Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 14/5, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, đã diễn ra lễ ra mắt dự án “Đổi mới nền kinh tế xanh ASEAN”.
Dự án này nhằm thu hút các bên liên quan từ các lĩnh vực khác nhau, cả khía cạnh kinh tế và môi trường xã hội của nền kinh tế xanh.
Đối tượng hỗ trợ bao gồm các tổ chức kinh doanh và tổ chức phi lợi nhuận trong việc thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi ở ASEAN.
Phát biểu qua video gửi đến buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn, đánh giá cao sự ủng hộ của Ủy ban Điều phối ASEAN về Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME) đối với dự án “Đổi mới nền kinh tế xanh ASEAN”.
Được hỗ trợ bởi Chính phủ Nhật Bản và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), dự án kéo dài 12 tháng này phù hợp với Khung Kinh tế Xanh ASEAN.
Tại lễ ra mắt dự án, Đại diện UNDP tại Indonesia, ông Norimasa Shimomura, nhấn mạnh: “Chúng ta đoàn kết trong nỗ lực khai thác tiềm năng của nền kinh tế xanh ở ASEAN, cùng nhau hướng tới thúc đẩy các giải pháp mang tính chuyển đổi, trao quyền cho các sáng kiến địa phương và bảo vệ hệ sinh thái nước”.
Trong hơn 25 năm, UNDP là tổ chức ủng hộ toàn cầu cho việc bảo vệ đại dương, giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững với cam kết hơn 1 tỉ USD; nỗ lực trong khai thác tài nguyên nước ngọt và đại dương nhằm phát triển toàn diện ở hơn 100 quốc gia.
Ông Satvinder Singh, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cho biết: Dự án sẽ hỗ trợ 60 nhà đổi mới và doanh nhân từ các quốc gia ASEAN và Timor Leste.
Mỗi người được lựa chọn sẽ nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 40.000 USD cùng với cố vấn kỹ thuật và khả năng tiếp cận các khoản đầu tư và quan hệ đối tác tiềm năng.
Ông nhấn mạnh, chìa khóa thành công của dự án này là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và các công ty khởi nghiệp trên khắp ASEAN. Khu vực này có hệ sinh thái sôi động với hơn 17 triệu MSME.
Gần 6.000 công ty khởi nghiệp và hơn nửa triệu doanh nhân xã hội đã nhận ra vai trò then chốt của các thực thể này. Hãy nắm bắt cơ hội này để góp phần bảo tồn hành tinh của chúng ta cho các thế hệ mai sau.
Dự án hướng tới bảo vệ hệ sinh thái biển với vai trò thiết yếu trong việc duy trì môi trường và nền kinh tế của ASEAN. Với 28% rạn san hô toàn cầu, 31% rừng ngập mặn và 33% thảm cỏ biển, trị giá lần lượt là 112,5 tỉ USD và 5,1 tỉ USD mỗi năm, những hệ sinh thái này là không thể thay thế.
Tương tự, tài nguyên nước ngọt đóng góp đáng kể vào tiềm năng ngành xanh của khu vực thông qua cung cấp sinh kế, đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên quan trọng này phải đối mặt với những mối đe dọa đáng kể, với khoảng 64% nghề cá ASEAN đang gặp rủi ro đáng kể do đánh bắt quá mức và các phương pháp khai thác mang tính hủy diệt.
Ngoài ra, nhiệt độ tăng liên tục do biến đổi khí hậu cũng đang đặt ra những thách thức lớn đối với sức khỏe của cộng đồng địa phương và năng suất hệ sinh thái.
Theo TTXVN/Vietnam+