Đêm biểu diễn nghệ thuật trình Tổ Sân khấu vào tối 5/9 (nhằm ngày 12/8 Âm lịch) tại khu phố Phú Thọ (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) không chỉ chứng minh lòng yêu nghề của các nghệ sĩ sân khấu mà còn mang đến cho khán giả nơi đây một “bữa tiệc” âm nhạc giàu bản sắc. Người mộ điệu được đắm mình trong các làn điệu dân ca, nhạc cổ.
Đêm văn nghệ diễn ra vào tối 5/9 do Hội VHNT tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng VH-TT huyện Đông Hòa, Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức, chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ V, Giỗ Tổ Sân khấu năm 2014, ra mắt điểm truyền dạy dân ca, nghệ thuật truyền thống và Đại hội thành lập Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tỉnh Phú Yên. |
Sân bãi ở khu phố Phú Thọ nhanh chóng thu hút đông đảo của bà con khi phông màn sân khấu được treo lên. Tiết mục Rủ nhau đi đánh bài chòi do các thành viên CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa trình bày đã mở màn đầy ấn tượng cho gần 20 tiết mục biểu diễn của các nhóm đàn ca nhạc cổ khác. Tối hôm đó, các hạt nhân văn nghệ trong CLB này mang đến cho khán giả 3 tiết mục dân ca bài chòi đặc sắc. Người mộ điệu nhanh chóng nhận ra các làn điệu quen thuộc của bài chòi.
Bà Nguyễn Thị Lệ ở khu phố Phú Thọ 3 (thị trấn Hòa Hiệp Trung) chia sẻ: “Lâu rồi mới nghe lại dân ca bài chòi. Tôi thương quá các làn điệu xàng xê, cổ bản trữ tình, tự nhiên nhớ lại cái hồi bài chòi còn phổ biến và chúng tôi đi chơi đánh bài chòi mỗi dịp xuân về sao mà vui quá!”.
Trong đêm biểu diễn nghệ thuật trình Tổ có sự tham gia của giới mộ điệu đất Phú. Điểm sinh hoạt của CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa tại khu phố Phú Thọ ra mắt người yêu dân ca với vai trò khác nữa là điểm truyền dạy dân ca, nghệ thuật truyền thống. Đây là một sự kiện có ý nghĩa mà Chi hội Sân khấu (Hội VHNT tỉnh Phú Yên) và Phòng VH-TT huyện Đông Hòa đã nỗ lực trong việc góp phần phổ biến các làn điệu, phát huy vốn văn hóa cổ truyền sâu rộng trong quần chúng. Nghệ nhân Bình Thảng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trực tiếp truyền dạy dân ca bài chòi cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật này.
Đêm văn nghệ nhằm chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ V và Giỗ Tổ Sân khấu năm 2014, vì thế mà các nghệ sĩ, diễn viên nô nức về đây, dâng lên câu hát điệu nhạc xưa, thể hiện lòng tôn kính đối với Tổ nghiệp. “… 12 tháng 8 hằng năm/ Chúng con cùng nhau/ Nhắc nhở cội nguồn/ Nghề tổ đã trao truyền/ Phải trau dồi phát huy/ Các bậc tiền bối đã dạy khuyên/ Phải sống thương yêu tha thứ khiêm nhường/ Đi chung trên một con đường/ Nghệ thuật diễn tài truân chuyên/ Nhớ rằng nhất tự vi sư/ Người dạy ta một chữ cũng là thầy/ Hơn chữ nghĩa đong đầy/ Không thầy đố mày làm nên…”. Đó là một trích đoạn trong câu vọng cổ Dâng lên tổ nghiệp do Hà Mỹ Xương - nhóm Đờn ca tài tử Bảy Cảnh (huyện Đông Hòa) trình diễn.
Hà Mỹ Xương chia sẻ: “Tôi yêu thích các làn điệu dân ca, cổ nhạc. Cũng như bao diễn viên khác, tôi về đây dâng nén hương, hát câu hát tỏ lòng tôn kính đến Tổ nghề. Tôi rất xúc động vì bà con ở khu phố Phú Thọ rất thích nghe dân ca. Tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả chính là động lực để tôi cố gắng trau dồi nghề nghiệp, tiếp tục cống hiến để tiếng hát chạm tới tim khán giả”.
![]() |
Biểu diễn trích đoạn tuồng “Chung Vô Diệm” - Ảnh: D.ANH |
Quả là thiếu sót nếu nói về đêm văn nghệ mà không nói đến trích đoạn tuồng Chung Vô Diệm đổi lớp trong vở tuồng cổ Chung Vô Diệm của CLB Nghệ thuật Tuồng truyền thống 10/5 (huyện Phú Hòa). Đám trẻ con chạy rần rần lên sát sân khấu để xem cho rõ các diễn viên hát. Chúng tò mò về cách hóa trang đặc biệt, cách hát diễn ra điệu ra bộ khác biệt.
Em Ngọc Minh ở khu phố Phú Thọ, nói: “Đây là lần đầu tiên em xem hát tuồng trên sân khấu thật sự. Các diễn viên trang điểm rất đậm, vừa hát vừa diễn, điệu bộ rất dứt khoát. Nhưng em nghe không hiểu được nội dung của đoạn trích”.
Cũng dễ hiểu cho những ai chưa tiếp xúc với tuồng, môn nghệ thuật đòi hỏi phải có một vốn kiến thức nhất định mới lĩnh hội được cái hay, cái đẹp. Đây cũng chính là điều trăn trở lớn của các nhà quản lý văn hóa ở Phú Yên trong việc tìm cách đưa dân ca, nhạc cổ vào trong đời sống âm nhạc của lớp trẻ hôm nay.
Theo ông Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu (Hội VHNT tỉnh Phú Yên), trong điều kiện thiếu thốn về vật chất và kinh phí nhưng các nhóm đờn ca tài tử, âm nhạc cổ truyền đất Phú vẫn duy trì sinh hoạt, cố gắng đưa âm nhạc truyền thống đến với người dân. “Nhằm giúp các bạn trẻ tiếp cận với dân ca, nhạc cổ, chúng tôi đang thực hiện Chương trình Sân khấu học đường, truyền dạy tình yêu, lòng đam mê âm nhạc dân tộc đến các em học sinh. Tuy nhiên, để nhân rộng và phát huy âm nhạc dân tộc ngày càng sâu rộng, cần có sự quan tâm, phối hợp cũng như sự đầu tư kinh phí của ngành Văn hóa và các cấp ngành có liên quan” - ông Hiếu nói.
DIỆU ANH