Với tiếng gõ búa quyết định của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, dân ca ví, giặm của Việt Nam được ghi vào danh sách di sản đại diện của nhân loại. Việt Nam có di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 được thế giới vinh danh.
CÂU HÁT TỪ RUỘNG NƯƠNG
Vào những năm tháng gian khó trước đây, câu ví, giặm của những người lao động cất lên giữa bao la ruộng nương, mênh mang sông nước nhằm tỏ bày tâm tư, tình cảm của họ với nhau, truyền cho nhau những thông điệp cụ thể trong đời sống thường nhật. Còn bây giờ, khi chuyển sang cách thức lao động mới, những thúng, mủng, giần, sàng... dần được thay bằng những đồ dùng công nghiệp hiện đại, vì thế không gian ví, giặm không còn vẹn nguyên như trước. Tuy nhiên dân ca ví, giặm xứ Nghệ không mất đi. Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm ở Hà Tĩnh - người đang sưu tầm và lưu giữ hàng chục làn điệu ví, giặm cổ - cho biết: “Người dân mình bây giờ rất thích dân ca. Có nhiều bài hát mới nhưng các cụ, các ông, các bác không thích. Họ đề nghị tôi làm cho họ một đĩa hát dân ca để họ nghe. Những người con Nghệ Tĩnh dù đi vào miền Nam, hay đi lao động ở nước ngoài nhưng những bài hát về quê hương, những bài dân ca họ vẫn rất thích”.
Không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm nay có nhiều đổi thay so với trước. Bên cạnh lời ca cổ trong hình thức thể hiện là những bài hát được sáng tác lời mới, trở thành 2 yếu tố thể hiện sự phóng khoáng và biến thể, dễ thích nghi của thể loại trong đời sống. Kết hợp với thái độ ứng xử hài hòa, tự nhiên của người dân xứ Nghệ, ví, giặm đang ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần, không chỉ của riêng người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà tất cả những người yêu mến những làn điệu mượt mà của dân ca ví, giặm.
TỰ HÀO TRỞ THÀNH DI SẢN
Với việc UNESCO ghi danh dân ca ví, giặm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, loại hình nghệ thuật này sẽ có những cơ hội to lớn để phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nói: “Quyết định tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về một loại hình dân ca được thực hành ở các làng quê, gắn bó với mọi việc của con người trong đời sống thường ngày”.
Giáo sư Trần Quang Hải, chuyên gia về âm nhạc truyền thống Việt Nam - người đã sát cánh cùng các cơ quan của Việt Nam trong việc xây dựng và đệ trình hồ sơ dân ca ví, giặm - xúc động cho biết: “Tôi rất sung sướng khi UNESCO công nhận thêm một loại hình âm nhạc của Việt Nam là di sản của nhân loại. Đây là niềm vinh dự và tự hào của dân tộc Việt Nam. Lời hát bộc lộ được những thể thiên phú của Việt Nam là lục bát, song thất lục bát, hay ngụ ngôn. Hát ví, hát vói, hát với, vừa hát vừa giặm, có nhiều tiết tấu, thoát ra một cấu trúc thể hiện sự phong phú dựa trên những thang âm ngũ cung, tức cung rất đặc biệt của âm nhạc truyền thống của Việt Nam”.
Theo nhiều chuyên gia về di sản, dân ca ví, giặm có sức sống mãnh liệt và là niềm tự hào của từng người dân xứ Nghệ. Ca từ của dân ca ví, giặm cũng đời thường và dung dị, do đó, công tác bảo tồn sẽ không gặp nhiều thách thức như các loại hình nghệ thuật hàn lâm, đòi hỏi sự tinh tế và cầu kỳ trong biểu diễn. Mặc dù vậy, cũng có một số khó khăn đối với dân ca ví, giặm như phải làm sao để vừa quảng bá, sân khấu hóa được di sản nhưng không đời thường hóa nó và phải làm sao để dân ca ví, giặm - vốn gắn bó chặt chẽ với phương ngữ xứ Nghệ - có thể lan tỏa ra bên ngoài, được hiểu và yêu thích bởi các cộng đồng khác.
Y.LAN (tổng hợp từ VOV)