Thứ Tư, 09/10/2024 08:13 SA
Nhạc sĩ Kpa Y Lăng:
Gần cả đời “mắc nợ” với Tây Nguyên
Thứ Năm, 13/03/2014 14:00 CH

Gần cả cuộc đời gắn bó với Tây Nguyên, nhạc sĩ Kpa Y Lăng - người con của làng Xí (xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân) - dường như vẫn chưa mỏi gối chồn chân trên hành trình tìm kiếm và lưu giữ vốn quý của đồng bào. Con người ông “đậm đặc” chất Tây Nguyên, lúc nào cũng sôi nổi, cũng hừng hực như nắng gió đại ngàn…

 

nhac-si140313.jpg

Nhạc sĩ Kpa Y Lăng trao đổi công việc của mình với tác giả - Ảnh: CTV

* Phần đông nhạc sĩ dành trọn tình yêu cho âm nhạc, còn ông được biết đến như một nhạc sĩ làm thơ. Vì sao ông lại nặng nợ với thi ca?

 

- Với tôi, hình như âm nhạc đi sau thơ ca. Tôi làm thơ từ những năm tập kết ra Bắc, học tại Trường Học sinh dân tộc thiểu số miền Nam. Hồi đó tôi học giỏi Văn, được bầu làm lớp trưởng. Lớp nào cũng có báo tường; học sinh làm thơ, viết truyện. Tôi làm rất nhiều thơ và được nhà trường khen. Đến khi tôi học nhạc thì thơ - nhạc song hành. Người dân tộc thiểu số thường nói có vần điệu. Khi sáng tác, thường thì tôi viết ý thơ trước rồi nhạc mới nảy ra. Nhưng cũng có khi viết nhạc xong thì không viết được lời, tôi phải nhờ người khác, như bài Suối hát Ây Rây.

 

Có rất nhiều nhạc sĩ làm thơ. Một số người bỏ cả nhạc để làm thơ, có người bỏ thơ để viết nhạc. Cũng có những người chuyên phổ thơ như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Hoàng Hiệp…

 

* Điều gì đưa một nhạc công phong cầm tài hoa trở thành nhạc sĩ chuyên trách âm nhạc Tây Nguyên và có rất nhiều đóng góp cho văn hóa Tây Nguyên, thưa ông?

 

- Khi Đoàn văn công Tây Nguyên tuyển văn công, tôi đăng ký và được nhạc sĩ Kpa Y Búi, Nhật Lai… tuyển vào, được thầy Nguyễn Hiển dạy chơi phong cầm trong 6 tháng. Sau đó, Trường Âm nhạc tuyển sinh, tôi xin đi học và thi đỗ. Tôi học phong cầm với các thầy Hồng Quang, Xuân Tứ, Vũ Thuận; mỗi thầy một phong cách. Học đến năm thứ hai hệ trung cấp, tôi đi đệm đàn cho những nghệ sĩ nổi tiếng: Trần Hiếu, Quý Dương, Tường Vy, Khánh Vân… Sau đó, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói: Thôi, không học đàn nữa, phải học sáng tác, lý luận phê bình âm nhạc. Tôi được cử sang Nhạc viện Thượng Hải, học 2 năm. Trong thời gian đó, tôi tiếp tục chơi phong cầm. Khi cách mạng văn hóa nổ ra, chúng tôi trở về nước, rồi tôi được đưa sang Bungari học.

 

Trước cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, tôi được lệnh trở về miền Nam, vào Đoàn văn công Quân Giải Phóng. Tôi chơi phong cầm cho ca, múa, vũ kịch và chơi solo, vừa chơi đàn vừa sáng tác nhạc và thơ. Từ đây, tôi có một loạt bài hát: Những nẻo đường xuân, Tây Nguyên tiến quân, Về Đà Lạt, Xuân Tây Nguyên…

 

Sau giải phóng, Đoàn văn công Quân Giải Phóng đổi tên thành Đoàn ca múa nhạc Bông Sen, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen. Tôi về đó khoảng 1 năm thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gọi về Viện Nghiên cứu Âm nhạc, giao cho tôi chuyên trách âm nhạc Tây Nguyên và sưu tầm đàn đá. Trước đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Pháp, thấy bộ đàn đá được phát hiện tại Tây Nguyên năm 1949 - bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện trên thế giới - trưng bày rất trang trọng tại bảo tàng, Thủ tướng chỉ đạo sưu tầm đàn đá. Vậy là tôi khoác ba lô lên đường…

 

* Hành trình tìm đàn đá Khánh Sơn hẳn là rất vất vả nhưng cũng rất thú vị?

 

- Tôi đi suốt. Rồi tôi gặp ông Ka Sô Liễng, khi đó làm việc ở Sở Văn hóa - Thông tin Phú Khánh. Ông ấy bảo nghe bộ đội nói đồng bào Raglai có đàn đá, tao với mày đi thử coi. Chúng tôi lên Khánh Sơn, gặp ông Bo Bo Ren. Ông ấy nói có tìm thấy đàn đá nhưng đã cất giấu trong hang, phải đi kiếm đã chớ lâu quá, quên mất rồi. Hai anh em trở về, rồi tổ chức một đoàn đi tìm, có cả du kích. Đi bộ hai, ba ngày trong rừng sâu, giáp với huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, rồi chúng tôi tìm thấy đàn đá dưới lớp lá cây phủ dày. Cảm xúc lúc đó không thể nào diễn tả được, chúng tôi quên hết mệt nhọc. Tôi lấy máy ảnh ra chụp, lấy máy cassette thu tiếng. Rồi mỗi người một thanh, gùi đàn đá về. Rất bí mật. Về đến Nha Trang, chúng tôi báo cáo cho Tỉnh ủy, rồi điện về Bộ VH-TT. Đàn đá được chở về TP Hồ Chí Minh để đo đạc, lấy một thanh gởi sang Đức để các nhà chuyên môn nghiên cứu về niên đại. Còn về âm nhạc thì có một tổ làm việc, gồm các nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, giáo sư Tô Vũ, Nguyễn Ngân Hoa, tôi và một số chuyên gia khác, rồi mới làm lễ công bố hoành tráng. Sau đó, ngành khảo cổ khai quật đàn đá Bình Đa, đàn đá Duy Linh, tuy nhiên những bộ đàn đá đó không hoàn chỉnh như đàn đá Khánh Sơn.

 

Sau đó, giáo sư - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói: Thế giới đang quan tâm bảo tồn vốn cổ. Tây Nguyên có vốn quý là cồng chiêng. Loại hình âm nhạc này rất đặc biệt, là âm nhạc cộng đồng, mỗi người đánh một chiếc và một nốt, không phải như âm nhạc Tây phương. Vậy là tôi lại lên đường. Hồi đó tình hình gia đình “căng” lắm; tôi đi suốt, gặp gỡ các nghệ nhân. Cũng may hồi ở Trường Học sinh dân tộc thiểu số miền Nam, tôi học được 7 thứ tiếng của 7 dân tộc nên dễ dàng giao tiếp với bà con. Rồi tại TP Pleiku, Liên hoan cồng chiêng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức, có cả hội thảo; liên hoan lần thứ hai diễn ra ở TP Buôn Ma Thuột, kết hợp với đua voi. Rồi liên hoan sau này có sự tham gia của các nước trong khu vực Đông Nam Á, khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

 

* Gần cả đời cống hiến cho văn hóa Tây Nguyên, ông thấy mình còn mắc nợ vùng đất này điều gì?

 

- Điều tôi băn khoăn hiện nay là việc bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng. Lớp già mỗi năm một tuổi cao sức yếu, lớp trẻ tiếp thu những sản phẩm văn hóa khác rất nhanh. Người già nói: Đi đánh chiêng mày ơi, thì người trẻ nói: Mắc coi phim rồi! 12 chiếc chiêng, thiếu mất mấy người thì làm sao mà đánh được! Giữ gìn di sản này cho con cháu đời sau là điều không đơn giản. Đờn ca tài tử của Nam Bộ thì khác. Họ chỉ cần một cây đờn kìm, hoặc một cây đờn tranh, guitar phím lõm… là xong. “Anh Hai ra đây”, rồi họ lấy cây đờn xuống, vậy là đờn, là hát. Còn cồng chiêng thì khác, phải có lễ hội, phải có không gian.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek