* Mạng xã hội X không còn là “người gác cổng” của EU
Kết quả cuộc điều tra của nhóm vận động Global Witness công bố ngày 17/10 cho thấy các mạng xã hội TikTok và Facebook đã duyệt những quảng cáo chứa tin sai, tin giả về cuộc bầu cử Mỹ, chỉ vài tuần trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức bắt đầu.
Nhóm Global Witness đã gửi 8 quảng cáo chứa thông tin sai lệch về bầu cử cho các ứng dụng TikTok, Facebook và YouTube để thử nghiệm hệ thống quảng cáo của những nền tảng này.
Những quảng cáo chứa thông tin hoàn toàn sai lệch như người dân có thể bỏ phiếu trực tuyến, hay nội dung kích động bạo lực chống lại cử tri, ứng cử viên và đe dọa các nhân viên bầu cử.
Theo Global Witness, TikTok cho kết quả tệ nhất khi duyệt 4 trong số 8 quảng cáo dù chính sách của nền tảng này cấm mọi quảng cáo chính trị. Facebook duyệt 1 trong số 8 quảng cáo nhận được.
Trong khi đó, Youtube ban đầu đã chấp thuận 50% số quảng cáo này, nhưng yêu cầu cung cấp định dạng cá nhân như hộ chiếu hoặc giấy phép lái xe để đăng quảng cáo trên nền tảng.
Global Witness nhấn mạnh đây là rào cản đáng kể đối với những đối tượng phát tán tin sai, tin giả so với các nền tảng khác.
Phản ứng về thông tin trên, một người phát ngôn của TikTok giải thích 4 quảng cáo nói đã “bị duyệt nhầm trong giai đoạn kiểm duyệt ban đầu”.
Bà khẳng định nền tảng này không cho phép đăng quảng cáo chính trị và sẽ tiếp tục thực thi chính sách này trên quy mô rộng lớn.
Về phần mình, người phát ngôn của Meta, công ty mẹ của Facebook, phản đối những phát hiện của Global Witness, nói rằng kết quả này chỉ dựa trên một mẫu quảng cáo nhỏ, do đó "không phản ánh cách chúng tôi thực thi các chính sách trên quy mô lớn".
Nữ phát ngôn viên của Meta tuyên bố bảo đảm thông tin trực tuyến về cuộc bầu cử năm 2024 là một trong những ưu tiên hàng đầu của công ty.
Các nền tảng trực tuyến đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng sau khi thông tin sai lệch lan truyền trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Ngày 17/10, Google cho biết sẽ tạm dừng quảng cáo liên quan đến cuộc bầu cử sau khi các điểm bỏ phiếu cuối cùng đóng cửa trong ngày 5/11.
“Gã khổng lồ” công nghệ này cũng áp dụng biện pháp này trong cuộc bầu cử năm 2020. Trong khi đó, Meta cho biết sẽ chặn các quảng cáo chính trị mới trong tuần cuối của chiến dịch tranh cử.
* Ủy ban châu ÂU (EC) vừa thông báo nền tảng mạng xã hội X sẽ không bị quản lý theo các quy tắc cạnh tranh nghiêm ngặt của EU nhằm duy trì thị trường kỹ thuật số mở.
Theo kết quả điều tra từ tháng Năm của EC, “X thực sự không đủ điều kiện là người gác cổng" vì người dùng là doanh nghiệp không cho rằng X là kênh quan trọng để tiếp cận người tiêu dùng trực tuyến.
Theo các quy tắc được gọi là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU, các “đại gia kỹ thuật số” được chỉ định là "người gác cổng" phải tuân thủ các quy định cạnh tranh nghiêm ngặt nhằm tăng cường sự giám sát của các chính phủ và ngăn chặn các “đại gia” này thống trị các nền tảng mạng.
Các “người gác cổng” đang được chỉ định bao gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, ByteDance (TikTok), Meta (Facebook), Microsoft, Booking. Trong khi đó, X đã phản đối việc được thêm vào danh sách dẫn đến cuộc điều tra hồi tháng 5.
Mặc dù thoát khỏi "tầm ngắm" của DMA, nền tảng X vẫn phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ theo các quy tắc kiểm duyệt nội dung khổng lồ và thậm chí có nguy cơ bị phạt nặng.
Hồi tháng 7, EU cáo buộc X vi phạm các quy tắc của Đạo luật dịch vụ số (DSA), liên quan đến các dấu chứng nhận xanh lam. Ngoài ra, EU cũng đang giám sát cách nền tảng này giải quyết tình trạng phát tán nội dung bất hợp pháp và thao túng thông tin. Đối với mỗi hành vi vi phạm, ủy ban có thể phạt tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới của bên cung cấp dịch vụ.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)