Nhân kỷ niệm 128 năm Ngày mất của Danh nhân lịch sử Lê Thành Phương (1887-2015), sáng 17/3, UBND huyện Tuy An tổ chức lễ rước linh Danh nhân lịch sử Lê Thành Phương từ mộ về đền thờ của ông ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp (huyện Tuy An) và cúng giỗ ông theo nghi thức cổ truyền.
Lễ rước linh Danh nhân lịch sử Lê Thành Phương - Ảnh: HOÀNG ANH |
Lê Thành Phương sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh (nay là thôn Mỹ Phú 1, thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An) trong một gia đình nho học giàu lòng yêu nước. Thi đỗ tú tài năm 30 tuổi, ông về quê mở trường dạy học. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Thành Phương đã đứng lên chiêu tập nghĩa quân Phú Yên dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương tổ chức và lãnh đạo ở Phú Yên là một bộ phận quan trọng của phong trào Cần Vương trong toàn quốc. Tháng 2/1887, Lê Thành Phương bị địch bắt. Vào ngày 20/2/1887, tức nhằm ngày 28 tháng Giêng năm Đinh Hợi, vì không dụ dỗ, mua chuộc được ông, tên việt gian Trần Bá Lộc đã ra lệnh xử tử ông tại bến Cây Dừa (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay). Di tích Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27/9/1996. Từ đó, cứ đến ngày 27-28 tháng Giêng hằng năm, huyện Tuy An và chính quyền xã An Hiệp tổ chức lễ tưởng niệm vị “Thống soái quân vụ đại thần” Lê Thành Phương, người con ưu tú của quê hương Phú Yên; tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: thi nấu cơm, thi cờ tướng, đi ba chân, đi cà kheo, kéo co nam - nữ, bóng chuyền, đẩy gậy nam - nữ để phục vụ người dân đến xem lễ hội.
HOÀNG ANH