Thứ Tư, 26/06/2024 19:57 CH
Bạn đời của hai thi sĩ
Thứ Ba, 24/06/2014 14:00 CH

Nhà thơ Giang Nam và vợ Phạm Thị Chiều - Ảnh: Đ.Đ.TUẤN

Năm qua, làng văn nghệ Nam Trung Bộ chứng kiến sự ra đi của hai người bạn đời hai thi sĩ lừng danh. Đó là bà Nguyễn Thị Lan (vợ nhà thơ Yến Lan), đi gặp cụ ông vào ngày 6/1/2013, hưởng thọ 95 tuổi và bà Phạm Thị Chiều (vợ nhà thơ Giang Nam), chia tay cụ ông vào ngày 15/4/2013, hưởng thọ 83 tuổi.

 

NỢ EM CÀI BÊN CỬA MỘT VẦNG TRĂNG

 

Hà Nội năm 2002, tôi đến 35 Hàng Quạt để uống rượu với Lâm Huy Nhuận thì gặp cụ Nguyễn Thị Lan vừa từ Bình Định ra thăm con cháu. Đã ngoài bát thập nhưng hễ nhắc đến cụ ông Lâm Thanh Lang (tên thật của nhà thơ Yến Lan) là bà trông tươi tắn hẳn lên, cười nói hồn nhiên. Bà khoe với tôi về tập hồi ký Nhớ mãi về anh (NXB Văn học - 2001) dày trên 200 trang mà bà tự tay chấp bút trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

 

Nhà thơ Yến Lan đã vĩnh biệt dương trần vào ngày 5/10/1998. Một mình lặng lẽ tưởng nhớ chồng, bà Lan đã kỳ công thu gom tư liệu, ghi chép lại cuộc đời thi sĩ Yến Lan, thông qua lăng kính - tấm lòng người vợ. Trước đó rất nhiều năm, bà đã lắng nghe, chép lại những bài thơ cuối cùng của Yến Lan sáng tác và thều thào đọc trên giường bệnh. Bà luôn đau đáu tình yêu với người chồng nhà thơ mà t đầu xanh đến hoa râm rồi bạc trắng vẫn chưa thôi những nhân xưng “chàng - nàng”, “anh - em” như đất trời dào dạt! “Viết cho đỡ nhớ ảnh” là câu bà nói với tôi khi nhắc về tập hồi ký và những bài thơ bà làm trong tuổi bát tuần, cửu tuần!

Lâm Huy Nhuận nói: “Lúc ba còn sống, có thấy má tôi viết lách gì đâu…”.

 

Niềm say sưa với những kỷ niệm từ thời hoa niên cho đến hơi thở chót và trân trọng sự nghiệp văn chương của chồng khiến bà có thể tâm sự hàng giờ trong buổi chiều Hà Nội. Và dù tuổi cao sức yếu, bà cũng đi nơi này nơi nọ, nếu ai hỏi han về Yến Lan, bà sẵn sàng dốc bầu tâm sự và ngồi nghe người khác nói về người chồng tài hoa của mình, với niềm ngưỡng vọng vô bờ bến.

 

Khi nhà thơ Yến Lan tại thế, tôi cũng đã vài lần đến ngôi nhà bên phố chợ thị trấn Bình Định để xin tư liệu cho luận văn về “Bàn thành tứ hữu”, sau đó là phỏng vấn viết bài cho đôi tờ báo. Vợ chồng nhà thơ lớn đã tiếp “thằng trẻ con” như tôi một cách thật trọng thị, chân tình. Tôi đã nghe ông đọc những bài tứ tuyệt bất hủ của mình, trong sự tương cảm của bà Lan: “Nhà không vườn không gác không sân/ Tôi nợ đời rau trái tôi ăn/ Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát/ Nợ em cài bên cửa một vầng trăng” (Nợ), “Em đến xin hồng, hồng mới nụ/ Đêm nay hồng nở, bóng em xa/ Cầm em bữa trước, em không ở/ Giờ biết làm sao cầm được hoa?” (Cầm chân em, cầm chân hoa)…

 

Những năm cuối đời, ông bà đã sống và cùng ra đi từ ngôi nhà này ở cố hương, nay thuộc phường Bình Định (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định). Nơi đây đã thành nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan và từ nay sẽ trở thành nhà lưu giữ mối tình thơ lớn bên bến My Lăng…

 

MẮT ĐEN TRÒN THƯƠNG THƯƠNG QUÁ ĐI THÔI”

 

Tôi vẫn thường gặp nhà thơ Giang Nam, nhất là khi Khánh Hòa và Phú Yên còn chung tỉnh Phú Khánh. Những lần nói chuyện thơ, ông đều nói đến nguyên mẫu “cô gái nhà bên” trong bài thơ Quê hương chính là người vợ của ông. Lúc vào Nha Trang học, tôi đã đôi lần được các đàn anh đưa đến nhà vợ chồng ông ở 46 Yersin để hàn huyên thăm hỏi. Mới đây, thông qua anh bạn đang làm luận văn thạc sĩ về thơ Giang Nam, tôi mới để ý nhiều về bà Phạm Thị Chiều, vợ của thi sĩ.

 

Bà Chiều sinh năm 1931, gốc ở phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Những năm 1950, bà theo chị gái lên vùng căn cứ Đồng Bò (Khánh Hòa) hoạt động cách mạng và gặp chàng trai Nguyễn Sung (tên thật của Giang Nam). Hai người quen nhau một thời gian rồi cấp trên cho làm đám cưới trước ngày Giang Nam ra Bình Định tham gia Đoàn Sĩ quan liên bộ đình chiến, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ. Không ngờ đây là cuộc chia ly không hẹn ngày về, vợ chồng từ đây xa cách, trải qua nhiều dâu bể. Tuy bị chiến tranh chia cắt nhưng tình yêu của họ cứ thế mãi lớn theo năm tháng. Có lẽ, cũng chính vì cách trở như vậy nên trong sự nghiệp cầm bút của mình, Giang Nam có nhiều bài thơ viết về người vợ mà nhà thơ một mực yêu thương, chung thủy đến trọn đời.

 

Chính Giang Nam đã viết, bà Chiều là nguyên mẫu của nhân vật trong nhiều bài thơ nổi tiếng của ông. Bài Quê hương bật ra từ năm 1959, khi giặc ập vào căn nhà vợ chồng Giang Nam thuê để hoạt động bí mật tại TP Biên Hòa, bắt mẹ con bà Chiều giải đi. Lúc này, Giang Nam đã ra căn cứ. Sau đó, tin từ cơ sở trong thành đã báo cho biết: vợ và con gái nhà thơ bị địch bắt trước đó hơn một năm, đã bị chúng thủ tiêu trong nhà tù Phú Lợi (Sài Gòn). Ngay đêm nghe tin dữ, tại nơi đóng căn cứ bí mật của Tỉnh ủy, Giang Nam ngồi trong căn chòi nhỏ của mình và viết bài thơ Quê hương: Có ngờ đâu/ Cô bé nhà bên cũng vào du kích/ hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích/ mắt đen tròn thương thương quá đi thôi/ Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật…

 

Hai năm sau khi bị bắt, do không tìm ra lý do buộc tội, bà Phạm Thị Chiều đã được giặc thả trở về. Nói về điều này, có lần Giang Nam cho hay, vợ chồng ông vô cùng cảm ơn một người luật sư lúc đó đã bào chữa cho cả hai mẹ con bà Chiều vô tội nên cả hai không bị đày ra Côn Đảo. Và như thế mới được trở về đoàn tụ. Sau ngày thống nhất đất nước, vợ chồng Giang Nam nhiều lần tìm người luật sư này để trả ơn nhưng không gặp, đành phải ghi nhớ ơn sâu đó vào trong lòng.

 

Bao nhiêu năm trời cứ tưởng như vợ và con gái duy nhất đã chết dưới tay giặc, ngày nhận tin vợ còn sống trở về, Giang Nam vui mừng khôn xiết: “Có ai tính nhớ thương bằng nước mắt/ Hãy để tháng năm sống dậy trong lòng…”.

 

Trong kháng chiến cũng như hòa bình, Giang Nam có nhiều bài thơ xúc động viết về người vợ yêu thương. Bà Phạm Thị Chiều đã ra đi nhưng nguyên mẫu, hình bóng bà trong các bài thơ của Giang Nam còn hiện hữu với thời gian...

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
22 Jump Street gây cười hơn phần 1
Chủ Nhật, 22/06/2014 15:00 CH
Cổng làng nặng nghĩa tình quê
Chủ Nhật, 22/06/2014 14:00 CH
Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ VIII
Chủ Nhật, 22/06/2014 13:22 CH
Vịnh Hạ Long đẹp như cổ tích
Chủ Nhật, 22/06/2014 11:25 SA
21 tác phẩm được trao giải
Thứ Bảy, 21/06/2014 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek