Thứ Bảy, 23/11/2024 15:46 CH
Tổng thống Joe Biden chính thức "trao ngọn đuốc" cho cấp phó Kamala Harris
Thứ Ba, 20/08/2024 17:27 CH

Toàn cảnh đại hội. Ảnh: TTXVN

* Ông Trump công bố một loạt chính sách kinh tế tại bang chiến địa Pennsylvania

 

Ngày 20/8, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) ở Mỹ đã chính thức khai mạc tại TP Chicago, bang Illinois, miền Trung Tây nước này.

 

Tại phiên khai mạc, Tổng thống Joe Biden đã củng cố sự đề cử của đảng Dân chủ cho Phó Tổng thống Kamala Harris khi chính thức "trao ngọn đuốc" cho cấp phó của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

 

Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden đã nêu lý do để cử tri bầu chọn bà Harris làm người kế nhiệm ông tại Nhà Trắng và kêu gọi đảng Dân chủ đoàn kết ủng hộ nữ "phó tướng" của mình, người đang đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống da màu và gốc Nam Á đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

 

Trước đó, Tổng thống Biden từng cho biết ông cảm thấy hài lòng với quyết định ngừng tranh cử và "trao ngọn đuốc" cho bà Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

 

Sau khi ông Biden kết thúc bài phát biểu, bà Harris đã bước lên sân khấu và ôm nhà lãnh đạo kỳ cựu mà bà đã sát cánh trong 3 năm rưỡi qua, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết trong đảng Dân chủ.

 

Trước đó, bà đã bất ngờ xuất hiện ở phần đầu phiên khai mạc đại hội DNC, bày tỏ cảm ơn những đóng góp của Tổng thống Biden. Hàng nghìn đại biểu đã dành cho Phó Tổng thống sự chào đón nồng nhiệt.

 

Bà Harris bước vào đại hội DNC diễn ra từ ngày 19-22/8, sự kiện quan trọng nhất của đảng Dân chủ diễn ra 4 năm một lần, với tâm thế khá thoải mái. Chiến dịch tranh cử của bà đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ, thu hút đông đảo người ủng hộ trong các cuộc vận động tranh cử và biến các cuộc thăm dò dư luận ở một số bang chiến địa thành lợi thế cho đảng Dân chủ.

 

Về quyết định của ông Biden "trao ngọn đuốc" cho bà Harris, nhiều đại biểu đảng Dân chủ cho rằng đây là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, vì tương lai nước Mỹ và mang lại khả năng chiến thắng cho đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.

 

Trao đổi với phóng viên TTXVN đưa tin tại đại hội, bà Audrey Blondin, đại biểu bang Connecticut, nhận định ở Mỹ đang diễn ra sự chuyển giao thế hệ, người dân Mỹ muốn tiến về phía trước và ứng cử viên Harris sẽ là "đại diện cho tương lai, cho thế hệ lãnh đạo mới".

 

Cùng chung quan điểm này, ông Matthew Blondin, cũng trong đoàn đại biểu bang Connecticut, đánh giá quyết định rút lui của Tổng thống Biden là việc không dễ dàng nhưng đã được thực hiện đúng lúc nhằm "truyền lại ngọn đuốc" cho thế hệ sau.

 

Trong khi đó, ông Jade Velazquez, đại biểu bang Utah, đánh giá bài phát biểu của ông Biden tại đại hội mang tinh thần lạc quan, cho thấy chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ luôn hướng về tương lai. Ông cho rằng phiên khai mạc đại hội đảng Dân chủ cũng là buổi lễ ăn mừng sự chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch tranh cử từ Tổng thống Biden sang Phó Tổng thống Harris. Phần lớn các đại biểu tham gia phiên khai mạc đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ cũng thể hiện sự tự tin tuyệt đối vào khả năng chiến thắng của bà Harris trước ông Donald Trump, đối thủ từ phía đảng Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

 

Trong diễn biến khác, ngày 19/8, ứng cử viên của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, đã công bố một loạt chính sách kinh tế khi vận động tranh cử tại Pennsylvania - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du tới các bang chiến địa trong tuần này.

 

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại một nhà máy ở York, cựu Tổng thống Donald Trump chủ yếu bám sát vào những phát biểu đã được chuẩn bị trước, khi chỉ trích cách tiếp cận của đối thủ Kamala Harris đối với các vấn đề kinh tế và năng lượng.

 

Ông cam kết bãi bỏ quy định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về hạn chế ô nhiễm nhà máy điện, đồng thời tái khẳng định việc ngăn chặn kế hoạch của Tập đoàn thép Nippon Steel (Nhật Bản) nhằm mua lại Tập đoàn thép U.S. Steel (Mỹ).

 

Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại cam kết hạn chế sự tiếp cận của nước ngoài vào thị trường nội địa và 100% các mặt hàng thiết yếu đều là của Mỹ nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới.

 

Tuy nhiên, ông không nói rõ làm thế nào để thực hiện được các mục tiêu đó ngoài việc ủng hộ các biện pháp rộng rãi, như áp thuế đối với các quốc gia khác. Tháng 2 vừa qua, ông Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn thương vụ sáp nhập Nippon Steel với U.S. Steel, vốn gây quan ngại cho người lao động, vốn sở hữu những lá phiếu quan trọng ở Pennsylvania và một số bang dao động khác, có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử.

 

Ứng cử viên Donald Trump còn khẳng định loại bỏ các quy định do Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) công bố vào tháng 4 vừa qua nhằm hạn chế ô nhiễm không khí và nước từ các nhà máy điện, nhằm cắt giảm hơn 1 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2047. Thậm chí, nếu thắng cử, chính quyền của ông sẽ đưa thêm các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ, tiên tiến vào hoạt động và tận dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để tăng cường sản xuất các mặt hàng thiết yếu.

 

Trả lời phỏng vấn với báo giới sau bài phát biểu vận động tranh cử, ông Trump cho biết sẽ xem xét hủy bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD đối với việc mua xe điện, thậm chí sẽ mời tỷ phú Elon Musk tham gia chính quyền.

 

Trong khi đó, đối thủ của ông, bà Kamala Harris, lại đang thu hút cử tri bằng cam kết tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Harris, ông James Singer, cho biết động thái này sẽ là một phần trong nỗ lực “mang tiền trở lại túi người dân lao động” và đảm bảo các tỷ phú cũng như các tập đoàn lớn phải chia sẻ khoản lợi nhuận khổng lồ.

Trong bài phát biểu về chính sách kinh tế tuần trước, bà Kamala Harris đã phác thảo các đề xuất cắt giảm thuế đối với hầu hết người Mỹ, cấm các cửa hàng tạp hóa đội giá và cam kết xây dựng nhà ở giá rẻ hơn nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới.

 

Theo các cuộc thăm dò dư luận, Pennsylvania đã nổi lên như một trong những bang quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới khi mà cả ông Trump và bà Harris đều chưa chiếm được ưu thế. Việc ông Trump vận động tranh cử ở phía Đông Bắc bang Pennsylvania vào cuối tuần qua, trong khi bà Harris tập trung vào khu vực phía Tây đã cho thấy tầm quan trọng của bang này.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek