Mỗi vùng đất Việt đều có những loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng. Bài chòi là bộ môn nghệ thuật độc đáo không thể thiếu trong các lễ hội của người Nam Trung Bộ, để giải trí, thử vận hên xui trong năm…
Những ngày này, nhiều hoạt động cao điểm trong lộ trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang được triển khai.
Bài chòi - từ trò chơi phát triển thành một loại hình nghệ thuật trình diễn mang tính hài hước và kể chuyện, là một phong cách văn hóa đặc biệt riêng có của Việt Nam. Khi được ghi danh, di sản sẽ nhận được từ UNESCO một khoản tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để bảo vệ. Nhưng quan trọng hơn là sự nhận thức quốc tế về việc phục hồi ngành công nghiệp văn hóa. Tương lai của di sản phụ thuộc vào cộng đồng. (TS Seong Yong Park - Hàn Quốc) |
LẮNG TRONG ĐẤT ĐAI HỒN NHIÊN
Theo GS.TS Trần Quang Hải (Pháp), chưa ai xác định cụ thể thời điểm khởi nguồn của bài chòi. Có giả thiết, bài chòi do ông Đào Duy Từ (1571-1634) ở miền Bắc vào Bình Định phát triển từ kiểu “hát ống” của những người canh rẫy. Ấy là thuở khẩn hoang, việc trồng trọt thường bị thú rừng lấn phá. Bà con nông dân bèn dựng những chòi cao, kèm dàn âm thanh (trống, mõ, phèng la) để “trấn áp” thú hoang. Lúc nghỉ việc, bà con chế ra ống tre (một đầu bịt da ếch) rồi nối dây trò chuyện giữa các chòi. Nói suông cũng chán, bà con lấy ca dao “hát ống” đối đáp. Sau đó, ông Đào Duy Từ phát triển hệ thống thẻ bài thành trò chơi “đánh bài chòi”.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nghệ thuật bài chòi cũng kinh qua lắm thăng trầm, đúc kết. Từ giải trí trên rẫy đến trình diễn quy mô nhỏ (bài chòi chiếu, bài chòi rong) đến hội chơi bài chòi; từ bài chòi đất đến bài chòi giàn, rồi bài chòi diễn trên sân khấu; từ diễn xướng dân gian, một bộ phận đã chuyển thành loại hình sân khấu truyền thống mang tính chuyên nghiệp (ca kịch bài chòi). Dù sân vườn hay sân khấu, sức sống len lỏi của bài chòi với khung cảnh, chất giọng đặc trưng của người Trung Bộ luôn là một niềm yêu chuộng trong đời sống thôn dã, nhất là các dịp tết đến, xuân về.
TS Nguyễn Bình Định (Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam) cho rằng, xét về mặt giá trị nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể, bài chòi vừa mang tính trình diễn, vừa mang tính thực hành xã hội tổng hợp và mang đến cho công chúng (cùng tham gia) thưởng ngoạn đồng thời nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau (dân ca, thơ, trò diễn, chuyện kể, diễn tấu nhạc cụ…). Cũng diễn trích đoạn sân khấu nhưng khác với tuồng, bài chòi không có phông cảnh sân khấu và chỉ cần bộ quần áo thông thường. Đặc biệt, một người có thể đóng nhiều vai khác nhau một cách tự nhiên, gần gũi, dễ hiểu mà sâu sắc. Nghệ sĩ “chân đất” còn có thể ứng tác, độc diễn hồn nhiên tại chỗ - ấy là điểm độc đáo then chốt của nghệ thuật bài chòi dân gian.
Ví như trong hội đánh bài chòi, khó mà không vui nhộn với câu hô thai của anh Hiệu bằng giọng thổ âm Quảng Nam: “… Huớ anh ơi! Anh thương chi hung rứa để bốn cẳng giường nó rung rinh… Huớ là con Tứ Cẳng!”…
NHÌN BÀI CHÒI TỪ NHIỀU PHÍA
Theo nhà nghiên cứu Bountheng Souksavatd (Lào), bộ bài để đánh bài chòi chính là bộ bài tổ tôm - một trò chơi dân gian chỉ thấy ở Việt Nam. Còn nguồn gốc bài chòi rất gần gũi với nguồn gốc đàn tung lung (một nhạc cụ của người Xôn phầu Harak ở Nam Lào), bởi cũng xuất phát từ chòi canh thú rừng. Tuy nhiên, đàn tung lung không sáng tạo theo cách của bài chòi, tức là không đánh bài, không hát dân ca, không có vai trò của anh Hiệu mà chỉ chú trọng đến âm thanh, âm nhạc. Bởi người Xôn phầu Harak khác với người Kinh của Việt Nam là không có trò chơi đánh bài, không có nỗi buồn như những người Kinh trên đường di cư vào Nam khai khẩn…
GS.TS Yves Defrance (Pháp) nhìn thấy ở bài chòi có điểm chung với nghệ thuật truyền thống Âsiklik của những người hát thơ cổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là những người di cư từ cộng đồng này đến cộng đồng khác, sử dụng những đoạn thơ kể có phần ngẫu hứng dựa trên những câu chuyện truyền thống. “Thế nhưng nghệ thuật bài chòi có sự độc đáo, giá trị khác biệt. Sự ngẫu hứng của người nghệ sĩ được đẩy lên rất cao, cực kỳ phong phú và thú vị; mang tới đề tài trình diễn mà người dân quê mong đợi. Vì thế, bài bản bài chòi dựa trên lời ca văn học và những mô hình giai điệu khác nhau; cùng một vở diễn nhưng không bao giờ diễn giống nhau y chang. Bài chòi là một ví dụ hay về sự sáng tạo dân gian và sự đa dạng văn hóa trong những loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống ở Việt Nam”, GS.TS Yves Defrance nói.
HÙNG PHIÊN