Thứ Hai, 14/10/2024 08:23 SA
Mang bản sắc văn hóa các dân tộc về vui hội
Chủ Nhật, 25/08/2013 14:05 CH

Phần thi nghệ thuật kết hợp biểu diễn trang phục truyền thống trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc Phú Yên lần thứ VIII - 2013 (Ngày hội) là nội dung thu hút đông đảo khán giả nhất. Mỗi tiết mục nghệ thuật của các đoàn đều mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc, tạo nên “bữa tiệc” nghệ thuật truyền thống, khơi gợi cảm xúc người thưởng thức. Hồn xứ sở như được thổi vào từng lời ca, điệu múa.

ru-dan-2130825.jpg

Tiết mục múa “Ru đàn” (Sông Hinh) biểu diễn tại ngày hội - Ảnh: T.DIỆU

Trong trang phục truyền thống với tiếng cồng chiêng rộn rã, các chàng trai, cô gái Ê Đê, Ba Na, Tày, Chăm H’roi... huơ tay, đưa chân nhịp nhàng theo điệu múa giao duyên làm không khí của Ngày hội trở nên sôi động bởi tính cộng đồng của các tiết mục này.

Tiếng hát dân ca thiết tha, nồng nàn của những cô gái Ba Na trong bài Tạm biệt bạn; điệu múa Ru đàn uyển chuyển, tinh tế của các cô gái Tày; điệu múa Ngược dòng sông Ba hòa quyện của các cô gái cao nguyên; tiết mục hát múa rộn ràng Đồng bào miền cao giã gạo nuôi bộ đội... được khán giả không ngừng vỗ tay tán thưởng.

Chị Hồ Thị Kim Thoa (ở huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi xem biểu diễn nghệ thuật tại một Ngày hội. Tôi như được hòa mình vào không khí lễ hội thật sự của người đồng bào thiểu số miền núi. Nhờ vào trang phục truyền thống khác nhau qua các phần thuyết minh, tôi mới biết được Phú Yên mình có rất nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Đời sống văn hóa tinh thần các dân tộc rất phong phú, mỗi dân tộc mang một nét đẹp truyền thống rất đặc trưng”.

Còn chị Lê Thị Minh Hòa (ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) nói: “Tôi thích nhất là các bài hát về cao nguyên như: Khúc ru rừng thiêng, Ngọn lửa cao nguyên, Sơn Hòa ngày mới... Những bài hát này có nhịp điệu rất sôi nổi, được thể hiện bởi các giọng ca cao vút, khiến tôi cũng muốn hát theo”.

Âm nhạc bao giờ cũng là hình thức nghệ thuật dễ chuyển tải thông điệp đến người nghe nhất. Vì vậy, nhiều đoàn đã chọn những đề tài thời sự trong xây dựng nông thôn mới để chuyển tải bằng cách viết lời mới trên làn điệu dân ca, góp phần tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết thực hiện chính sách của Nhà nước. Tiêu biểu, Đoàn nghệ thuật dân gian huyện Đông Hòa, họ dàn dựng cả một chương trình với chủ đề “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Các tác phẩm Tiềm năng du lịch về nguồn, Tình đẹp nông - ngư, Bến vẫn đợi thuyền, Chung tay xây dựng nông thôn mới... với lời mới dựa trên các làn điệu: Hò quảng, hò hê, lý vạn chài, bài chòi... đã tạo nên những bản dân ca ngọt ngào, trữ tình thuyết phục người nghe.

“Qua ti vi, tôi nghe nhiều về vấn đề chung tay xây dựng nông thôn mới nhưng nhớ trước quên sau. Vậy mà, đến Ngày hội nghe hát dân ca lại “lọt tai” vấn đề này. Tôi nghĩ, nếu các chủ trương chính sách mà được lồng ghép vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng nhiều hơn thì việc tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Thị Chung (ở phường 9, TP Tuy Hòa) chia sẻ.

Tuồng là một trong những loại hình nghệ thuật lâu đời nhất ở Việt Nam. Sự sinh động và hấp dẫn của một vở tuồng thể hiện trong cái lộng lẫy của trang phục, cách hát ra bộ có bài bản, có lớp có lang. Hầu hết các vở tuồng cổ đều xây dựng hình tượng các anh hùng dân tộc, chuyển tải thông điệp về đạo lý và nhân nghĩa ở đời. Vì vậy, ý nghĩa giáo dục trong một vở tuồng là rất sâu sắc. Đã lâu lắm rồi, khán giả Phú Yên mới lại được dịp vỗ tay tán thưởng trích đoạn tuồng cổ do Đoàn nghệ thuật dân gian huyện Phú Hòa biểu diễn.

Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển, thành viên Ban giám khảo nhận xét: “Chương trình thi diễn nghệ thuật trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch năm 2013 rất phong phú và đa dạng, đã phô diễn được bản sắc văn hóa của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh”.

Tuy nhiên vẫn có những hạt sạn trong những tiết mục cụ thể. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, nguyên Trưởng đoàn Văn công không chuyên giải phóng Phú Yên, có mặt trong 3 đêm diễn nhận xét: “Hầu hết các tiết mục đều dàn dựng công phu, ca sĩ hát hay. Tuy nhiên cũng còn nhiều ca sĩ hát trật nhịp; có tiết mục quá chú trọng đến dàn dựng mà quên mất bản chất của các làn điệu sử dụng trong trường hợp nào? Chẳng hạn như, tiết mục múa hò giã gạo “ép” thành hò khoan, cho một bài hát về kéo chài”.

Nhưng đó là cái nhìn kỹ tính của một người có nghề, còn với khán giả đến với Ngày hội, họ đã thật sự hòa mình để tìm hiểu sự phong phú, đa dạng và thưởng thức nhiều tiết mục múa, hát đậm chất nghệ thuật truyền thống của từng dân tộc ở các địa phương.

TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bông hồng cài áo
Thứ Năm, 22/08/2013 14:00 CH
Bùi Văn Thành - Cất tiếng yêu thương
Thứ Năm, 22/08/2013 10:00 SA
Ký ức Việt Nam
Thứ Năm, 22/08/2013 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek