* EU tăng tốc trong cuộc chiến pháp lý với các "gã khổng lồ" công nghệ
Ngày 20/8, Tòa phúc thẩm liên bang tại California, Mỹ đã ra phán quyết khôi phục vụ kiện của những người dùng trình duyệt Chrome, trong đó cáo buộc Google thu thập trái phép dữ liệu cá nhân thông qua tính năng Sync (đồng bộ).
Hội đồng thẩm phán ở California nhận định tòa án cấp dưới đã sai khi bác bỏ vụ kiện với lý do người dùng Chrome đã đồng ý với chính sách quyền riêng tư của Google, đồng thời cho rằng vụ kiện cần được đưa ra xét xử.
Theo phán quyết của tòa phúc thẩm, tòa án quận đáng lẽ nên đánh giá việc chấp nhận chính sách riêng tư từ góc nhìn của một người dùng Chrome thông thường, chứ không phải từ một chuyên gia hay một luật sư giàu kinh nghiệm vốn có thể dễ dàng hiểu được những thuật ngữ pháp lý.
Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm nêu rõ Google đã không phủ nhận việc thu thập dữ liệu của người dùng, mà chỉ lập luận người dùng đã đồng ý với chính sách quyền riêng tư của công ty.
Người phát ngôn của Google, Jose Castaneda tuyên bố không đồng tình với phán quyết, khẳng định tính năng Chrome Sync giúp mọi người sử dụng Chrome một cách liền mạch trên nhiều thiết bị khác nhau và có các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư rõ ràng.
Google đã ra mắt tính năng Sync vào năm 2009 với mục đích cho phép người dùng Chrome truy cập dấu trang, mật khẩu và nhiều nội dung khác trên nhiều thiết bị bằng cách liên kết với tài khoản Google.
Người dùng Chrome đã cáo buộc Google vi phạm quyền riêng tư và luật pháp, khi thu thập dữ liệu về họ dù các thông tin này không được đồng bộ.
Nguyên đơn là những người đã sử dụng trình duyệt Chrome mà không dùng tính năng đồng bộ từ ngày 26/7/2016 đến nay.
* Những tháng cuối năm nay dự báo sẽ là thời điểm khó khăn đối với các tập đoàn công nghệ hoạt động ở Liên minh châu Âu (EU) khi khối này tăng cường sử dụng bộ công cụ pháp lý mới mạnh mẽ hơn để kiểm soát các "gã khổng lồ" công nghệ.
Kể từ tháng 8/2023, các nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay tại EU.
Sau 1 năm, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy việc thực thi các quy định này sẽ chậm lại. EU đã giành được chiến thắng pháp lý đầu tiên sau khi buộc TikTok xóa vĩnh viễn một tính năng gây "nghiện" trong ứng dụng phụ vào tháng Tám, một năm sau khi các quy tắc kiểm duyệt nội dung theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của khối bắt đầu có hiệu lực.
Trước đó, vào đầu mùa hè, các cơ quan quản lý của EU cũng liên tiếp ban hành các quyết định nhắm vào Apple, Meta và Microsoft.
Theo giới chức EU, từ nay đến cuối năm, khối sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ. Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết khối này đang "tăng tốc tối đa" trong nỗ lực thực thi các chính sách và quy định liên quan.
Bà nhấn mạnh mục tiêu của EU là rút ngắn thời gian điều tra về luật cạnh tranh, vốn kéo dài nhiều năm, xuống tối đa 12 tháng.
Các hành động pháp lý của EU chủ yếu dựa trên hai luật, gồm DSA - yêu cầu các tập đoàn công nghệ phải kiểm soát nội dung trực tuyến, và luật cạnh tranh mang tên Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) - quy định cụ thể những gì các tập đoàn có thể làm và không thể làm trong hoạt động kinh doanh.
Hiện EU cũng đang xem xét các thỏa thuận giữa những "gã khổng lồ" công nghệ và các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có thương vụ hợp tác trị giá 13 tỉ USD giữa Microsoft và OpenAI - "cha đẻ" của ChatGPT.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)