Thứ Sáu, 07/02/2025 10:08 SA
Sông Hinh - quê hương của sử thi
Chủ Nhật, 05/10/2014 14:00 CH

Người dân Sông Hinh đang bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống. Trong ảnh: Biểu diễn cồng chiêng trong một lễ hội địa phương - Ảnh: L.MINH

Tôi đã nhiều lần về với Sông Hinh, khi trên mảnh đất này mới hình thành địa danh hành chính của một huyện trẻ nhất trong các huyện thị của Phú Yên.

 

Khi thì tôi đến Sông Hinh để tham dự liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc tỉnh Phú Yên (lần thứ I), khi thì dự lễ khởi công công trình thủy điện Sông Hinh cùng đoàn phóng viên Báo Văn hóa thường trú ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có lúc lại đến cùng đoàn công tác của nhạc sĩ Lương Nguyên - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UBND huyện Sông Hinh tổ chức chương trình “Làng vui chơi làng ca hát” bên bờ hồ Sông Hinh ngày ấy, có lúc cùng nhạc sĩ Văn Chừng (quá cố) và nhạc sĩ Tuấn Kiệt đi sáng tác, viết lời giới thiệu cho tập ca khúc về Sông Hinh cuối năm 1995.

 

Thấm thoát đã 30 năm trôi qua! Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn nơi vùng đất lịch sử, phía tây Phú Yên này. Tôi nhớ mãi lần đi cùng nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm) - nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên và ông Bùi Tân (bút danh Xuân Tính) - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên. Trở về sau chuyến thăm buôn Bầu (xã Ea Trol), tôi đã viết bài “Gặp tác giả bài thơ Cô gái vót chông”. Đó là nhà thơ Lô Mô Y Choi (người Ê Đê), tác giả bài thơ mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Nếu không có chuyến đi về bên bờ Sông Hinh, làm sao tôi có dịp gặp nhà thơ Lô Mô Y Choi, hiểu được tâm sự của tác giả và hình ảnh cô gái bên sông Ba anh dũng, kiên cường, hiến dâng tuổi thanh xuân cho mùa xuân đất nước… “Chim hót không hay bằng tiếng hát em” - tiếng hát ấy mãi mãi âm vang cùng lịch sử.

 

Miên man với ký ức, ngược dòng thời gian trở về những ngày đã qua của Sông Hinh chính là điều tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc về mảnh đất đầy quyến rũ này - mảnh đất mà Giáo sư - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian giàu kinh nghiệm Phan Đăng Nhật, nhà Folklore học của Việt Nam gọi đó là quê hương sử thi, vùng đất cội nguồn, nơi sản sinh ra trường ca Đam San - Xinh Nhã. Trường ca này là một tác phẩm văn hóa dân gian lớn, bộ sử thi đồ sộ trong kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam. Công trình nghiên cứu sử thi Tây Nguyên đồ sộ với gần 1.000 bộ sử thi được công bố vào năm 2000, do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện. Giáo sư Phan Đăng Nhật khẳng định vùng đất Sông Hinh là quê hương của các bộ sử thi đồ sộ, có giá trị văn hóa rất cao. Về Sông Hinh cách đây gần 15 năm, tôi có dịp cùng Giáo sư Phan Đăng Nhật đi khảo sát một số xã phía nam và phía tây huyện này, giáp ranh với huyện M’Drắk (Đắk Lắk), vùng phụ cận của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Lúc đó tôi mới hiểu hết giá trị văn hóa của vùng đất này.

 

Theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu Folklore học, Phú Yên có gần 100 bộ sử thi, trong đó huyện Sông Hinh có khoảng 1/3 trong tổng số các bộ sử thi ấy. Đặc biệt, Sông Hinh là nơi khởi nguồn của trường ca Đam San - Xinh Nhã - bộ sử thi đồ sộ, quý hiếm của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, sử thi A Ma Wứ, Đam pư chặt đọt măng, Mrông Tung. Những bản sử thi này do nghệ nhân Ksor Y Tốt (Oi Bôn), người Ê Đê ở buôn Ma Sung (xã Ea Bia) thể hiện. Nghệ nhân Oi Đức, người Ê Đê ở buôn Đức (xã Ea Trol) nhớ thuộc và trình bày được các sử thi: Xinh Nhã, Đăm Ri, Đam San tuốt lúa, Đăm Ri đi săn… Nghệ nhân Ni Ê Y Dú (Oi Lắt) người Ê Đê ở buôn Ly (xã Ea Trol) nhớ toàn bộ sử thi Xinh Nhã, Anh Y Brao, Ây Ong Khan Y Ú… Qua lần khảo sát, điền dã, tìm hiểu về văn hóa truyền thống nơi đây, chúng tôi thấy Sông Hinh có vài chục nghệ nhân có vốn sử thi vô cùng phong phú. Nhiều nghệ nhân tuổi đã cao (sinh năm 1923); người trẻ tuổi nhất sinh năm 1957. Tôi chạnh lòng nghĩ đến một ngày nào đó, các nghệ nhân về bên kia thế giới, đem theo những bộ sử thi - tài sản vô giá của đồng bào Ê Đê, Ba Na, Chăm…, thật tiếc vô cùng! Nhiều năm nay, các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đã khai thác “vốn liếng” của các nghệ nhân nhằm lưu giữ vốn văn hóa quý báu đó.

 

Sông Hinh là quê hương của sử thi, điều đó hoàn toàn có cơ sở. Di sản để lại là các bộ sử thi được lưu truyền qua các nghệ nhân, những bộ cồng chiêng, đàn đinh kput, ché trúc, ché tang… Các nghệ nhân hiện còn sống có thể gọi là “báu vật sống” của núi rừng Sông Hinh. Cùng các làn điệu dân ca, dân vũ, kho tàng văn hóa dân gian huyện Sông Hinh đã và đang được khai thác; các lễ hội đã được khôi phục, bảo tồn trong nhiều năm qua… nhằm gìn giữ, phát huy tài sản vô giá của mảnh đất miền Tây Phú Yên.

 

30 năm đã trôi qua, bao đổi thay nơi mảnh đất này, bao chương trình mục tiêu xóa đói giản nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào ở các thôn buôn được triển khai, bao chương trình đưa thông tin về cơ sở… Bên cạnh những kết quả đạt được, đời sống của người dân ở các buôn làng xa vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bảo tồn, phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống chính là góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân.

 

HỮU BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek