Thứ Năm, 02/05/2024 19:52 CH
Nhà thơ Anh Ngọc nhớ về thơ và tay súng chiến trường
Thứ Tư, 14/08/2013 09:00 SA

Nhà thơ Anh Ngọc được cả nước biết đến qua các tập thơ và trường ca chính như: Hương đất màu cờ, Ngàn dặm và một bước, Sông Mê Công bốn mặt, Điệp khúc vô danh, Thơ tình rút từ nhật ký, Sông núi trên vai, Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi, Mạnh hơn tuyệt vọng…; các tùy bút và truyện ký: Ba cuộc đời một trái bóng, Nhớ thế kỷ hai mươi, Trò chuyện với mưa xuân, các tác phẩm dịch: Độc thoại của Marilyn Monroe (thơ của nhiều tác giả), Những kẻ tủi nhục (tiểu thuyết của Fedor Dostoievski). Tại lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Phú Yên cuối tháng có dịp trò chuyện với nhà thơ xung quanh chuyện thơ và tay súng chiến trường.

 

Anh-Ngoc.jpg

Nhà thơ Anh Ngọc.

* Bạn đọc cả nước biết đến tên nhà thơ qua những vần thơ từ những năm chống Mỹ cứu nước. Nhà thơ có thể cho biết cơ duyên nào đã đưa ông đến với thơ say mê và nồng nhiệt trong những năm gian khổ như vậy?

 

- Nhiều nhà thơ đều nói rằng làm thơ là một cái nghiệp, chính là thơ đã chọn họ chứ không phải họ chọn thơ. Với tôi thì điều này còn chính xác đến trăm phần trăm. Trước hết vì dòng họ và gia đình tôi vốn có truyền thống gắn bó với văn học như là một thiên duyên (tôi thuộc dòng họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc, Nghệ An, không tính dâu rể, họ tôi đã có đến 7 người là hội viên hội nhà văn, ấy là chưa kể nhiều người không phải hội viên nhưng gắn bó cả đời với văn học và có đóng góp không nhỏ…).Tuy nhiên, sở trường chính của các vị trong họ tôi lại nghiêng về nghiên cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật… như các nhà văn Hoài Thanh, Từ Sơn, Phan Hồng Giang, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Đức Đàn… Chỉ có bà cô Thúy Bắc (tác giả bài “Sợi nhớ sợi thương”, nay đã mất, và… tôi có thiên hướng sáng tác. Cho nên ngay từ bé (14,15 tuổi), tôi đã mê sáng tác. Như một nghiệp dĩ, trong tôi cũng có một chút máu làm phê bình (cười). Tâm thế ấy, lớn lên lại gặp ngay một hoàn cảnh đặc thù của đất nước ta với ba mươi năm chiến tranh ly loạn, tôi đã đến với thơ như không thể khác được, và chính thơ cũng là thứ cứu rỗi tôi qua những tháng ngày ấy.

 

* Nhà thơ có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ về thơ và tay súng ở chiến trường?

 

- Kỷ niệm thì quá nhiều, mà kỷ niệm nào cũng đáng quý cả, mỗi kỷ niệm có một nét hấp dẫn và đáng nhớ không thể quên… Nhưng có lẽ tôi làm lính đúng nghĩa nhất và làm nhà thơ của lính đúng nghĩa nhất là năm 1972, ở Quảng Trị. Tôi tham gia chiến dịch này từ đầu đến cuối, làm lính thông tin hữu tuyến, tức là đi rải đường dây (dây bọc nhựa), và bảo vệ để cho đường dây không bị đứt, giữ vững liên lạc từ sở chỉ huy tới các đơn vị chiến đấu. Không như cánh bộ binh trực tiếp đánh nhau với địch bằng đạn thẳng, chúng tôi chỉ chịu hứng bom đạn từ máy bay và pháo biển mà thôi. Nhưng Quảng Trị năm ấy là một lò lửa, thế cũng đủ cho chàng lính “cậu” như tôi nhớ đời rồi. Tôi đã leo từ binh nhì lên đến binh nhất trong chiến dịch ấy, và ghi được một cuốn sổ tay dày đặc chi tiết, cùng với khoảng vài chục bài thơ làm ngay tại chỗ… Trong đó có chùm bài sau này được Báo Văn Nghệ trao giải thưởng và được nhà thơ Xuân Diệu mà tôi vô cùng yêu kính dành cho những lời khen khá hào phóng. Với một người làm thơ còn vô danh như tôi ngày ấy, đó là một hạnh phúc rất lớn.

 

* Nếu không nhầm, bài thơ “Cây xấu hổ” được nhà thơ sáng tác vào năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị. Thời gian đã qua lâu nhưng sức sống bài thơ trong lòng bạn đọc vẫn còn tươi mới. Tại sao lại là cây xấu hổ chứ không phải là một cây nào khác?

 

- Chuyện này quá dài và tôi đã kể nhiều lần trên vô tuyến rồi. Đấy là ngày 31/5/1972, tôi đang một mình đi trên đường 9, cái túi bom đạn nổi tiếng những năm ấy, thì máy bay địch lao tới, tôi phải nhảy vội vào lùm cây ven đường để trú ẩn. Tôi bị một thứ cây gì đó cào cho chảy máu tay, nhìn xuống và nhận ra đó là cây thẹn (tiếng quê tôi) mà người Bắc gọi là cây xấu hổ. Loại cây này có thứ lá cấu trúc kỳ lạ mà chắc ai cũng biết. Và sự khép mở như hữu tình của những chiếc lá của thứ cây lắm gai này đã khiến tôi phát hiện ra một tứ thơ thú vị đến nỗi đủ sức cho tôi quên hết cả cái tội gai cào và những tiếng bom đạn xung quanh…

 

* Cũng như Nguyễn Trí Huân, Phạm Sĩ Sáu, nhà thơ đã từng chiến đấu, công tác tại Campuchia. Có phải hiện thực cuộc sống và chiến tranh trên mảnh đất này đã khơi gợi để trường ca “Sông Mê Công bốn mặt” ra đời?

 

- Bạn nói đúng rồi. Tôi sang Campuchia với tư cách nhà báo, ngay từ ngày đầu tiên nước bạn thoát khỏi ách bọn Pôn Pốt, và còn quay lại nhiều lần. Đây là một thực tế và một đề tài quá lớn và xem ra rất hợp với tạng của tôi: nó vừa giàu chất liệu đời sống, vừa gợi mở những chân trời cho suy tư và triết lý, nó vừa cập nhật vừa vĩnh cửu, vừa riêng biệt vừa phổ cập, nó ám ảnh tới tất cả lịch sử bi hùng, bi hài và bi thảm của loài người, trong đó có dân tộc chúng ta.

 

* Rời tay súng trở lại đời thường khi hết chiến tranh, đến nay nhà thơ có còn đau đáu một điều gì chưa viết được?

 

- Thực ra ngay trong chiến tranh, tôi cũng đã phần nào ý thức được sự thiếu hụt trong cách viết về chiến tranh ngày ấy của chúng ta. Tôi đã cố tìm những lối đi khác, nhưng mấy ai vượt qua được hạn chế của thời đại mình sống. Tôi thuộc típ người viết tôn thờ những quy luật cốt lõi của nghệ thuật, nhận biết dòng chảy cổ điển của nghệ thuật qua mọi biến thiên nhất thời của đời sống… Tóm lại là chúng ta vừa phải viết về tâm thế của con người khi đối diện với con người và cả khi con người đối diện với ông trời. Văn chương và nghệ thuật nói chung đích thực và vĩnh cửu là như vậy.

 

tho.jpg

* Có người nói rằng, nhà thơ đã tìm gặp được ở Trịnh Công Sơn những sự tương đồng, tương cảm?

 

- Nói nhanh cho nó… vuông, thì chính Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông là dẫn chứng xác đáng và tuyệt vời nhất cho chân lý mà tôi vừa trả lời bạn ở câu trên đây. Tôi yêu nhạc Trịnh và chính Trịnh ngay từ ngày 30/4/1975, khi lần đầu trong đời âm nhạc của ông đã tới và giúp tôi mở cái nửa thứ hai của trái tim tôi mà bao năm trước đó, do hoàn cảnh, nó vẫn bị đóng kín. Và từ đó trái tim tôi mới thực sự đập một cách trọn vẹn ở trong tôi.

 

* Nhà thơ đã từng nói, thơ ca cần phải đổi mới. Sự đổi mới đó chỉ có ba chữ thôi: “Yêu thật, đau thật và viết thật”, có đúng vậy không thưa nhà thơ?

 

- Đúng thế. Với người khác thì tôi không biết, nhưng với tôi, trong những sáng tác đích thực của mình, dường như tôi chỉ viết về tình yêu và nỗi đau. Và viết thực, thực từ đáy lòng, thực với chính mình và cuộc đời, nhưng là cái “thực” có tính nghệ thuật, bằng sức mạnh của nghệ thuật, chứ không phải “thực” theo kiểu “Con gà, con chó có lông/ Khúc tre có mắt, nồi đồng có quai” (cười).

 

* Xin cảm ơn nhà thơ!

 

Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Anh Ngọc đã từng dạy học ở Trường trung cấp và đại học Thương nghiệp từ năm 1964 đến năm 1971. Ngày 6/9/1971, ông nhập ngũ, làm lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị 1972, từ 1973 làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Từ năm 1979 đến nay, Anh Ngọc là biên tập viên, cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1980). Ông về hưu năm 2008, với quân hàm đại tá.

 

Các giải thưởng: Giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972-1973 với chùm thơ viết ở Quảng Trị; giải A cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1975 với trường ca “Sóng Côn Đảo”; Giải thưởng văn học Sông Mê Công lần thứ 2 năm 2009 với tác phẩm “Sông Mê Công bốn mặt”, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012, với các tác phẩm “Ngàn dặm và một bước” và “Sông Mê Công bốn mặt”.

 

ĐÀO TẤN TRỰC (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek