Thứ Sáu, 07/02/2025 07:11 SA
Họa sĩ Chế Kim Trung: Sống hết mình với văn hóa Chăm
Thứ Ba, 07/10/2014 14:00 CH

Họa sĩ người Chăm Chế Kim Trung (SN 1971 tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Chị tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Sử - Mỹ thuật năm 1994, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2002 và hoàn thành chương trình cao học tại Thái Lan năm 2013, hiện giảng dạy tại Trung tâm Kỹthuật tổng hợp Hướng nghiệp và Dạy nghề TP Phan Rang (Ninh Thuận).

 

Họa sĩ Chế Kim Trung - Ảnh: C.T.V

Tranh của họa sĩ Chế Kim Trung thể hiện nhiều đề tài mang giá trị truyền thống, đặc biệt là các lễ hội dân gian, văn hóa tín ngưỡng của người Chăm. Những năm gần đây, chị là một trong những họa sĩ nhận được nhiều giải thưởng lớn ở khu vực và cả nước.

 

* Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Ninh Thuận đầy nắng và gió, chị đến với hội họa khi nào và vì sao lại chọn cái nghiệp này?

 

- Tôi đến với hội họa từ nhỏ. Lúc bấy giờ, tôi thường vẽ trên nền đất, vách tường và cọ vẽ là mảnh ngói, gạch vỡ hay một cành cây khô. Tôi chọn nghiệp này vì trong tôi có sự đam mê. Tôi luôn mong muốn có được kiến thức hội họa để thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ.

 

* Chị có thể chia sẻ niềm vui và thăng trầm trong những ngày mới vào nghề?

 

- Tôi thích làm việc, ham học hỏi. Niềm vui lớn nhất là tác phẩm đầu tiên Lễ trưởng thành của tôi được tham gia cuộc thi do Bộ VH-TT-DL tổ chức và đoạt giải thưởng. Đây là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu và sáng tác. Tuy nhiên, trong những ngày đầu bước vào nghề, tôi còn hạn chế về chuyên môn và tiếp cận thực tiễn. Thời điểm đó, tôi đang học tại Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm thứ nhất.

 

* Có người nhận xét rằng, sau những họa sĩ người dân tộc thiểu số tài danh như Chu Thị Thánh, Mai Sang, Đình Thắm, Đàng Năng Thọ, Thành Văn Sưởng, Chế Kim Trung đang trở thành một hiện tượng Chăm về hội họa. Chị nghĩ sao về sự nổi tiếng này?

 

- Qua quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật ở lĩnh vực mỹ thuật, có người nhận xét rằng, sự kế thừa của tôi trở thành một hiện tượng Chăm về hội họa. Tôi rất vui về điều này, và đây cũng chính là sự cố gắng, nỗ lực, chịu khó, miệt mài của bản thân gắn với những kiến thức học tập trong nhà trường, ở trong nước, ngoài nước và trong thực tiễn. Đồng thời đó cũng là sự đam mê, yêu nghệ thuật của dân tộc mình, một nền văn hóa mang bản sắc truyền thống, đặc sắc, rực rỡ.

 

* Là người Chăm, chị chỉ chuyên tâm sáng tác về những giá trị văn hóa của dân tộc mình?

 

- Đúng thế. Tôi là người Chăm, sống trong môi trường văn hóa của cộng đồng Chăm nên có điều kiện thuận lợi để chuyên tâm sáng tác về những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Giá trị đó bao gồm văn hóa vật thể, phi vật thể được lưu giữ ở quê hương như kiến trúc, các lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, cuộc sống sinh hoạt đời thường.

 

* Những tác phẩm nào của mình mà chị ưng ý nhất? Đâu là niềm vui được thể hiện trong từng tác phẩm của mình?

 

- Trong những tác phẩm mà tôi sáng tác, tác phẩm nào tôi cũng ưng ý bởi mỗi tác phẩm nó thể hiện những ý nghĩa và nội dung khác nhau. Riêng tác phẩm Sắc màu lễ hội Katê Chăm với kích thước rất lớn, dài 6,8m, rộng 1,6m, đã đoạt giải A chuyên ngành Mỹ thuật năm 2013 của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2013, tôi ưng ý và vui nhất.

 

Tranh sơn dầu Làng chăm ơn Bác của họa sĩ Chế Kim Trung - Ảnh: Đ.T.TRỰC

 

* Ngoài việc là một giáo viên giỏi, chị có nghĩ mình là một họa sĩ chuyên nghiệp?

 

- Tôi đang giảng dạy trong ngành Giáo dục. Là một giáo viên, tôi cảm thấy tự hào và yêu thích công việc mang những kiến thức chuyên môn truyền đạt cho thế hệ trẻ. Môi trường này càng tạo điều kiện cho tôi trong hoạt động sáng tác để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp.

 

* Được biết chị đã có một phòng tranh từ nhiều năm nay, vừa bảo vệ xong luận văn cao học chuyên ngành Nghệ thuật thị giác tại Thái Lan và đang dự kiến xây dựng một không gian văn hóa nghệ thuật Chăm tại quê hương mình?

 

- Đó là mong ước của tôi. Tôi đang xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.

 

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

 

ĐÀO TẤN TRỰC (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek