Là nhà thơ, nhà biên kịch nổi tiếng, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hồng Ngát cả đời gắn bó với điện ảnh. Ở tuổi 65, người phụ nữ này vẫn bươn bả, tâm huyết với nghệ thuật. Sau khi rời công việc quản lý ở hãng phim của Hội Điện ảnh, bà mở hãng phim của riêng mình - HONGNGAT FILM để thỏa mãn sự “thèm làm phim”. Nhà biên kịch kỳ cựu, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh đã thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ của bà về “bức tranh” điện ảnh Việt.
* Những năm gần đây, một số đạo diễn phim truyện điện ảnh đã khai thác các đề tài mà trước kia coi là nhạy cảm, như đồng tính, mại dâm…, có người còn lật tung mặt trái của làng giải trí. Tác phẩm của họ đã thu hút sự quan tâm của công chúng và được giới chuyên môn đánh giá cao. Bà nghĩ gì về sự mạnh dạn đó?
- Trước hết, các đạo diễn đó rất dũng cảm. Bọn mình thì chuyên làm phim chính thống. Được đào tạo và sống bao nhiêu năm trong môi trường đó, nếp nghĩ của bọn mình chịu ảnh hưởng các thế hệ cha anh. Hơn nữa, bọn mình cũng đã lớn tuổi rồi, già rồi. Các bạn trẻ trong nước thì thích thể nghiệm, khai thác cái mới; các đạo diễn Việt kiều có sự táo bạo. Mặt khác, họ cũng rất may mắn khi hiện nay, cái nhìn đã cởi mở hơn. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, cuộc sống muôn màu và cái nhìn cởi mở cũng đồng ý cho phim ảnh muôn màu theo. Ngày trước thì khác, đang có chiến tranh, bảo vệ đất nước là nhiệm vụ tối thượng, điện ảnh cần phải ca ngợi cuộc kháng chiến và những anh hùng cách mạng. Nếu nói về những đề tài khác thì sẽ lạc điệu.
Đất nước hòa bình, phát triển, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường sản sinh ra nhiều thứ đáng báo động, cần phản ánh, lên án. Bây giờ đời sống muôn màu muôn vẻ; tác phẩm cũng muôn màu muôn vẻ. Mỗi đạo diễn có cá tính sáng tạo riêng, điều đó thể hiện trong phim của họ. Đạo diễn tinh tế thì phim của họ cũng tinh tế. Đạo diễn mạnh mẽ, dữ dội thì phim của họ cũng quyết liệt, dữ dội. Vấn đề là anh tiết chế như thế nào để người xem chấp nhận được và phải có thẩm mỹ. Sự tiết chế của đạo diễn rất quan trọng.
* Một số “làn gió mới” thổi vào phim truyện điện ảnh là từ những đạo diễn Việt kiều. Các hãng phim tư nhân cũng góp phần với những bộ phim không chỉ thành công về doanh thu mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều phim bị coi là “thảm họa”, thậm chí phim “thảm họa” còn ung dung tranh giải Cánh diều. Chung quy là tại ai, thưa bà?
- Lỗi trước hết thuộc về chủ phim và những người làm phim đấy. Là phó chủ tịch Hội đồng duyệt phim, tôi được xem rất nhiều phim trước khi chúng ra rạp. Đúng là có nhiều phim “thảm họa” nhưng nội dung không vi phạm gì cả thì không thể cấm được, bởi luật không quy định cấm phim thảm họa, phim không hay ra rạp (cười). Phim không hay thì khán giả đừng vào xem, vậy thôi. Và thật ra, khi duyệt cũng phải châm chước, vì các nhà đầu tư đã bỏ tiền tỉ để làm phim. Dù giàu chăng nữa, một đồng cũng là mồ hôi nước mắt. Cũng phải châm chước để họ - nếu không thu hồi được vốn thì cũng thu được một phần nào, rồi rút kinh nghiệm làm phim sau hay hơn.
Chúng tôi cũng rất thắc mắc, bảo tại sao không có quy định là phim thảm họa thì không được ra rạp, bởi vì nó gây mệt cho thẩm mỹ của người xem, nhất là các bạn trẻ, vì giá trị bị đảo lộn. Còn báo chí thì bạn biết rồi đấy. Những người lý luận phê bình điện ảnh cũng ngại viết vì ngại đụng chạm; người ta khen thì thích, chê là… thù nhau. Chỉ còn các nhà báo làm việc ở ban Văn học nghệ thuật điểm phim, giới thiệu phim. Nhiều khi phim dở nhưng viết hay, quảng cáo rầm rộ thì doanh thu rất lớn, còn phim nghệ thuật chưa chắc đã có khán giả đến rạp, khổ thế!
Người nghệ sĩ lúc nào cũng muốn làm những phim hay, có giá trị nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng để đi liên hoan, giới thiệu với các nước, chiếu lên không ngượng với bạn bè.
Trong mươi phim cũng có được một nửa là phim tử tế. Còn vài phim làm nhanh, làm vội, làm ẩu cho kịp chiếu tết để lấy tiền, họ đầu tư về thời gian, công sức lao động nghệ thuật chưa đủ độ.
* Mấy chục năm trước, một số nước trong khu vực không hề có tên trên bản đồ điện ảnh, bây giờ họ đã vượt qua mình, Hàn Quốc là một ví dụ. Có ý kiến cho rằng điện ảnh Việt Nam cần những cú hích lớn. Theo bà đâu là vấn đề then chốt?
- Tôi nghĩ cái chính là cởi mở về sự nhìn nhận, cởi mở trong sáng tạo, khi đề cập đến những vấn đề của xã hội. Chúng tôi là những người tự kiểm duyệt mình, tự biên tập tác phẩm của chính mình. Ví dụ viết đến đây, mình nghĩ rằng nếu dấn thêm chút nữa thì thể nào cũng bị cắt chỗ ấy, thế là lại thôi. Tôi nghĩ cứ để cho các nghệ sĩ sáng tạo đến cùng. Muốn ca ngợi cái tốt thì cũng phải phê phán đến tận cùng cái xấu.
Sự đầu tư cho điện ảnh cũng đừng thiên lệch. Bên cạnh việc đầu tư cho những phim ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tôi nghĩ cần phải có sự đầu tư cho mảng đề tài đương đại. Hai chân phải đều nhau thì bước đi mới vững. Cuộc sống đương đại bao nhiêu vấn đề, hầu như vẫn còn bị bỏ hoang. Cần động viên các nghệ sĩ lao vào những đề tài đương đại, những góc tối của của cuộc sống. Ví dụ: Làm phim về những vụ án lớn, bằng cái nhìn phê phán thì sẽ có những bộ phim có tính răn đe, ngăn chặn. Giống như bên y tế chỉ ra tận cùng tác hại của bệnh nọ, bệnh kia để người dân biết và phòng tránh, văn học nghệ thuật cũng cần phải thế.
* Xin cảm ơn bà!
YÊN LAN (thực hiện)