Ngày 15/4, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng khu vực Trung Đông đang đứng "trên bờ vực" và kêu gọi giảm leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Onda Cero của Tây Ban Nha, ông Borrell đã nhấn mạnh cảnh báo trên, đồng thời cho rằng cần phải tránh xa điều đó. Theo ông, Israel sẽ có phản ứng trước cuộc không kích chưa từng có của Iran nhằm vào Nhà nước Do Thái, song hy vọng phản ứng đó sẽ không khiến căng thẳng leo thang.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Jan Lipavsky đã triệu Đại sứ Iran sau vụ Tehran tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa sang lãnh thổ Israel cuối tuần qua. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Lipavsky nêu rõ Iran đã vượt qua mọi ranh giới khi tấn công Israel, gây nguy hiểm cho tình hình an ninh trong khu vực.
Cũng trong ngày 15/4, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng có thể tránh được tình trạng leo thang căng thẳng giữa Iran và Israel. Ngoại trưởng Szijjarto cho biết sau vụ tấn công của Iran, ông đã thảo luận tình hình với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) Abdullah bin Zeyed Al Nahyan vào tối 14/4.
Dựa trên các cuộc thảo luận, ông nhận thấy vẫn còn cơ hội để tránh gây leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Điều này sẽ chỉ có thể xảy ra nếu tất cả các bên quan trọng trong nền chính trị thế giới hành xử có trách nhiệm trong giai đoạn tới”.
Ngoại trưởng Szijjarto cũng khẳng định Budapest lên án cuộc tấn công của Iran, vì động thái đó "đe dọa leo thang xung đột," gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu. Trước đó, ông khẳng định Hungary phản đối bất kỳ hành động nào tiếp tục làm gia tăng căng thẳng.
Phái đoàn ngoại giao Iran tại LHQ lập luận rằng cuộc tấn công hôm 13/4 là hành động tự vệ theo Điều 51 trong Hiến chương LHQ sau vụ việc mà Tehran cho là Israel tấn công vào tòa lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran tại Syria. Tehran cũng tuyên bố không có ý định thực hiện thêm hành động nào trừ khi lại bị Israel tấn công.
Cũng trong ngày 15/4, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cho biết sáng cùng ngày, nước này đã triệu Đại sứ Iran tại Đức sau vụ Tehran tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào Israel cuối tuần qua. Theo người phát ngôn, cuộc gặp đang diễn ra và không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.
Cùng ngày, Nga bày tỏ vô cùng quan ngại về tình hình leo thang ở khu vực Trung Đông sau vụ tấn công nói trên của Iran, đồng thời kêu gọi tất cả các nước trong khu vực kiềm chế. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý căng thẳng tiếp tục leo thang không có lợi cho bên nào. Moscow tin rằng mọi bất đồng nên được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh nước này sẽ hỗ trợ làm mọi điều có thể để tránh leo thang căng thẳng tại Trung Đông sau vụ tấn công của Iran nhằm vào Israel.
Phát biểu trên kênh tin tức BFMTV, Tổng thống Macron khẳng định Pháp sẽ cố gắng thuyết phục Israel không trả đũa. Ông cũng cho rằng trọng tâm của việc đáp trả nên hướng đến cô lập Iran, thuyết phục các quốc gia trong khu vực tăng cường các biện pháp trừng phạt cũng như gia tăng áp lực đối với các hoạt động hạt nhân tại Iran.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình leo thang ở Trung Đông, đồng thời kêu gọi Iran và Israel kiềm chế sau vụ tấn công trên. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ ứng phó kịp thời trước tình trạng leo thang nhằm ngăn chặn căng thẳng lan sang khu vực Trung Đông.
Indonesia cũng nhấn mạnh việc giải quyết công bằng vấn đề Palestine thông qua việc hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước và cho rằng đây sẽ là chìa khóa để duy trì ổn định khu vực.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, hãng hàng không Qatar Airways của Qatar thông báo nối lại các dịch vụ bay đã lên lịch trình tới Iran, bao gồm 20 chuyến bay mỗi tuần đến 4 điểm Tehran, Mashhad, Shiraz và Isfahan.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)