Thứ Sáu, 22/11/2024 22:50 CH
Các biện pháp bảo vệ hòa bình phải được xây dựng từ tâm trí con người
Thứ Bảy, 21/09/2024 16:06 CH

Thay vì đến trường, Kinan Mahdi, cậu học sinh 11 tuổi ở TP Gaza của Palestine, đã dành cả ngày xếp hàng chờ nhận viện trợ lương thực cho gia đình 8 thành viên của mình. 

 

Các em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

 

Điểm phát viện trợ là một ngôi trường đã đóng cửa và hiện là nơi trú ẩn cho hàng nghìn người Palestine phải rời bỏ nhà cửa do cuộc xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza.

 

Kinan ước mơ một ngày nào đó sẽ trở thành bác sĩ, nhưng ước mơ đó đang dần xa tầm với. Cậu bé đã bỏ lỡ một năm học do xung đột và lo lắng không biết khi nào mới có thể trở lại lớp học.

 

Tình trạng ở Gaza hiện nay là một thảm họa nhân đạo, và câu chuyện của Kinan chỉ là một trong hàng triệu câu chuyện đau buồn về những người dân vô tội bị ảnh hưởng xung đột.

 

Thế giới vẫn đang phải chứng kiến những diễn biến phức tạp từ các cuộc xung đột. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) ở Na Uy, trong năm 2023 có 59 cuộc xung đột vũ trang, mức cao kỷ lục kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Đáng chú ý, tổng số người thiệt mạng trong 3 năm qua cũng ở mức cao nhất trong tất cả các giai đoạn 3 năm của 3 thập niên trở lại đây.

 

Kể từ đầu năm đến nay, các cuộc xung đột nổi cộm trên thế giới không “xuống thang” mà còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn.

 

Tại Trung Đông, cuộc xung đột Hamas - Israel kéo dài 11 tháng qua đã làm hơn 41.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 1,4 triệu người phải sơ tán và gây ra một thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Dải Gaza. Nhiều cuộc đàm phán ngừng bắn đã diễn ra, nhưng hầu như chưa đạt được bất kỳ kết quả nào đáng kể.

 

Xung đột không dừng ở Gaza mà lan rộng ở khu vực, với sự can dự của các lực lượng như Hezbollah (Liban), Houthi (Yemen) cùng các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria.

 

Trụ sở cảnh sát bị phá hủy sau một cuộc tấn công pháo kích ở El Fasher, bang Bắc Darfur, Sudan ngày 26/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

 

Trên biển Đỏ, các cuộc tấn công của Houthi làm gián đoạn tuyến vận tải biển quan trọng hàng đầu thế giới, khiến chi phí vận tải tăng cao.

 

Trong khi đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tác động nặng nề tới hòa bình và an ninh khu vực, đe dọa an ninh lương thực và an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu.

 

Nội chiến leo thang ở các quốc gia châu Phi như ở Sudan, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo… cũng đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn. Các cuộc xung đột trên thế giới gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho các nước trực tiếp tham gia, mà còn tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới.

 

Tại lễ thỉnh chuông hòa bình thường niên tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) tuần trước, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo xung đột đang lan rộng, trong khi các công nghệ mới đang ngày càng được sử dụng để sản xuất vũ khí và phục vụ mục đích quân sự.

 

Ông kêu gọi các tổ chức quốc tế cải thiện năng lực ứng phó trong bối cảnh thế giới chia rẽ sâu sắc và khủng hoảng gia tăng. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh: “Chúng ta có cơ hội để thay đổi... Nói chung, chúng ta phải vun đắp văn hóa hòa bình".

 

Ý tưởng về “vun đắp văn hóa hòa bình” cũng là chủ đề của Ngày Quốc tế Hòa bình (21/9) năm nay. Chủ đề này lấy cảm hứng từ niềm tin cốt lõi của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) rằng “chiến tranh khởi nguồn từ tâm trí con người, vì vậy, các biện pháp bảo vệ hòa bình phải được xây dựng chính từ tâm trí con người".

 

Theo cách nhìn này, hòa bình không phải là một khái niệm trừu tượng; đó là một quá trình mà trong đó các hành vi, giá trị hoặc thực hành được phát triển, chỉ dạy và lan truyền trong xã hội thông qua việc giáo dục văn hóa.

 

Để vun đắp văn hóa hòa bình, cần truyền đạt các giá trị của đối thoại và tôn trọng lẫn nhau ngay từ khi còn nhỏ, đảm bảo những lý tưởng này được duy trì qua nhiều thế hệ và vượt qua ranh giới địa lý. Chỉ bằng cách lan tỏa văn hóa hòa bình này, chúng ta mới có thể hy vọng về một thế giới nơi các xung đột được giải quyết không phải bằng bạo lực mà bằng đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

 

Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay diễn ra trước thời điểm quan trọng đối với hợp tác toàn cầu. Từ ngày 22-23/9, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ quy tụ tại New York để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, một sự kiện mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết những thách thức cấp bách hiện nay.

 

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu tham dự hội nghị và Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại Hội đồng LHQ, với thông điệp “Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân".

 

Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận đa phương để giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò then chốt của LHQ; đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

 

Cán bộ, sĩ quan Việt Nam trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan và khu vực Abyei. Ảnh: TTXVN

 

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tham gia chủ động, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cử hơn 800 lượt sĩ quan quân đội và công an thực hiện nhiệm vụ tại những khu vực xa xôi như Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Abyei (nằm giữa Nam Sudan và Sudan)...

 

Với hai cuộc xung đột lớn chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm", cùng với không ít nguy cơ xung đột cục bộ tiềm ẩn ở nhiều khu vực, tình hình thế giới trong thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

 

Trong bối cảnh đó, việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Hòa bình là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của nhân loại trong việc vun đắp và nuôi dưỡng văn hóa hòa bình. Hòa bình không chỉ đơn giản là sự vắng bóng của chiến tranh, mà là sự hiện diện của lòng trắc ẩn, sự hợp tác và khả năng thấu hiểu lẫn nhau giữa các cá nhân và các cộng đồng.

 

Chỉ khi chúng ta mở rộng lòng đồng cảm, nỗ lực giải quyết bất bình đẳng và hỗ trợ những cộng đồng dễ tổn thương, chúng ta mới có thể thực sự kiến tạo một thế giới hòa bình và không có bạo lực, nơi mà tất cả mọi người đều có cơ hội được sống trong sự an toàn và tôn trọng lẫn nhau.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek