Thứ Bảy, 12/10/2024 12:24 CH
Nhà văn Đỗ Chu - cây quế giữa rừng
Thứ Năm, 31/10/2013 14:00 CH

Trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Đỗ Chu có những truyện ngắn, bút ký đọng lại rất lâu trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Ông đi miệt mài, đọc miệt mài và viết miệt mài. Vừa hóm hỉnh vừa gai góc, dường như nhà văn quê ở Kinh Bắc này chẳng sợ gì ngoài việc viết không chuyên nghiệp, không hay.

 

Nha-van-Do-Chu131031.jpg

Nhà văn Đỗ Chu.

Nghe Đỗ Chu nói chuyện, nhiều người cười bò vì ông rất hóm hỉnh. Người cao gầy, râu dài tóc ngắn, gần như là bạc trắng, Đỗ Chu bảo ông sắp hết tuổi rồi. “Không phải nhiều tuổi mà là hết tuổi. 70 tuổi ngủ như chim, chợp mắt rồi choàng dậy”, nhà văn nói. Ông thức cả đêm để đọc sách và viết. Nhà văn sinh năm 1944 này quan niệm: “Người cầm bút phải có trí tuệ, phải chuyên nghiệp. Làm cái gì nghiệp dư cũng được, nhưng làm nhà văn nhà thơ nghiệp dư thì tội lắm. Thế nên phải xốc mình lên, suy nghĩ và viết. Vượt lên bằng tác phẩm, chứ không phải bằng cả tập sách dày như… cục gạch”.

 

Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, chào đời ở Bắc Giang. Ông viết truyện ngắn từ khi còn là cậu học trò ở ngôi trường cấp III Hàn Thuyên (Bắc Ninh). 19 tuổi, Đỗ Chu đoạt giải nhất trong một cuộc thi sáng tác do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Ông học khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du và từng là lính cao xạ thuộc quân chủng Phòng không - Không quân. Với các tập truyện ngắn Hương cỏ mật, Phù sa, Trung du, Tháng hai, năm 1969, được nhà văn Nguyễn Minh Châu “đỡ đầu”, Đỗ Chu vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Với Đỗ Chu, viết văn là một công việc cực kỳ khắt khe. Người cầm bút cần có sự chân thành, trung thực và yêu rất thật chứ không phải yêu một cách ầm ĩ; đổi mới bằng chính tác phẩm chứ không phải bằng… mồm. Tác giả Thung lũng cò, Hương cỏ mật, Chiến sĩ quân bưu… thích thơ của Chế Lan Viên và cũng rất thích Nguyễn Đình Thi - người mà ông cho rằng đã “giữ được sự sang trọng của một trí thức”.

 

Sau một thời gian sống và viết trong quân ngũ, năm 1975, nhà văn Đỗ Chu chuyển ngành, về làm việc tại Hội Nhà văn. Từng là Trưởng ban Nhà văn trẻ khóa VI song Đỗ Chu bảo rằng ông chưa bao giờ chuẩn bị để làm cán bộ, cũng chưa bao giờ tự nhận mình là cán bộ. Ông chỉ cần viết. Đỗ Chu đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc để viết. Không chỉ nổi tiếng với các truyện ngắn, Đỗ Chu còn rất thành công với tùy bút. Tùy bút của ông được đánh giá là chỉ đứng sau tùy bút của Nguyễn Tuân. “Viết báo dễ như bỡn, tôi viết vèo một cái là xong - Đỗ Chu hóm hỉnh - Lúc trước, tết đến là người của đài phát thanh đến lấy bài; giao thừa nào tôi cũng phải có bài. Sau, may là có tivi, sau này có cầu truyền hình thì vui hơn và họ mới “tha” cho mình”.

 

Năm 1987, Đỗ Chu sang Liên Xô, học lớp cao cấp văn học tại Trường Viết văn M.Gorki. 2 năm sau, ông có tập truyện ngắn Mảnh vườn xưa hoang vắng, tiếp đến là tập tùy bút Những chân trời của các anh. Từ đó đến nay, ông vẫn miệt mài đọc và miệt mài viết. Tất nhiên, đọc cũng phải chọn lọc, chỉ đọc những cái đáng đọc. Đỗ Chu nói: “Không biết đọc thì không biết viết, nhưng không đọc thì cũng vứt đi”.

 

Sinh ra bên dòng sông Thương đã đi vào thơ vào nhạc, lớn lên bên sông Cầu dùng dằng câu quan họ rồi sống đến cuối đời bên sông Hồng cuộn đỏ phù sa, nhà văn Đỗ Chu “tổng kết” cuộc đời cầm bút của mình: “Chỉ là nỗ lực đi qua 2 cây cầu: cầu Đuống và cầu Long Biên để về Hà Nội”. Còn nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: “Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào”.

 

Có một gia tài tác phẩm rất lớn, được bạn đọc - đặc biệt là thế hệ bạn đọc thời kỳ chống Mỹ - yêu mến, đồng nghiệp ngưỡng mộ và được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 nhưng Đỗ Chu không thích những ồn ào ca tụng giữa đám đông. “Tôi không thích nổi tiếng, không thích oai, chỉ mong viết được, viết hay. Phải viết được, viết hay thì không ai bắt chước được. Tôi rất thư thái, cũng chẳng thấy mình giỏi khi người ta bảo tôi giỏi. Nhưng tôi chuyên nghiệp”, nhà văn thẳng thắn. Đỗ Chu bảo rằng ông tâm đắc câu nói của một nhà văn người Pháp: Nếu sự từng trải là vẻ đẹp cuối cùng của con người thì sự giản dị là vẻ đẹp cuối cùng của văn học nghệ thuật.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek