Lực lượng Hezbollah ở Libăng ngày 12/10 thông báo đã phóng nhiều tên lửa vào một căn cứ quân sự của Israel ở thành phố ven biển Haifa.
Tuyên bố của Hezbollah nêu rõ các tay súng của lực lượng này đã tấn công một căn cứ ở phía Nam TP Haifa, trong đó nhiều tên lửa đã nhằm vào một nhà máy sản xuất vũ khí của Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Hezbollah đã bắn khoảng 230 quả đạn pháo vào Israel trong 11/10.
IDF cũng thông báo đã thực hiện hơn 110 cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của lực lượng Hezbollah ở Libăng, tấn công vào cơ sở hạ tầng trên và dưới mặt đất. IDF cũng cho biết lực lượng bộ binh ở miền Nam Libăng đã đụng độ và hạ nhiều thành viên Hezbollah với sự hỗ trợ của lực lượng không quân.
Trước đó, Bộ Y tế Libăng cho biết 22 người đã thiệt mạng và 117 người bị thương trong cuộc không kích của Israel vào khu vực có nhiều tòa nhà chung cư và cửa hàng nhỏ ở trung tâm thủ đô Beirut vào tối 10/10.
Nhiều nguồn tin cho biết Hezbollah đang chuẩn bị cho cuộc chiến tiêu hao kéo dài ở miền Nam Libăng, với việc thành lập bộ chỉ huy quân sự mới, sau khi hàng loạt thủ lĩnh hàng đầu của phong trào này bị thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel.
Trong khi đó, thêm nhiều nước lên tiếng bày tỏ quan ngại và phản đối các cuộc tấn công vào lãnh thổ Libăng khiến nhân viên của LHQ bị thương.
Nicaragua thông báo cắt đứt quan hệ với Israel do các cuộc tấn công nhằm vào các vùng lãnh thổ Palestine. Trước đó cùng ngày, Quốc hội quốc gia Trung Mỹ này cũng thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ nước này hành động phù hợp sau hơn một năm xung đột ở Dải Gaza và cuộc xung đột này đang có dấu hiệu lan rộng trong khu vực Trung Đông.
Trong tuyên bố chung vào ngày 11/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã bày tỏ bất bình sau khi một số binh sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Libăng bị thương.
Thông cáo báo chí của Điện Elysee dẫn một đoạn trong tuyên bố chung nhấn mạnh những cuộc tấn công này vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và Nghị quyết 1701, được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua vào năm 2006, nhằm hỗ trợ quân đội Libăng giữ cho khu vực biên giới phía Nam với Israel không có vũ khí hoặc không có lực lượng vũ trang nào khác ngoài lực lượng của Chính phủ Libăng.
Tuyên bố cũng kêu gọi bảo vệ nhân viên của LHQ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đồng thời chấm dứt ngay lập tức những hành động quân sự như vậy.
Phản ứng cùng ngày, Trung Quốc, Nga và Indonesia đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại và phản đối các cuộc tấn công vừa qua nhằm vào các hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Libăng (UNIFIL).
Ngày 11/10, thêm 2 nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ đã bị thương trong các vụ nổ gần một tháp canh ở thị trấn biên giới Nakura của Libăng, sau một vụ việc tương tự xảy ra vào ngày 10/10 tại Nakura khiến hai nhân viên gìn giữ hòa bình bị thương. Cả hai vụ việc đều do hỏa lực của Israel gây ra.
Theo UNIFIL, ngày 9/10, binh lính Israel đã cố tình nổ súng và vô hiệu hóa các camera giám sát xung quanh địa điểm này, đồng thời cũng cố tình nổ súng vào trạm quan sát 1-32A của LHQ tại Ras al-Naqoura, nơi diễn ra các cuộc họp ba bên thường kỳ trước khi xảy ra xung đột, làm hư hỏng hệ thống chiếu sáng và một trạm chuyển tiếp.
Đặc phái viên Mỹ tại Libăng Amos Hochstein cùng ngày tuyên bố với truyền thông địa phương rằng Washington đang làm việc “không ngừng nghỉ” hướng tới lệnh ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này. Ông Hochstein khẳng định với kênh truyền hình LBC của Libăng: “Chúng tôi muốn toàn bộ cuộc xung đột chấm dứt. Chúng tôi đang làm việc không ngừng nghỉ”.
Liên quan đến những diễn biến mới nhất, ông Hochstein cho biết các báo cáo về việc Israel tấn công các vị trí của lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở miền nam Libăng vào ngày 11/10 là “không thể chấp nhận được”. Ông cũng gửi lời chia buồn tới gia đình của hai người lính quân đội Libăng đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel ở phía nam đất nước, cũng vào ngày 11/10.
Trong diễn biến khác, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/10 tuyên bố mở rộng các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ và hóa dầu của Iran sau cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel hôm 1/10.
Động thái trên đã bổ sung thêm dầu mỏ và hóa dầu vào một sắc lệnh hành pháp của Mỹ nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Iran, để phản đối việc Chính phủ Iran tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Bộ Tài chính Mỹ đã xác định 16 thực thể (bị trừng phạt) và 17 tàu là tài sản bị phong tỏa, do có liên quan đến việc vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu, hỗ trợ Công ty Dầu khí Quốc gia Iran.
Báo The National News của Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) mới đây đã đăng bài viết đánh giá về hậu quả của một cuộc tấn công tiềm tàng do Israel thực hiện, nhắm vào các cơ sở năng lượng của Iran.
Theo bài viết, một cuộc xung đột mở rộng ở Trung Đông có thể đe dọa an ninh của các quốc gia trong khu vực - nguồn cung cấp năng lượng quan trọng toàn cầu. Giới phân tích đã chỉ ra một loạt mối đe dọa và các kịch bản có thể xảy ra liên quan đến những căng thẳng hiện nay giữa Israel và Iran.
Các biện pháp trừng phạt tăng cường của Mỹ đối với Iran có thể khiến lượng dầu xuất khẩu từ quốc gia Trung Đông này giảm ít nhất nửa triệu thùng mỗi ngày. Các cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở dầu mỏ của Iran, bao gồm cả các nhà máy lọc dầu, có thể làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu năng lượng, cũng như nguồn cung cấp nhiên liệu trong nước của Tehran.
Còn theo tờ Financial Times, bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel làm gián đoạn lượng xuất khẩu 1,7 triệu thùng dầu/ngày của Tehran đều sẽ gây hậu quả cho thị trường năng lượng toàn cầu. Trong khi bất kỳ cuộc trả đũa nào của Iran nhằm vào các đối thủ xuất khẩu dầu ở Trung Đông thậm chí còn gây nhiều biến động hơn nữa.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)