Chương trình Dạ hội giao lưu văn nghệ chào mừng thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ II năm 2014 vừa diễn ra tại không gian ngoài trời Nhà Văn hóa Lao động tỉnh (TP Tuy Hòa). Vui theo tiếng cồng chiêng rộn rã, khán giả, diễn viên cùng nắm tay nhau tạo thành vòng tròn, đung đưa theo điệu múa dân gian, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Đây là lần thứ 2 Trung tâm Văn hóa tỉnh đảm nhận việc tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên. Chương trình văn nghệ được dàn dựng trên tinh thần gắn kết tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Năm nay, ngoài các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc mình, các đoàn nghệ thuật còn đem về hội diễn những ca khúc trữ tình nhạc nhẹ mang âm hưởng Tây Nguyên làm cho không khí trở nên sôi động và hài hòa hơn. Các đơn vị cũng đầu tư kỹ lưỡng hơn về giọng ca và trang phục. Điều đó chứng tỏ, cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh quan tâm sâu sắc hình ảnh của dân tộc mình đến với bạn bè trong tỉnh.
HOÀNG THỊ HƯỜNG (Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa tỉnh) |
Dạ tiệc văn nghệ các dân tộc thiểu số bao gồm 14 tiết mục hát múa đặc sắc, quy tụ gần 100 diễn viên không chuyên đến từ các cộng đồng người dân tộc Ê Đê, Ba Na, Chăm H’Roi, Tày… thuộc các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Mở đầu chương trình, Đội cồng chiêng huyện Sơn Hòa mang đến đêm diễn tiết mục múa Cồng chiêng mừng ngày hội buôn làng. Các chàng trai trẻ, người khiêng chiêng, người gõ trống rộn rã, thúc giục, khán giả như đang hòa mình vào không gian lễ hội mừng nhà mới, cúng lúa mới, cúng bến nước…, kết nối muôn người với nhau.
Tiếp sau đó, khán giả thả hồn theo bài hát Mùa xuân lời ru mang âm hưởng dân ca Ê Đê nhẹ nhàng, sâu lắng, do K’Sor Y Thư sáng tác và biểu diễn: “Ới em ơi, mẹ đi rẫy hái măng về cho em/ Mẹ tìm lời ru qua đại ngàn/ Mùa xuân ơi em mùa xuân/ Nghe tiếng chim K’trâu cúc cu/ Đừng khóc ơi em đừng khóc… Cùng một âm hưởng trữ tình, các ca khúc tiếp nối mạch cảm xúc của bài hát Mùa xuân lời ru: Cô giáo vùng cao, Tiếng đàn Goong, Giã gạo cho bộ đội, Lời then gửi đảo… Và các bài múa như: Ngày hội các dân tộc, Âm vang Tây Nguyên, Cầu mưa khoe vẻ rực rỡ những bộ trang phục truyền thống của các cô gái H’Mông, Thái, Tày, Ba Na… thu hút mọi ánh nhìn của người xem.
K’Sor Y Thư hào hứng nói: “Hơn một tháng qua, đội văn nghệ không chuyên huyện Sông Hinh với gần 20 diễn viên trẻ hứng khởi luyện tập các bài hát, điệu múa cho thật hay, thật nhuần nhuyễn. Các bạn gái Tày, H’Mông cố gắng để thể hiện sao cho các động tác thật duyên dáng, váy áo của dân tộc mình sáng rực rỡ nhất dưới ánh đèn sân khấu. Chúng tôi rất tự hào khi được là những người mang bản sắc của dân tộc mình trình diễn cho bạn bè ở thành phố thưởng thức”.
Trong thời gian còn lại của đêm hội, Đội cồng chiêng huyện Đồng Xuân tiếp quản sân khấu bằng bài múa trống đôi, cồng ba, chiêng năm sôi nổi, mời mọc khán giả hòa cùng điệu múa xoang tuyệt vời của các cô gái Ba Na duyên dáng. Vòng tròn của đội nhảy múa nhanh chóng được thiết lập và mở rộng với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, cán bộ các ban ngành và khán giả đến xem văn nghệ. Quanh cây nêu truyền thống, mọi người uống rượu cần lắc lư theo điệu cồng chiêng giục giã.
Chị Minh Thùy ở phường 7 (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Dù đây chỉ là chương trình biểu diễn nhưng tôi đã có một đêm trải nghiệm văn hóa các dân tộc thiểu số thật tuyệt vời. Tôi nắm tay các diễn viên, nhảy múa theo họ. Thông qua văn nghệ, tôi hiểu thêm về con người, văn hóa của các dân tộc anh em sống trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.
Còn Ma Dễ (huyện Sơn Hòa) xúc động nói: “Tôi rất vui vì lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc thiểu số. Đây là dịp để các dân tộc anh em trao đổi và phô diễn bản sắc của dân tộc mình. Tôi hy vọng, lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện để cộng đồng dân tộc thiểu số có nhiều buổi giao lưu văn nghệ, cùng nhau phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc mình”.
DIỆU ANH