Người Ê Đê khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống thì vẻ đẹp đặc trưng của tộc người thiểu số này càng được tôn vinh. Để có được tấm thổ cẩm hoa văn tinh tế ấy là nhờ bàn tay khéo léo, miệt mài của các mẹ. Có dịp về thôn Đoàn Kết (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa), tôi được nghe bà Nay Hờ Phun kể câu chuyện thú vị xung quanh khung dệt vải của người Ê Đê.
Mí Tuynh đang dệt sợi - Ảnh: T.DIỆU |
Bà Nay Hờ Phun đã ngoài 70 tuổi, người dân trong thôn vẫn gọi là Mí Tuynh (mẹ của Tuynh - người con gái đầu lòng). Năm 18 tuổi, bà có thể tự tay dệt được tấm vải đầu tiên.
Cũng như bao đứa trẻ khác, thuở nhỏ cụ bà thường ngồi coi mẹ dệt vải, rồi dần dà biết quay sợi, dệt vải. Năm 18 tuổi, Mí Tuynh biết dệt trang phục truyền thống từ mớ sợi mà ai vừa thoạt nhìn chỉ thấy rối như tơ vò. Mí Tuynh bảo rằng, con gái trong buôn đều đến tuổi đó mới dệt được vải.
Theo cụ bà Nay Hờ Phun, từ xưa, theo phong tục của người Ê Đê trong lễ hỏi cưới, nhà gái phải sắm lễ vật mang đến nhà trai, ngoài trâu bò còn có quần áo, chăn đắp cho người lớn của gia đình chồng. Đây cũng là yếu tố chính góp phần giúp cho người con gái có động lực để học dệt vải. Thế nhưng hiện nay, lễ vật thường được thay thế bằng tiền, vì thế nghề dệt thổ cẩm càng không được các cô gái Ê Đê trẻ tuổi quan tâm nhiều. |
Bên góc nhà, Mí Tuynh cột chặt hai đầu sợi dây thừng vào hai cái cột nhà. Mí Tuynh ngồi bệt dưới sàn nhà trong tư thế thoải mái nhất và khoảng cách sợi dây thừng với sàn nhà vừa vặn với tầm nâng tay khi mí đang ngồi. Mí Tuynh có tất thảy 5 cái sa dùng để quấn sợi, được làm bằng gỗ lõi, đã “lên nước” bóng nhẫy. Theo lời mí, tuổi mỗi cái sa quấn sợi cũng đã ngoài 60 mùa rẫy. Màu đen chiếm vị trí chủ đạo trong mảng màu trang phục cũng như các vật dụng được dệt của người Ê Đê nên sa quấn sợi đen cũng nhiều hơn hết trên khung dệt. Bên cạnh đó, trên khung dệt còn có các sa quấn sợi đỏ, sợi trắng, sợi vàng được “dặm” thêm để tạo điểm nhấn, hoa văn tăng thêm phần sặc sỡ cho trang phục.
Mí Tuynh ngừng tay, nói: “Bây giờ mua sợi dệt dễ rồi, ra chợ là có. Cuộn sợi đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng… lại thêm tua rua đủ kiểu nên bộ trang phục dệt cũng rực rỡ hơn trước đây”.
Mí Tuynh đứng lên vào trong nhà mang ra bộ quần áo được dệt từ sợi làm thủ công, se từ vỏ của một loại cây rừng. Cây gì Mí Tuynh cũng không biết tên của nó, chỉ biết là hồi nhỏ theo người lớn đi lên rẫy có nhìn thấy, bây giờ không thấy cây này nữa. Phải qua nhiều công đoạn từ việc tước vỏ cây thành sợi đến se sợi, rồi nhuộm đen sợi vải, rất kỳ công. Đến bây giờ Mí Tuynh vẫn còn để dành nửa bao sợi chưa dệt thành phẩm. Điều đặc biệt là những cuộn sợi thủ công này được se cách đây hơn 20 năm, sợi vải vẫn bền và màu đen nhánh không bị phai, bất chấp thời gian.
KBá Hờ Trí, cô cháu nội của cụ bà nhanh nhảu cầm cuộn sợi thủ công và cuộn sợi mua ngoài chợ so sánh: “Cuộn sợi do bà nội tự làm có sợi vải thô hơn nên khi dệt lên thành trang phục, dùng tay sờ vào cảm giác thô ráp hơn. Sợi mua ở chợ mềm hơn, màu sắc sặc sỡ hơn, nên khi dệt thành trang phục nhìn mềm mại, bắt mắt hơn. Trang phục dệt từ sợi tự làm chắc chắn, mặc bền hơn nhiều so với sợi mua ở chợ, nhưng giờ hiếm lắm, rất ít người có, nhất là người trẻ tuổi như em”.
Bây giờ, ít ai mặc đồ truyền thống trong ngày thường, một phần do quần áo bán ở chợ vừa rẻ, vải mỏng mặc vào không nóng nực, lại tiện lợi, trong khi trang phục truyền thống lại dày, không thích hợp, nhất là vào mùa nóng. Mí Tuynh buồn buồn nói: “Lũ nhỏ đi học nên cũng không có thời gian ngồi xem các bà, các mẹ dệt vải. Quần áo ra chợ mua là có nên tụi nó cũng không quan tâm tới chuyện học cách dệt truyền thống. Thế nhưng trong các lễ hội truyền thống của người Ê Đê như: lễ mừng nhà mới, cúng lúa mới, bỏ mả… ai cũng không quên mặc trang phục truyền thống, vẫn giữ được nét riêng của tộc người Ê Đê”.
Chị Nay Hờ Ly, Phó chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đoàn Kết cho biết: “Trang phục do cụ bà Nay Hờ Phun dệt, được nhiều người trong thôn khen là tinh xảo. Trong số các con cháu của bà, cũng có chị biết dệt và dệt đẹp. Đây là điều đáng quý. Tuy nhiên, trong thôn bây giờ cũng chỉ còn những người già là biết dệt. Lũ trẻ trong thôn vẫn có trang phục truyền thống mặc trong lễ hội nhưng là mua ngoài chợ, chỉ sợ khi lớp người già mất đi thì nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng mai một theo”.
DIỆU ANH