Với 7 tác phẩm tham gia triển lãm, mỗi người một thế giới, sắc màu riêng, tài năng và tâm thế sáng tạo riêng, 4 họa sĩ Phú Yên đã mang đến thành phố mang tên Bác một luồng gió nghệ thuật mới mẻ và tươi mát.
Vừa rời không khí sôi động của Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 35, tôi lại được đắm mình trong một không gian văn hóa khác của quê hương ngay giữa lòng TP Hồ Chí Minh. Lần này không phải thi ca mà là hội họa. Một cuộc triển lãm hoành tráng do nhiều đơn vị của Phú Yên và TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại gallery của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh từ ngày 16 đến 25/3, quy tụ hơn 50 bức tranh của hơn 20 họa sĩ nhiều thế hệ, trong đó Phú Yên có 4 đại diện là Trần Quyết Thắng, Lê Đức Thắng, Nguyễn Hưng Dũng và Phan Văn Trọng, đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Tranh của 4 họa sĩ Phú Yên làm sống dậy trong tôi những ký ức đẹp đẽ về một thời tuổi thơ nắng gió và một thời tuổi trẻ mơ mộng. Tôi vốn sinh ra ở vùng biển Đông Tác, về sau lớn lên bên chợ Phú Đăng ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) nên 2 bức tranh sơn dầu Người bán cá của họa sĩ Trần Quyết Thắng gợi lại trong tôi những hình ảnh sống động về ngư dân mà từ lâu đã quên lãng. Từ biển cả, sông ngòi đến chợ búa là một hành trình “bán mặt cho nước bán lưng cho trời” của ngư dân, mà ở đây bằng tông màu sắc sảo đen vàng xám trắng, Trần Quyết Thắng đã tái hiện vẻ đẹp thầm lặng cô đơn và nặng trĩu mưu sinh. Tôi đặc biệt ấn tượng với bức Người bán cá 2 đầy ám ảnh về một phụ nữ trẻ với dáng vẻ suy tư và ánh mắt buồn chờ đợi. Đợi chờ khách mua mà cũng có thể lo lắng chờ đợi người thân đang đánh bắt nơi khơi xa với bao bất trắc, hiểm nguy. Đây là lần thứ hai tôi gặp lại tranh của Trần Quyết Thắng tại TP Hồ Chí Minh và mừng cho đồng hương có bước tiến xa trên con đường sáng tạo mỹ thuật.
Họa sĩ thứ hai xuất hiện tại triển lãm cũng tên Thắng, nhưng khác họ, ấy là Lê Đức Thắng, vốn là bạn học thời phổ thông với tôi ở Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa). Nhiều người biết anh là họa sĩ trình bày báo Phú Yên. Ngoài công việc báo chí, anh vẫn miệt mài sáng tác. Tôi dừng lại mê mải hồi lâu trước hai bức tranh Bù nhìn của Lê Đức Thắng. Những kỷ niệm thơ ấu đầu trần chân đất chợt ùa về trong tôi. Giữa đông người và tiếng dội ồn ào phố xá mà tôi tưởng mình đang tung tăng giữa đồng xanh hay lúa chín cùng những đàn chim từ núi xa bay về kiếm ăn trong nỗi sợ hãi trước những con bù nhìn. Đứng chơi vơi giữa trời bảo vệ mùa lúa chín tới, bù nhìn không chỉ làm lũ chim e sợ mà đôi lúc cũng làm con người giật mình. Hai bức tranh với hai gam màu sáng khác nhau, hai cung bậc và thông điệp khác nhau, Lê Đức Thắng mang lại vẻ đẹp bất ngờ về một hình ảnh giản dị, mà nếu không bước ra từ cánh đồng của người nông dân một nắng hai sương thì dẫu tài hoa đến mấy người họa sĩ cũng khó thể hiện được vẻ đẹp độc đáo ấy.
Tranh Người bán cá 2 của họa sĩ Trần Quyết Thắng |
Cũng đem đến triển lãm này 2 bức tranh nhưng họa sĩ Phan Văn Trọng lại sử dụng chất liệu bột màu với Múa và khắc gỗ Mẹ con. Nếu như tác phẩm Mẹ con mang sắc thái cổ điển của tình mẫu tử, với bầu sữa căng tràn sức sống của người mẹ trẻ dành cho con thơ, thì Múa tái hiện một không gian thẩm mỹ nhiều cung bậc của người dân tộc thiểu số, vừa hiện thực vừa kỳ ảo trong một bố cục chặt chẽ và lay động thanh âm. Có thể nói đây là kết quả của một họa sĩ kiêm nhà báo am hiểu đời sống văn hóa đa sắc của các dân tộc anh em. Đây cũng là thành quả đáng quý của Phan Văn Trọng, khi “lên rừng xuống biển” với công việc của một quay phim ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên và vẫn tranh thủ nuôi dưỡng đam mê cùng “nàng mỹ thuật”. Bức tranh Múa của anh cũng đánh thức trong tôi những chuyến đi Sơn Hòa, Sông Hinh, được sống trong không khí sinh hoạt vùng cao đẹp như sử thi.
Và cuối cùng là Nguyễn Hưng Dũng, họa sĩ lần đầu tôi biết mặt, nhưng đáng ngạc nhiên là quê nội của anh lại cùng thôn cùng xã với tôi ở tận Hòa Đồng. Nhìn vẻ bề ngoài của 4 họa sĩ thì trông Nguyễn Hưng Dũng có vẻ nghệ sĩ hơn cả. Bụi bặm từ tóc râu đến áo quần, dáng vẻ trầm ngâm lầm lũi ít nói, nhưng khi nói thì gương mặt rất tươi tỉnh. Tôi chưa từng có dịp thưởng lãm tranh của anh như hai đồng nghiệp cùng tên Thắng, nhưng qua phong cách ứng xử và tác phẩm sơn dầu Khiêu vũ triển lãm lần này, tôi cảm nhận đây là một họa sĩ có tài và khó tính trong nghệ thuật. Khác với cái vẻ “hiện thực” bụi bặm bề ngoài, tâm hồn của Nguyễn Hưng Dũng thể hiện qua tranh thiên về siêu thực, cách điệu, đa sắc đa thanh và đa tầng nghĩa, tưởng động mà tĩnh, tưởng tĩnh mà động. Khiêu vũ thanh thoát và biến ảo như cuộc đời vốn chuyển động và biến ảo không ngừng. Ngắm xong Khiêu vũ, tôi ước muốn sẽ có dịp được xem nhiều tranh của họa sĩ đồng hương này hơn nữa.
Mỗi người một thế giới sắc màu riêng, tài năng và tâm thế sáng tạo riêng, 4 họa sĩ Phú Yên đã mang đến cho thành phố mang tên Bác một luồng gió nghệ thuật mới mẻ và tươi mát. Đây cũng là dịp giúp người yêu hội họa ở thành phố này hiểu hơn nội lực văn hóa của người đất Phú. Họ xứng đáng là những nghệ sĩ “mang chuông đi đánh xứ người”.
PHAN HOÀNG