Khi hoa gạo đỏ rực bên đường cũng là lúc hàng triệu con Lạc cháu Hồng ở khắp mọi miền đất nước hội tụ về núi thiêng Nghĩa Lĩnh, thắp nén tâm hương tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Đoàn nghi lễ trong ngày giỗ Tổ Vua Hùng - Ảnh: N.HUY
VỀ VỚI CỘI NGUỒN
Năm nay, Lễ hội Đền Hùng được tổ chức trong 5 ngày, từ mùng 6/3 đến mùng 10/3 (từ ngày 5 đến 9/4), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các xã, phường vùng ven đền Hùng, các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó Khu di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì là trung tâm lễ hội.
Mở đầu các hoạt động trước khi khai hội là những hoạt động thu hút đông đảo khách thập phương tham gia như hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày diễn ra tại Bảo tàng Hùng Vương. Hơn 100 người của 22 đội thi (10 đội thi giã bánh dày, 12 đội thi gói, nấu bánh chưng) đến từ 13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tham gia tranh tài để giành chiếc vé vào thi tài cùng các tỉnh bạn trong hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày liên tỉnh được tổ chức tại khu trung tâm lễ hội, vào ngày 7/3 âm lịch. Du khách còn có thể tham dự Ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ IX tổ chức tại TP Việt Trì, xem biểu diễn các làn điệu xoan cổ tại Liên hoan Hát xoan ở Bảo tàng Hùng Vương, xem Triển lãm ảnh, hiện vật “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”.
Từ mùng 6 đến mùng 10/3, lễ hội Đền Hùng tưng bừng diễn ra trên đất Tổ. Phần lễ gồm có lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ tại núi Sim; 7 xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng là Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú (TP Việt Trì) và thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao) tổ chức rước kiệu về đền Hùng, dâng bánh chưng, bánh dày của các tỉnh đoạt giải nhất và dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương. Phần hội có các hoạt động: đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, Triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - cội nguồn đất Tổ”; tổ chức hát xoan tại miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Hùng Lô...
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Câu ca xưa như nhắc nhở mỗi người dân đất Việt dù đi đâu, ở đâu luôn tìm về với cội nguồn tổ tiên. Văn hóa Hùng Vương đã trở thành văn hóa của người Việt, là cốt lõi tạo nên nhiều giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ.
TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG
Cuối năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào không chỉ của người dân Phú Thọ mà còn là niềm vui mừng phấn khởi chung của cả dân tộc Việt Nam trước sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Xưa kia, người Việt nói chung và cư dân Phú Thọ nói riêng đều sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nên các yếu tố tác động của tự nhiên như hạn hán, mưa bão, thiên tai… ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Vì thế, họ đặt niềm tin và cầu mong sự che chở, phù hộ của các Vua Hùng. Việc phụng thờ các Vua Hùng, con vua, tướng lĩnh… liên quan đến thời các Vua Hùng biểu hiện giá trị xã hội của cộng đồng. Việc phụng thờ các Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương, đặc biệt là lễ hội Đền Hùng còn là môi trường để con người sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc như hát xoan, đâm đuống…
Những giá trị văn hóa qua tín ngưỡng thờ Hùng Vương là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng dũng cảm, có khả năng thôi thúc con người vươn tới, là lời hiệu triệu hướng về cội nguồn. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho thấy mối quan hệ nhà - làng - nước hài hòa, đảm bảo sự cố kết cá nhân và cộng đồng bền vững, đạo đức và tình người được coi trọng.
Tháng ba về đất Tổ trẩy hội Đền Hùng, tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, chiêm nghiệm những giá trị văn hóa từ thời các Vua Hùng, đồng thời góp phần quảng bá các di sản Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh.
YÊN LAN (tổng hợp từ Báo Phú Thọ)