Tình hình nhân đạo tại Dải Gaza đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng, với nguy cơ nạn đói hiện hữu. Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16/10, người đứng đầu Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini đã đưa ra những dự báo đáng lo ngại về tình hình tại Dải Gaza sau các cuộc không kích liên tiếp của Israel.
Ông Lazzarini cho biết “nguy cơ thực sự là chúng ta đang tiến vào một giai đoạn mà nạn đói hoặc suy dinh dưỡng cấp tính có thể trở thành hiện thực".
Ông mô tả Gaza như một “vùng đất hoang gần như không thể sống nổi” sau các cuộc tấn công dữ dội của Israel. Các khu vực rộng lớn của Gaza đã bị tàn phá kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10 năm ngoái. Israel hiện đang gia tăng các hoạt động quân sự ở khu vực phía Bắc Gaza, nơi LHQ đã cảnh báo có hàng trăm nghìn người dân bị mắc kẹt.
Trong những tuần qua, tình hình viện trợ cho Gaza đã giảm sút nghiêm trọng. Theo ông Lazzarini, chỉ có một đoàn xe cứu trợ tiến vào phía Bắc trong ngày 15/10 và số lượng viện trợ tại phía nam chỉ đạt khoảng 50-60 xe cho hai triệu người dân – một con số rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Người đứng đầu UNRWA cũng nhấn mạnh rằng nếu các hành động phù hợp được thực hiện, cuộc khủng hoảng lương thực có thể được ngăn chặn.
Cũng trong ngày 16/10, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hối thúc Israel “tiếp tục thực hiện các bước cần thiết để cải thiện tình hình nhân đạo nghiêm trọng” tại khu vực này.
Theo nguồn tin từ quân đội Israel, 50 xe tải chở viện trợ nhân đạo, bao gồm thực phẩm, nước, thuốc men và thiết bị cứu trợ, đã được chuyển tới khu vực phía Bắc Gaza, nhờ sự hỗ trợ của Jordan.
Trước đó, Chính phủ Mỹ ngày 15/10 đã cảnh báo Israel phải có những biện pháp cải thiện tình hình viện trợ cho Gaza hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị hạn chế viện trợ quân sự từ Washington. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gửi một lá thư chung tới Chính phủ Israel, nhấn mạnh rằng họ phải nâng cao mức độ viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16/10 đã triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận về việc mở rộng viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Theo ba quan chức Israel, cuộc họp này dự kiến sẽ dẫn đến việc tăng cường lượng hàng viện trợ được gửi đến khu vực này trong thời gian tới. Nội các An ninh của Thủ tướng Netanyahu sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề vào ngày 20/10.
Cũng trong ngày 16/10, các tổ chức từ thiện hàng đầu của Anh đã phát động một chiến dịch kêu gọi quyên góp khẩn cấp nhằm cung cấp viện trợ cho những người dân đang chịu cảnh bạo lực ở Dải Gaza, Libăng và Bờ Tây.
Liên minh ứng phó thảm họa khẩn cấp (DEC), gồm 15 tổ chức từ thiện lớn như Oxfam và ActionAid, đã nhấn mạnh rằng nhu cầu viện trợ hiện nay là "rất lớn" và các tổ chức thành viên của họ đang cần thêm kinh phí để đáp ứng nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng.
Bộ Phát triển của Anh đã cam kết sẽ góp số tiền tương đương với số tiền quyên góp của người dân là10 triệu bảng Anh (13 triệu USD) để hỗ trợ chiến dịch cứu trợ Trung Đông này.
Ai Cập đã gửi một máy bay chở 22 tấn hàng cứu trợ đến Libăng vào ngày 16/10, giữa bối cảnh các cuộc không kích của Israel tiếp tục leo thang. Chính phủ Ai Cập cam kết sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ và làm việc với các tổ chức quốc tế để giúp Libăng giảm bớt gánh nặng do xung đột gây ra.
*Trong diễn biến khác, ngày 16/10, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có binh sĩ tham gia Lực lượng lâm thời LHQ tại Libăng (UNIFIL) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bàn về việc tăng cường áp lực ngoại giao đối với Israel.
Cuộc họp, do Ý và Pháp tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 16 quốc gia EU, nhằm lên án các cuộc tấn công nhằm vào UNIFIL mà LHQ cho là do phía Israel thực hiện.
Theo Bộ Quốc phòng Ý, các bộ trưởng quốc phòng từ 16 quốc gia, trong đó có Ireland, Đức, Tây Ban Nha, Áo và Hy Lạp, đã thống nhất sẽ “tăng cường tối đa áp lực chính trị và ngoại giao” đối với Israel nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ý nêu rõ: “Điểm chính nổi bật từ cuộc họp là ý chí chung nhằm gây áp lực tối đa đối với Israel, đảm bảo không xảy ra thêm các vụ việc tương tự".
Ngoài ra, tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng Phong trào Hồi giáo Hezbollah không được phép lợi dụng UNIFIL làm “lá chắn sống” trong cuộc xung đột với Israel.
Trong những ngày gần đây, ít nhất 5 binh sĩ UNIFIL đã bị thương trong các cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở miền Nam Libăng.
Israel đã yêu cầu UNIFIL di chuyển lực lượng ra khỏi khu vực cách biên giới Libăng-Israel khoảng 5 km, nhưng các quốc gia tham gia phái bộ đều từ chối. Họ khẳng định rằng sự hiện diện ổn định của UNIFIL là cần thiết để duy trì an ninh trong khu vực, và bất kỳ quyết định nào liên quan đến tương lai của phái bộ này phải được thảo luận ở cấp LHQ.
Về phần mình, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cũng đã khẳng định trên mạng xã hội X rằng các hoạt động của lực lượng UNIFIL có "tầm quan trọng lớn" và nhấn mạnh rằng Israel không có ý định gây tổn hại đến phái bộ hay nhân viên của tổ chức này.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)