Tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần II (vòng IV) tổ chức tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) mới đây, 19 báo Đảng trong khu vực đã thống nhất xây dựng chương trình hành động hướng đến mục tiêu: Báo Đảng liên kết đẩy mạnh tuyên truyền phát triển du lịch.
Nhà báo Phạm Thanh Phong, Phó tổng biên tập phụ trách Báo Phú Yên (bên phải), ký cam kết với các báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên về liên kết tuyên truyền phát triển du lịch - Ảnh: T.QUỚI
VÙNG ĐẤT CỦA NHIỀU DI SẢN
Phú Yên có đến 18 di tích, danh thắng cấp quốc gia ở 4 loại hình di tích: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam, thắng cảnh: Địa đạo Gò Thì Thùng, Mộ và đền thờ Lê Thành Phương, Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, địa điểm cuộc thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh, địa điểm Đồng khởi Hòa Thịnh, Di tích Tàu Không số - Vũng Rô, Di tích nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên (thị trấn La Hai, Đồng Xuân), Di tích lịch sử Đường 5, Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ (xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân); Núi Nhạn; Di tích Thành An Thổ - Nơi sinh của đồng chí Trần Phú, Di tích Thành Hồ; chùa Đá Trắng, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, bãi Môn - mũi Điện, núi Đá Bia. |
Nói đến miền Trung - Tây Nguyên, trong suy nghĩ của nhiều người đó là dải đất khô cằn, nắng và gió. Nhưng cũng chính ở đó mang trong mình nhiều lớp trầm tích văn hóa, đã trở thành quê hương của 5 di sản và kiệt tác văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận. Tiềm lực phát triển du lịch miền Trung ẩn chứa từ vô số di sản thâm trầm của quá khứ thông qua sự giao thoa, tiếp biến của các nền văn minh Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt và với thế giới bên ngoài đã tạo nên bản sắc, đa văn hóa. Đó là chưa kể mỗi địa phương sở hữu nhiều di tích, danh thắng cấp quốc gia. Bên cạnh sự khô cằn, thiên nhiên ưu ái ban tặng “khúc ruột miền Trung” những bãi biển hoang sơ, thuần khiết chưa chịu sự tác động của bàn tay con người.
Những năm gần đây, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên xác định du lịch là thành phần kinh tế mũi nhọn. Theo thống kê từ các tỉnh, lượng khách du lịch về miền Trung - Tây Nguyên tăng trưởng cao và ổn định từ 11 đến 13%, cao hơn bình quân chung cả nước khoảng 8,7% và thu nhập tương ứng với tốc độ bình quân trên 20%. Nhiều sản phẩm du lịch đã định hình từ sự liên kết vùng như: “Ba quốc gia một điểm đến”, du lịch caravan trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây “Một ngày ăn cơm ba nước”, “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường Trường Sơn huyền thoại” hay “Con đường xanh Tây Nguyên” là những minh chứng cho thành quả liên kết của du lịch miền Trung - Tây Nguyên những năm qua. Riêng các tỉnh vùng duyên hải đã hình thành sự liên kết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tư vấn Ban điều phối liên kết vùng duyên hải Nam Trung Bộ thì chính sự tương đồng về tiềm năng cũng như xác định ưu tiên phát triển du lịch của các địa phương trong vùng đã khiến sản phẩm du lịch thiếu tính đặc trưng, bị trùng lặp, đơn điệu. Điều này đặt ra vấn đề cần có sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương và các công ty kinh doanh du lịch, lữ hành, lưu trú… nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới, tạo dấu ấn riêng của từng địa phương.
Du khách đến dâng hương, tham quan khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ ở xã Sơn Định (Sơn Hòa) - Ảnh: M.NGUYỆT
BÁO ĐẢNG LIÊN KẾT TUYÊN TRUYỀN DU LỊCH
Liên kết được xác định là “chìa khóa” để mở cánh cửa phát triển chung cho cả vùng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, trong câu chuyện liên kết phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên, một trong những hạn chế đó là công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Vì thế với trách nhiệm của mình, báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng các báo liên kết, chia sẻ thông tin đẩy mạnh tuyên truyền phát triển du lịch trên báo Đảng địa phương. Tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ II (vòng IV) được tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) mới đây, lãnh đạo các báo Đảng trong khu vực sôi nổi bàn luận, đề xuất nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện liên kết tuyên truyền phát triển du lịch có hiệu quả trong thời gian tới.
Có 5 vấn đề mấu chốt mà hội thảo đã gút lại và đi đến thống nhất cam kết giữa 19 cơ quan báo Đảng địa phương khu vực. Thứ nhất, các báo trong khu vực thường xuyên trao đổi, thông tin về cách làm, đem lại hiệu quả trong phát triển du lịch của mỗi địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho các báo cử phóng viên tác nghiệp trên các tour/tuyến xuyên qua địa phương nhằm thực hiện các tác phẩm về du lịch liên vùng. Thứ hai, các báo trong khu vực được phép chia sẻ miễn phí việc khai thác thông tin trên trang báo điện tử của nhau, đồng thời thiết lập đường link bài viết, hình ảnh của các báo. Thứ ba, đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Bộ VH-TT-DL tổ chức một giải báo chí dành riêng cho đề tài du lịch hoặc tài trợ kinh phí xuất bản các tác phẩm chất lượng cao về nội dung xây dựng thương hiệu du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thứ tư, kiến nghị với các cơ quan chức năng ở Trung ương: Bộ VH-TT-DL, Cục Báo chí Bộ Thông tin - Truyền thông, Vụ Báo chí xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương… mở các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên đề về tuyên truyền phát triển du lịch cho phóng viên, biên tập viên; tổ chức các hội nghị, hội thảo, các đợt khảo sát du lịch trong vùng theo chuyên đề dành cho nhà báo… Thứ năm, các báo khu vực miền Trung - Tây Nguyên thống nhất xác lập Ban điều phối về tuyên truyền phát triển du lịch vùng, có trách nhiệm điều phối hoạt động liên kết, hợp tác, vận động ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bên tham gia các diễn đàn về phát triển du lịch.
Trong nhiều góp ý, đề xuất của các báo Đảng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để liên kết tuyên truyền phát triển du lịch, tôi ủng hộ đề xuất xây dựng giải thưởng báo chí chuyên đề về du lịch, nhằm tạo cú hích và thu hút nhiều tác phẩm báo chí viết về du lịch có chất lượng. Đây cũng là diễn đàn giúp ngành du lịch, những người làm du lịch nhận diện rõ hơn vấn đề phát triển du lịch ở từng địa phương và khu vực. Việc các báo đề xuất các cơ quan chức năng tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên đề về tuyên truyền du lịch cũng là rất cần thiết. Điều này giúp các phóng viên có cái nhìn toàn diện, thấu đáo khi tiếp cận, phân tích các vấn đề về du lịch.
Tôi đánh giá rất cao việc Báo Quảng Nam và các báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên chọn vấn đề “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch” để thảo luận và những cam kết tổ chức thực hiện sau hội thảo. Đối với các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, kinh tế du lịch đang được xác định là ngành mũi nhọn, tập trung đầu tư phát triển. Mặt khác, tại các hội thảo về phát triển du lịch, trong nhiều mặt hạn chế tồn tại cần được khắc phục, đẩy mạnh đầu tư hơn nữa đó là công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch. Vì thế việc báo Đảng các địa phương xác định “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch” là rất thời sự và cần thiết. Tuy nhiên, tại hội thảo này không có các đại biểu của ngành du lịch để lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị. Theo tôi để việc liên kết có hiệu quả, các báo Đảng khu việc miền Trung - Tây Nguyên cần sớm có chương trình hành động cụ thể, tranh thủ các nguồn lực của các cơ quan Trung ương có liên quan, nhất là Bộ VH-TT-DL; đồng thời, huy động thêm các nguồn lực xã hội để tổ chức tốt hơn các sự kiện, diễn đàn liên quan.
Là một trong những sáng lập viên Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tôi thấy rất mừng vì thế hệ anh em làm báo đi sau tiếp tục phát huy truyền thống liên kết giữa các báo Đảng trong khu vực. Những kỳ hội thảo càng về sau này quy mô càng được nâng cao hơn, nội dung hội thảo được chú trọng, những vấn đề đưa ra bàn thảo một cách nghiêm túc, thấu đáo và mang lại hiệu quả xã hội cao… Từ đó nâng cao vị thế, uy tín của tờ báo Đảng địa phương. Ví dụ như kỳ hội thảo trước Báo Phú Yên tổ chức với chủ đề “Báo Đảng góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương”, ngoài trao đổi kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền an sinh xã hội, ngay tại hội thảo các báo đã thể hiện quyết tâm bằng cách đóng góp xây dựng một căn nhà tình nghĩa. Lần này là “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch” của Báo Quảng Nam, rất là thời sự, sát với nhu cầu thực tế. Điều mà tôi mong muốn là sau hội thảo cần xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện nghiêm túc; có tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và xây dựng chương trình phối hợp trong thời gian tiếp theo, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, hội thảo thì “hội” nhiều hơn “thảo”… |
TRẦN QUỚI