Thứ Tư, 08/05/2024 05:44 SA
Dào dạt thơ ngân nơi tháp cổ
Chủ Nhật, 08/03/2015 14:00 CH

Như đã hẹn với xuân trên núi Nhạn, bạn thơ từ 10 tỉnh, thành phố hội ngộ về đây, giữa lồng lộng gió ngát trời mây. Dào dạt thơ ngân nơi tháp cổ trong say đắm ánh trăng và chứa chan tình. 

 

 
 Quang cảnh đêm thơ 16 tháng Giêng - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Sau đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 35, hội thi ca tiếp tục diễn ra trên đỉnh núi Nhạn (TP Tuy Hòa), với đêm thơ thắm tình bạn bè đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Mở đầu đêm thơ 16 tháng Giêng là thi phẩm Về lại cõi thơ của cây bút người Phú Yên Hoàng Nguyên Chương: “Ai đó có về bên cổ tháp?/ Gặp nhau hồi tưởng chuyện ngày xanh/ Dấu xưa còn để bao mùa nhớ/ Còn đọng đâu đây ở lá cành/ Tháp đứng lặng im mười thế kỷ/ Hôm nay dào dạt mối tình thơ/ Lắng nghe cõi mộng trong đời thực/ Dẫn lối tâm hồn một bến mơ…”.

 

Từng có rất nhiều năm gắn bó với đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên và tích cực quảng bá hoạt động văn hóa độc đáo này, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng (Khánh Hòa) tái ngộ khán giả yêu thi ca với thi phẩm Đến hẹn lại lên, viết về hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn. Lê Khánh Mai - nhà thơ nữ xứ trầm hương đã nhiều năm nặng tình với hội thơ trên đất Phú - gặp lại thi nhân với bài thơ Trở về.

 

Từ tỉnh kết nghĩa Hải Dương, các cây bút nơi đây đã đến với hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên bằng sự thắm nồng của tình anh em, tri kỷ. Gương mặt đã thân quen với những người yêu thi ca ở Phú Yên là nhà thơ Nguyễn Việt Nga. Từ khi giữ cương vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, chị đã nhiều lần về Phú Yên dự hội thơ và chia sẻ với khán giả những thi phẩm đầy cảm xúc. Trong đêm thơ 16 tháng Giêng, nhà thơ Việt Nga đọc bài thơ Trước đền thờ thầy giáo Chu Văn An, còn cây bút Thương Huyền - Chánh văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương - gửi nỗi niềm tâm tư trong thi phẩm Viết cho đêm ở biển.

 

Lần đầu tiên đến Phú Yên trẩy hội, nhà thơ Nguyễn Tú Nhã (Bạc Liêu) trải lòng với khán giả qua bài thơ Mưa nắng Bạc Liêu. Cũng là lần đầu tiên vượt hơn nghìn cây số đến Phú Yên dự hội thơ, nhà thơ - nhà báo Đặng Huy Giang (Hà Nội) - Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ những cảm xúc của mình và đọc bài thơ Như anh.

 

Xuân nào cũng trở về quê hương dự hội, nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng đọc bài thơ bi tráng Gió dựng thành lũy biên cương. Tình yêu quê hương đất nước và ý thức bảo vệ chủ quyền cồn cào trong những tác phẩm thơ của cây bút ra đi từ mảnh đất Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) và được anh thể hiện bằng góc nhìn khác biệt.

 

Từ xứ Huế mộng mơ, nhà thơ Ngàn Thương đến hội thơ Phú Yên với bài Bên tầng tháp cổ; hai nhà thơ Quảng Ngãi: Nguyễn Tấn Hải và Bích Khê góp mặt với Mùa xuân thương nhớ Làng em. Cây bút người Phú Yên Y Nguyên tái ngộ khán giả với Mùa - xuân - em, còn cây bút đồng hương Nguyên Ba có Lối quê với những câu thơ dung dị.

 

Không chỉ thưởng thức nhiều thi phẩm tràn đầy cảm xúc, đến với đêm thơ 16 tháng Giêng, khán giả còn đắm mình trong những ca khúc chứa chan tình đất, tình người. Xuân trước về Phú Yên dự hội thơ, nhà thơ Việt Nga có thi phẩm Thương lắm Phú Yên ơi. Thi phẩm này được nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang phổ nhạc và ca sĩ Thanh Huệ đã thể hiện bằng giọng ca ngọt ngào, tha thiết.

 

Một trong những điểm nhấn của đêm thơ 16 tháng Giêng là sự xuất hiện của nhạc sĩ Quỳnh Hợp trong vai trò ca sĩ. Chị đã phổ nhạc bài thơ Trưa tháp cổ của nhà thơ người Đà Nẵng Võ Kim Ngân thành ca khúc Hương trầm đâu đây và cất tiếng hát bên tháp Nhạn, mang đến cho người nghe những cảm xúc đặc biệt. Bên cạnh đó, giọng ngâm ngọt ngào của nghệ sĩ Ngọc Hà, Bích Trâm - những người có rất nhiều năm gắn bó với đêm thơ Phú Yên - đã lay động lòng người.

 

Đêm thơ 16 tháng Giêng - đêm của tình thơ, tình bạn bè - khép lại với ca khúc Hẹn nhau về xứ Nẫu (thơ: Nguyễn Nguy Anh, nhạc: Ngọc Quang) và bài thơ Đêm bè bạn của Huỳnh Văn Quốc. Tạm biệt không gian thơ đẫm ánh trăng trên núi Nhạn, bạn thơ bịn rịn chia tay và hẹn gặp vào Nguyên tiêu năm sau.

 

Nhà thơ Lê Khánh Mai (Khánh Hòa): Tôi rất vui, rất xúc động. Nhiều năm về Phú Yên dự hội thơ Nguyên tiêu, năm nào tôi cũng thấy rất thú vị.

 

Nhà thơ Nguyễn Bảo Giang (Hà Nội): Tôi rất bất ngờ khi thấy người dân Phú Yên yêu thơ, và hội thơ đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ. Tôi thấy rất thú vị và có cả chút đáng yêu nữa.

 

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp (TP Hồ Chí Minh): Lần thứ hai đến Phú Yên dự hội thơ Nguyên tiêu, cảm xúc của tôi vẫn vẹn nguyên như lần đầu, khi đứng dưới trăng bên tháp cổ. Đứng ở đây hát một bài hát về tháp cổ, tôi có rất nhiều cảm xúc. Không gian này đẹp vô cùng, rất thích hợp để tổ chức hội thơ. Cảm ơn những người đã giữ lửa cho đêm thơ Phú Yên qua 35 năm. Miền Trung cũng là đất thơ, và hội thơ dưới chân tháp cổ chính là điểm đến hấp dẫn những người yêu thơ, cũng là dịp để giới thiệu vẻ đẹp của đất và người Phú Yên với bạn bè khắp nơi.

 

Nhà thơ Phan Hoàng (TP Hồ Chí Minh): Chủ đề của hội thơ Nguyên tiêu năm nay tiếp tục hướng về biển đảo, hết sức có ý nghĩa. Tôi là người Phú Yên, được sinh ra bên biển, do đó trong đêm thơ Nguyên tiêu, tôi đọc Tiếng chuông chùa giữa đại dương - bài thơ gắn liền với biển đảo, với sự hy sinh của những người lính khi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông. Bài thơ tôi đọc trong đêm 16 tháng Giêng Gió dựng cột mốc chủ quyền nói về những chặng đường giữ nước của dân tộc với bao xương máu của tổ tiên ta, về sự hy sinh âm thầm của biết bao người dân Việt để bảo vệ đất nước mà chúng ta không được phép quên. Gió cũng là một trong những hình ảnh đẹp về Phú Yên. Người Phú Yên dù đi đâu cũng nhớ “cái gió chuyên cần và phóng túng”. 

 

YÊN LAN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek