Trong quý II/2014, nhà văn Trần Quốc Cưỡng đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Khúc biến tấu dã tràng. Đây là cuốn thứ 8 của anh được xuất bản, nhưng lại là cuốn đặc biệt, có sự bứt phá về thể loại từ chính anh, đó là truyện dài.
![]() |
Bìa sách “Khúc biến tấu dã tràng” |
Truyện được chia làm hai phần: phần I - Mùa biển động và phần II - Biển lặng trời yên. Sách dày gần 200 trang. Truyện được viết theo kiểu truyền thống là cấu trúc tuyến tính - kể theo cách có đầu có cuối, thứ tự lớp lang.
Cũng như một số tác phẩm dài hơi khác, khi bắt đầu đọc Khúc biến tấu dã tràng có thể bạn đọc thấy chưa có gì thực sự cuốn hút, dễ gấp sách lại để đi làm việc khác. Nhưng qua hơn 30 trang đầu, có cái gì đó níu giữ ta đồng hành đến cuối truyện cùng tác giả. Đó chính là vốn sống ở làng biển thông qua số phận của các nhân vật. Đó là những Xẩm, Dĩ, Thệ, Loan, Lô, ba Xẩm, mẹ kế và “mẹ kế hụt” của Xẩm, Tám Mựng…
Là nhân vật chính của truyện, Xẩm có tuổi thơ hiu hắt. Mẹ mất sớm. Cha nghiện rượu. Xẩm bám quê biển, thông minh nhưng đói ăn và cả… đói học. Ấy là số phận của cậu bé, cũng như của đa số trẻ em khác ở làng chài. Hoàn cảnh sống của nhân vật cũng ảnh hưởng rất lớn đến số phận của họ:
“Xẩm, Lô, hay Loan nếu sinh ra ở môi trường khác, chưa chắc đã thiếu cái chữ, thiếu sự chăm sóc của ba mẹ. Làm thay đổi nếp nghĩ của một người đã khó, nói chi thay đổi quan niệm sống của cả một làng chài từ đời này sang đời khác tự nguyện gắn chặt số phận của mình vào chài lưới, thuyền bè”.
Diễn biến tâm lý của nhân vật được tác giả phân tích khá sắc nét. Khi Xẩm bị đè nén bởi cha ruột và mẹ kế “mèo mả gà đồng”, cậu đã có cái nhìn ác cảm với họ, cũng hả hê khi họ bị “trừng phạt” bởi sự giằng xé lẫn nhau; nhưng rồi cậu lại chạnh lòng trước nỗi khổ tâm của họ, không hẳn vì lòng bao dung trắc ẩn mà vì số phận của họ gắn chặt với số phận mình:
“Xẩm ngồi bó gối ở một góc nhà. Cậu hả hê khi người mẹ kế nanh nọc bị no đòn, nhưng cũng ái ngại cho cuộc sống gia đình trong những ngày sắp tới, cậu sẽ bị cuốn lây trong sự hỗn loạn của người lớn. Một khi người lớn đã lao vào nhau để cấu xé thì con nít cũng bị vạ lây. Những vết rạn vỡ của gia đình là những vết hằn không thể xóa nhòa trong tâm hồn trẻ nhỏ”.
Cách miêu tả nhân vật của Trần Quốc Cưỡng khó “đụng hàng” với tác giả khác khi văn anh có mối liên hệ với đời sống nông - ngư nghiệp mà không phải ai cũng có được, nó tạo ra nét độc đáo cho nghệ thuật xây dựng nhân vật của riêng anh.
Có những nhân vật “vãng lai” nhưng qua ngòi bút khắc họa của tác giả, bạn đọc sẽ khó lòng quên được họ:
“Đoàn hát bội cầu ngư, các diễn viên không còn trẻ. Mới hồi trưa họ còn mặc quần soóc, áo cánh, ngồi đánh cờ tướng, da mặt người nào trông cũng thô ráp vì dùng nhiều mỹ phẩm loại rẻ tiền. Các diễn viên nữ thì nhẩn nha dọc bãi biển hòa lẫn trong đám dân làng chài, nhưng đến giờ hát, họ trở thành vua, hoàng hậu, công chúa với trang phục rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu. Bãi biển dài, rộng trở thành tấm thảm cát êm ái phục vụ vô tư cho hàng ngàn khán giả mộ điệu tuồng cổ”.
Ở một khía cạnh khác, thói xấu của nhân vật, hay nói khác hơn là loại nhân vật “đóng vai ác” cũng được tác giả nhìn nhận đầy lòng thương cảm, bởi qua cái nhìn của tác giả thì họ không phải hoàn toàn là “đồ bỏ đi”, thậm chí thông qua họ mà giá trị của “vai thiện” được nổi bật. Phải nói, Khúc biến tấu dã tràng được viết từ cái tâm thấu hiểu đời sống còn nhiều khó nhọc của dân làng chài mà không phải ai cũng thấy được:
“Những con thuyền sừng sững hơn hai phần ba là tiền của ngân hàng. Ngư dân hăm hở cõng nợ ra khơi, nhưng tưởng chừng như sang trọng lắm. Biển rộng mênh mông, nhưng không đủ chỗ cho người ta giăng lưới, mới nghe qua thật giống chuyện khôi hài”.
Vốn sống phong phú về thiên nhiên, về con người vùng ven biển của tác giả đã cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn cảnh đời sống ở đây. Từ các loại cây trái hoang dại vùng gió cát như măng dương, dứa dại, xương rồng... đến các mùa lễ hội như hát lăng, cầu ngư... đều cho thấy đằng sau vẻ nghèo khó của một làng chài là một sức sống bền bỉ và không kém phần lãng mạn!
Gấp lại cuốn sách, tôi vẫn cứ ám ảnh bởi câu ca dao được tác giả lồng vào truyện: “Chồng nghèo nghề ruộng em theo/ Chồng giàu nghề biển hồn treo cột buồm”.
Đọc để hiểu hơn về người và biển ở một vùng đất, nhất là trong bối cảnh nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, ta cảm ơn tác giả đã dày công đưa ta về với những giá trị thẳm sâu của tình người cho dù họ đang ở trong môi trường nào, cảnh ngộ nào...
__________
(*) Tập truyện dài của Trần Quốc Cưỡng, NXB Lao Động, 2014.
HUỲNH VĂN QUỐC