Chủ Nhật, 13/10/2024 06:28 SA
Vĩnh biệt thầy - Giáo sư Hoàng Như Mai!
Thứ Năm, 03/10/2013 14:00 CH

Tôi nhận được dòng tin nhắn “Thầy Hoàng Như Mai đã từ trần” từ thầy tôi - giáo sư Huỳnh Như Phương, khi tôi đang chạy xe trên đường và Tuy Hòa đang đổ mưa chiều. Tôi về nhà mở tin nhắn ra, bỗng dưng thấy lạnh và buồn vô cùng!

 

GS-Hoang-Nhu-Mai131003.jpg

Giáo sư Hoàng Như Mai và tác giả bài viết - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang.

Giáo sư Hoàng Như Mai là thầy của rất nhiều thế hệ và cũng là người thầy được nhiều học trò yêu quý, tôn kính. Cách đây 2 tháng, khi vô TP Hồ Chí Minh dự hội thảo, tôi ghé thăm thầy và hôm ấy trời cũng mưa. Hai thầy trò ngồi nói chuyện thật lâu. Thầy kể thầy đã tặng hết kho sách cho Trường đại học Văn Hiến, kể chuyện thầy nằm viện; thầy hỏi chỗ trường tôi dạy có gì mới không, có yên ổn, phát triển không? Con gái đầu của tôi đã tốt nghiệp chưa? Tôi ra về, thầy còn nhắc: “Lần sau có vô, nhớ ghé thăm thầy nhé, cũng chả còn gặp thầy mấy lần nữa đâu!”. Không ngờ, đó là lần gặp cuối cùng của tôi với thầy!

 

Với tôi, giáo sư Hoàng Như Mai không chỉ là thầy giáo đã dạy tôi cách đây 20 năm, mà dường như sợi dây thầy trò đã ràng buột tôi từ lâu lắm. Mỗi khi lâu không gặp thầy, không gọi điện cho thầy, lòng tôi thấy áy náy vô cùng!

 

Năm 1993, khi đã là học viên Cao học Ngữ văn khóa 2 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tôi mới được học thầy lần đầu tiên. Ngoài giáo sư Hoàng Như Mai, chúng tôi còn may mắn được học với các giáo sư uy tín khác như thầy Lê Trí Viễn, Chu Xuân Diên, Phong Lê, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lộc, Mai Quốc Liên, Trần Hữu Tá, Huỳnh Như Phương, Phùng Quí Nhâm... Thầy Hoàng Như Mai thuộc hàng lớn tuổi nhất nhưng cũng nghệ sĩ nhất trong số đó. Nghệ sĩ ở chỗ thầy luôn cho học viên cảm giác được thưởng thức, được tự do bay lượn với cái đẹp của văn chương, nghệ thuật. Giọng nói và phong thái của thầy có sức hấp dẫn, lôi cuốn học viên ghê lắm. Tôi nhớ khi thầy xuất hiện trước lớp với cặp kiếng cận dày, mái tóc bạc trắng để dài và điếu thuốc trên tay, không ai nghĩ thầy đã ngoài 70. Niềm say mê văn chương, chữ nghĩa của thầy lan truyền đến tất cả mọi người. Nhiều năm sau, chúng tôi đều kiểm nghiệm và nhận thấy rằng đó không phải là cảm xúc nhất thời và không đơn giản chỉ là cảm xúc. Lớp học có ít học viên. Số thầy nhiều hơn số học viên và mỗi thầy thuộc về một mảng kiến thức khác nhau, có cách dạy khác nhau; nhưng thầy Hoàng Như Mai là người được ngưỡng mộ, yêu mến nhất.

 

Tôi nghĩ mình là người may mắn vì được đi học, được có niềm hạnh phúc của tuổi học trò. Và trong niềm hạnh phúc đó có niềm vui, niềm tự hào được học giáo sư Hoàng Như Mai. Tôi nhớ tôi đã rất xúc động khi được thầy nhận làm người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, vì thầy đồng ý với đề tài luận văn của tôi là nghiên cứu về nhà văn Võ Hồng - một tác giả văn xuôi của giai đoạn văn học 1954-1975 ở vùng đô thị miền Nam.

 

Gần 2 năm “bơi lội” để hoàn thành luận văn cao học cũng là thời gian tôi gần gũi và được biết về thầy Hoàng Như Mai nhiều nhất. Lúc đó, nhiều người đã có điện thoại nhưng nhà tôi chưa có, nhiều người đã có máy tính và chúng tôi cũng chưa có. Tôi còn nhớ số điện thoại nhà riêng thầy ở đường Phó Đức Chính vì lâu lâu tôi lại đến bưu điện tỉnh để hỏi thầy về điều gì đó thắc mắc. Tôi còn nhớ những tập bản thảo viết tay bằng bút máy, mực xanh màu nước biển mang đến để thầy đọc. Từ Tuy Hòa vô TP Hồ Chí Minh hồi đó thường mất cả ngày, tôi ở tạm lung tung nhiều nơi lúc thì quận 3, khi thì quận 5, quận 11..., xe pháo lại không có, nên ít khi tôi đến đúng giờ hẹn với thầy. Thầy lớn tuổi, chờ trò mỏi mệt nên thường nằm đọc sách trên ghế salon trong phòng khách. Ngôi nhà trước đây của thầy ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Phó Đức Chính, quận 1. Nhà chật, 2 tầng và có 1 cái chuông cửa kéo bằng sợi dây thép lòng thòng từ trên gác xuống. Cái chuông đó cũng hài hước giống như cái chuông bằng lon sữa bò ở nhà số 51 Hồng Bàng, Nha Trang của nhà văn Võ Hồng. Dây chuông nhà thầy Mai dĩ nhiên phải cao hơn tầm với của con nít trong hẻm, nên dạng người có chiều cao khiêm tốn như tôi mỗi lần tới là mỗi lần khổ sở với nó. Lần nào tôi cũng phải nhảy lên, chới với mới níu được sợi dây gọi cửa ấy. Chắc ai trông thấy cảnh ấy cũng tức cười, nên có khi tôi đành bỏ cái nghi thức lịch sự và văn minh là kéo chuông gọi cửa mà đứng sát vào cổng, nhìn chăm chú vào trong nhà, gọi thật to: “Thầy ơi! Thầy ơi!...”. Khi nghe tiếng thầy và tiếng chùm chìa khóa xủng xẻng đi ra là tôi thở phào, mừng rỡ. Sau này, mỗi khi tới nhà thầy ở số 46F, đường Trần Quốc Tuấn, Gò Vấp (rộng và khang trang hơn nhà cũ), lần nào đưa tay bấm chuông trước cổng, tôi cũng bùi ngùi nhớ sợi dây thép kéo chuông ở nhà cũ của thầy trên đường Phó Đức Chính ngày trước... Và có khi tôi cũng gọi thật to “Thầy ơi, Thầy ơi!”.

 

Ngày tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp cao học, giáo sư Lê Đình Kỵ là Chủ tịch Hội đồng; thầy Hoàng Như Mai với tư cách là người hướng dẫn xin phép hội đồng được phát biểu dài hơn quy định mấy phút, thầy nhận xét về thái độ nghiên cứu và kết quả đạt được của tôi và thầy còn trích dẫn cả thơ Nguyễn Đình Thi. Tôi vừa xấu hổ vì lời thầy khen vừa xúc động vì tấm lòng của thầy. Bản nhận xét bằng chữ viết tay của thầy, tôi vẫn còn giữ rất trân trọng và coi đây như một kỷ vật thiêng liêng khó quên trong cuộc đời mình.

 

Tôi không nghĩ mình đã tiếp nhận được nhiều từ kho kiến thức bao la của thầy, càng không nghĩ mình đã thành công, đã là một học trò giỏi của thầy; nhưng tôi tin rằng thầy đã luôn coi chúng tôi là học trò đồng thời cũng là đồng nghiệp, là thế hệ tiếp nối. Thầy nghiêm khắc nhưng vẫn luôn giản dị, gần gũi. Thầy biết chỉ ra cái sai và những thiếu sót của học trò nhưng không định kiến. Khi tôi quyết định làm tiếp nghiên cứu sinh, thầy vì tuổi cao, không nhận hướng dẫn nhưng vẫn động viên tôi cố gắng. Thầy hướng dẫn luận án của tôi - giáo sư Huỳnh Như Phương - cũng là học trò của thầy Mai, là người rất nghiêm túc trong khoa học và là người dạy cho tôi nhiều bài học sâu sắc nhất.

 

Tôi ở xa, bận rộn với biết bao nhiêu chuyện lớn nhỏ đời thường, thỉnh thoảng nhớ đến thầy, tôi lại nghe tâm hồn mình êm đềm, lắng dịu lại. Có thầy, chúng tôi luôn có một chỗ dựa ấm áp, tin cậy. Mỗi lần gặp thầy lại thấy “cõi nhân gian bé tí” dường như bớt chật chội vì vẫn còn thênh thang trong đó tình thầy trò, tình người, tình yêu cái đẹp!

 

Năm tháng mải miết đi qua. Mỗi lần ghé thăm thầy bên cạnh niềm vui ríu rít hỏi han là một nỗi lo âu mơ hồ, âm thầm bên trong! Thầy mỗi ngày một già hơn, chậm hơn mà học trò thì luôn bận rộn và có khi lấy cớ bận rộn!

 

Thầy đã vĩnh viễn rời xa cuộc đời, rời xa cõi tạm!

 

Giờ đây, tôi đã không thể giữ lời hứa sẽ đưa thầy về Phú Yên để thầy thăm lại núi Nhạn sông Đà, nơi thầy có nhiều kỷ niệm thời kháng chiến. Giờ đây, tôi mới thấy tiếc xót xa vì đã không thăm thầy thường xuyên hơn!

 

Giờ đây, dù muốn, tôi cũng sẽ không bao giờ được gọi: “Thầy ơi! Thầy ơi! Con đây!” mỗi khi đứng trước cổng nhà thầy!

 

Giáo sư Hoàng Như Mai sinh ngày 26/9/1919 tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Quê quán: thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đã học ở Trường Bưởi, Trường đại học Y khoa và Đại học Luật ở Hà Nội. Đã từng đảm nhiệm các chức vụ: Hiệu trưởng Trường tư thục Phan Thanh ở Thái Bình (1948), Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc (1951), Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp Trung ương (1953), cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1959), cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (1980), Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký (1997 và từ 1988 cho đến khi qua đời), Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh (từ 1988 đến khi qua đời).

 

Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai qua đời lúc 15 giờ 20 ngày 27/9/2013 ở Bệnh viện 175 (TP Hồ Chí Minh), thọ 95 tuổi. Ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư năm 1982, phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1990 và được tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

 

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THU TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lỡ hẹn Oscar
Thứ Ba, 01/10/2013 08:27 SA
Quyến rũ Diane von Furstenberg
Thứ Hai, 30/09/2013 17:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek