Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lưu ý đà tăng của giá dầu thời gian gần đây do căng thẳng Trung Đông có khả năng làm chệch hướng triển vọng "tương đối tốt" của kinh tế thế giới.
Theo ông Gourinchas, IMF dự báo kinh tế toàn cầu có thể phục hồi khá tốt trong năm 2024. IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, đồng thời lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống 5,9% trong năm nay và 4,5% vào năm tới giữa bối cảnh lãi suất tăng cao ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, ông Gourinchas lưu ý tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ, năng lượng hoặc hàng hóa có thể là một trong những nhân tố làm chệch hướng con tàu kinh tế.
Theo ông Gourinchas, cho đến nay, IMF đã nhận thấy một số sức ép do đà tăng của giá dầu, song vẫn còn quá sớm để nhận định liệu tình hình này có kéo dài hay không.
Ông Gourinchas cho biết kinh tế Mỹ đánh đi nhiều tín hiệu tích cực trong sáu tháng qua, với tốc độ tăng trưởng năng suất mạnh mẽ, nguồn cung lao động gia tăng nhờ lượng người nhập cư và hoạt động chi tiêu công cao hơn.
Ông dự báo lạm phát tại Mỹ sẽ giảm trong năm 2024 và tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Không giống với Mỹ, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng của châu Âu sẽ mờ nhạt hơn trong ngắn hạn, với dự đoán Khu vực Đồng Euro sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm nay và tăng lên 1,5% trong năm tới.
Theo ông Gourinchas, tác động của cú sốc năng lượng đã giảm bớt khá nhiều song vẫn còn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt đang làm tăng chi phí đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Ông Gourinchas đánh giá không giống như Mỹ, người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu cảm thấy kém tin tưởng hơn vào sức khỏe của nền kinh tế nói chung. Điều này khiến tiêu dùng ít hơn, nhu cầu thấp hơn, đầu tư ít hơn.
IMF cho rằng dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu là hợp lý.
Tại châu Á, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong vài năm tới do sự giảm bớt các gói kích thích sau đại dịch và sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Gourinchas, Trung Quốc là ví dụ về một nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tiềm năng. Ông cho rằng Trung Quốc có thể thực hiện các chính sách mở rộng hơn một chút, đặc biệt là chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, báo cáo mới đây của IMF cũng nhận thấy tốc độ hướng tới mức sống cao hơn tại các nước có thu nhập trung bình và thấp đã chậm lại.
Ông Gourinchas cảnh báo các quốc gia đang phát triển sẽ mất nhiều thời gian hơn để bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến.
Ông cho rằng các quốc gia cần cân nhắc về những biện pháp có thể thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn, thông qua thay đổi chính sách, thu hút vốn và đầu tư nước ngoài hoặc nâng cao dân trí.
Theo TTXVN/Vietnam+