Truyền thông địa phương cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20/9 thông báo đã tăng cường các nỗ lực giám sát bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở Nam Sudan khi số ca bệnh tiếp tục gia tăng trên khắp châu Phi.
Cơ quan y tế của LHQ này cho biết bất chấp các biện pháp toàn cầu nhằm ngăn chặn dịch bệnh, mpox vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với những người có hệ thống miễn dịch suy giảm.
Đại diện của WHO tại Nam Sudan, ông Humphrey Karamagi, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm nhanh chóng và đáng tin cậy để có thể ứng phó kịp thời. Với sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ, WHO đã cung cấp cho Phòng xét nghiệm y tế công cộng Nam Sudan các bộ xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) tiên tiến.
Theo ông Karamagi, các bộ xét nghiệm này giúp tăng cường khả năng phát hiện và ứng phó kịp thời với các đợt bùng phát, do đó giúp tăng cường khả năng chuẩn bị và ứng phó, cuối cùng là cứu sống được nhiều người hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết kể từ đầu năm đến nay, châu lục này ghi nhận tổng cộng 29.152 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox), trong đó có 6.105 ca được xác nhận và 738 ca tử vong.
Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 19/9, người đứng đầu CDC châu Phi Jean Kaseya cho biết chỉ riêng trong tuần qua, châu lục này đã báo cáo 2.912 ca mắc mới, bao gồm 374 ca được xác nhận và 14 ca tử vong. Các ca bệnh ghi nhận ở 15 quốc gia trên khắp 5 khu vực của châu lục.
Theo ông Kaseya, hoạt động đi lại xuyên biên giới, tình trạng suy dinh dưỡng và hành vi tình dục không an toàn là những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đậu mùa khỉ.
Cũng theo CDC châu Phi cho biết hàng trăm người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tại Rwanda đã được tiêm vắc xin MVA-BN phòng bệnh, đánh dấu việc lần tiên triển khai chiến dịch này tại châu Phi.
Trả lời phỏng vấn báo giới, một người phát ngôn của CDC châu Phi xác nhận nhân viên y tế đã tiêm 300 mũi đầu tiên vắc xin MVA-BN tại khu vực biên giới của Rwanda với Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với gần 22.000 ca mắc và hơn 700 ca tử vong từ tháng 1-8/2024.
Đậu mùa khỉ là bệnh do virus lây truyền sang người từ động vật nhiễm nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần.
Triệu chứng bệnh gồm sốt, đau nhức cơ và tổn thương da lớn giống như nhọt, và có thể gây tử vong trong một số trường hợp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 8, lo ngại nguy cơ gia tăng số ca nhiễm chủng Clade 1b mới ở Cộng hòa Dân chủ Congo, lây lan sang các quốc gia lân cận. Đây là lần thứ hai trong 2 năm WHO kích hoạt mức cảnh báo toàn cầu cao nhất đối với căn bệnh này.
CDC châu Phi gần đây đã công bố việc triển khai kế hoạch ứng phó chung của lục địa với WHO.
Kế hoạch kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 9 năm nay đến tháng 2/2025, có ngân sách ước tính gần 600 triệu USD. Trong số này, 55% được phân bổ cho các nỗ lực ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ở các quốc gia bị ảnh hưởng, số còn lại được dùng để hỗ trợ hoạt động và kỹ thuật thông qua các tổ chức đối tác.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)