10 năm trước, có một đoàn tuồng được lập tại Phò An (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định). Đó là đoàn tuồng của một gia đình nghệ sĩ. Các thành viên trong gia đình này gắn bó với tuồng bằng tình yêu máu thịt, được truyền từ đời này sang đời khác.
Theo lời bà Lệ Hoa (tên thật là Trần Thị Quý) ở Phò An, bà mê bài chòi, hát bội từ khi còn nhỏ. “Hồi mới 10 tuổi, tôi thường theo mẹ đi xem hát rồi thuộc và bắt chước hát theo. Chiều chiều, bà con trong xóm nói: “Xuống đây nghe con Hoa hát bài chòi, hát bội”. Tôi thích hát nên xin mẹ cho đi tập hát”, bà Lệ Hoa kể.
Năm 1984, cơn bão lớn quét qua An Nhơn; một số gia đình bị sập nhà, trong đó có gia đình bà Lệ Hoa. Cuộc sống khó khăn, cô học trò lớp 10 đành nghỉ học ở nhà giúp mẹ và theo bà Thu Lương - vợ nghệ nhân tuồng Sáu Chinh - tập hát. Lớn lên, cứ như được trời sắp đặt, bà Lệ Hoa gặp ông Lưỡng (tên thật là Nguyễn Minh Toàn) - con trai của nghệ nhân bài chòi Hồng Lợi. Chung niềm đam mê, họ đến với nhau, nên vợ nên chồng và bắt đầu gắn bó với sân khấu.
Trước khi lập đoàn hát của gia đình, ông Lưỡng và bà Lệ Hoa từng tham gia Đoàn tuồng Trần Quang Diệu ở TP Quy Nhơn. Sau một thời gian, họ chuyển sang hát ở Đoàn tuồng Sông Côn, rồi An Nhơn 1. Yêu nghệ thuật truyền thống và mong muốn có một đoàn tuồng của riêng mình, ông Lưỡng bà Hoa chắt chiu dành dụm rồi vay mượn thêm của anh em bạn bè, đến năm 2005 thì lập Đoàn tuồng Nhơn Hưng. Ngoài 5 thành viên trong gia đình gồm vợ chồng bà Lệ Hoa, 2 cô con gái và con rể, Đoàn tuồng Nhơn Hưng còn thu hút một số giọng ca ở đất võ. Đoàn có 21 thành viên, tính cả nhạc công và hậu đài.
Người dân đất võ mê tuồng và tin vào tâm linh, vì vậy mà ông Lưỡng và bà Lệ Hoa không lo đoàn tuồng của mình vắng khách. Bà Lệ Hoa kể: “Tụi tôi diễn từ mùng 1 tết. Đầu năm, bà con coi hát vui xuân. Đoàn diễn thường xuyên từ tháng Giêng cho đến giữa năm ở vùng biển - nơi bà con ngư dân tổ chức lễ hội cầu ngư”.
Trong lễ hội cầu ngư, ngoài việc cúng tế, rước Ông Nam Hải và diễn xướng dân gian (hát bá trạo) thì hát bội là một phần không thể thiếu. Hát bội trong lễ hội cầu ngư được cư dân vùng biển Nam Trung Bộ gọi là hát án. Bà Lệ Hoa cho biết: “Mình ký hợp đồng hát án xong thì gọi điện báo cho anh em trong đoàn đi hát, cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con ăn nên làm ra, được mùa được giá. Ở đây, bà con mê tuồng và có niềm tin”.
Nghệ thuật tuồng mang đến cho người phụ nữ sinh năm 1968 này những giây phút thăng hoa trên sân khấu, khi hóa thân vào những nhân vật đặc sắc trong Thoại Khanh dắt mẹ qua non, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Đào Tam Xuân loạn trào… Bà Lệ Hoa thổ lộ: “Tôi rất mê tuồng nên theo nghề này. Và cũng nhờ nghề này mà cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, còn làm nông thì của ruộng đắp bờ chớ không có dư”.
Từ tháng 8 âm lịch, những suất diễn thưa dần. Mùa mưa, vợ chồng bà Lệ Hoa trở về với công việc đồng áng. Sau khi chăm sóc 4 sào ruộng, hai vợ chồng thả lưới bắt cá trên sông Gò Chàm ở phía sau nhà, rồi bà Lệ Hoa mang cá ra chợ bán. Vợ chồng bà và các diễn viên, nhạc công ở Đoàn tuồng Nhơn Hưng đợi đến mùa xuân...
Sinh ra và lớn lên trên đất võ nhưng bà Lệ Hoa chỉ biết võ trong nghệ thuật, qua các vai đào võ mà bà hóa thân. Niềm đam mê của bà là tuồng, là dân ca bài chòi. Niềm đam mê đó được bà và người bạn đời - Trưởng đoàn tuồng Nhơn Hưng - truyền cho các con gái. Chị Nguyễn Thị Kiều My - con gái thứ hai của ông Lưỡng bà Hoa, diễn viên Đoàn tuồng Nhơn Hưng - chia sẻ: “Tôi thích tuồng và dân ca bài chòi từ cái gốc của gia đình. Ông nội bà nội tôi hát và truyền dạy cho cha, cho cô bác trong nhà. Tôi được cha mẹ truyền dạy nên nối nghiệp cha mẹ”.
Nguyễn Thị Diễm Thi - con gái út của ông bà, đang học lớp 9 Trường THCS Nhơn Hưng - cũng rất mê tuồng và dân ca bài chòi. Ngoại trừ cô con gái Ý Nhi (từng là diễn viên ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn trước khi về với Đoàn tuồng Nhơn Hưng của cha mẹ), Kiều My và Diễm Thi thường cùng mẹ góp mặt trong các sân chơi văn nghệ ở địa phương, với những tiểu phẩm tự biên. Khi Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ II được Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), ba mẹ con bà Lệ Hoa hào hứng tham gia. Thi tài ở ba độ tuổi, mẹ con bà Lệ Hoa “rinh” hai giải nhất, một giải nhì.
Đam mê tuồng và dân ca bài chòi, gia đình bà Lệ Hoa đã tìm thấy niềm vui trên sân khấu, giữa cuộc sống tất bật, bon chen.
YÊN LAN