toàn sức cho miền Nam. Giang Nam viết về họ với thái độ ngợi ca, cảm phục: Hoan hô các anh, những anh hùng rất trẻ - Hoan hô hậu phương dũng cảm tuyệt vời (Gởi miền Bắc). Trong không khí cả nước ra trận nên miền Bắc bấy giờ có không ít những cuộc tiễn quân. Người ra đi là những học sinh, sinh viên, những người lao động đã hăng hái tình nguyện vào chiến trường phía Nam chiến đấu. Họ ra đi với một khí thế hùng dũng như những đoàn quân giải phóng: Những chuyến ra đi xanh rờn lá ngụy trang - Sao trên mũ và tiểu liên quàng trước ngực - Những chuyến ra đi không bao giờ chấm dứt - Như sông Mã, sông Hồng cuồn cuộn phù sa (Những chuyến ra đi).

 

Chính Giang Nam đã từng tâm sự: “Thực tế bắt mình phải viết, không viết thì trong lòng thấy không yên. Nó như món nợ thiêng liêng mình phải trả với đồng bào, đồng chí, với bà con miền Bắc”. Suốt một đời cầm bút của mình, Giang Nam đã có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phim bi, phim hài
Thứ Ba, 30/06/2015 14:00 CH
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từ trần
Thứ Hai, 29/06/2015 17:02 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek